Vào nội dung chính
AI CẬP

Biểu tình đòi Moubarak phải ra đi, 4 người chết

Ba người biểu tình và một cảnh sát đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tập hợp nhiều ngàn người Ai Cập. Tuy bị cấm đoán, biểu tình vẫn tiếp tục hôm nay.Người dân Ai Cập, phấn khích trước cuộc cách mạng ở Tunisia, đòi Tổng thống Hosni Moubarak phải rời bỏ chức vụ được nắm giữ từ năm 1981 cho đến nay.

Những người biểu tình tại Cairo xô xát với cảnh sát ngày 25/1/11.
Những người biểu tình tại Cairo xô xát với cảnh sát ngày 25/1/11. Reuters
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, các cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố của Ai Cập từ hôm qua, với các khẩu hiệu như « Moubarak hãy biến đi !», « Tunisia là giải pháp ». Theo các nhà quan sát, đây là những cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất tại nước này, kể từ sau cuộc nổi dậy năm 1977. Riêng tại thủ đô Cairo, nguồn tin chính thức cho biết có 15.000 người biểu tình. Lực lượng an ninh được huy động lên đến 20 đến 30.000, tối qua đã bắn hơi cay vào đoàn biểu tình để giải tán.

Bộ Nội vụ Ai Cập hôm nay cấm mọi cuộc tập hợp, và hôm qua đã lên án Phong trào Huynh đệ Hồi giáo giật dây các cuộc xung đột tại thủ đô, tuy đa số người biểu tình không thuộc đảng đối lập nào. Được biết nhiều nhóm đấu tranh đòi dân chủ hôm qua đã kêu gọi xuống đường. Những lời kêu gọi lan truyền nhanh chóng qua các mạng xã hội trên internet, được nhiều người hưởng ứng đặc biệt là giới trẻ.

Với trên 80 triệu dân, Ai Cập là nước Ả rập đông dân nhất hiện nay, và trên 40% dân số phải sống với thu nhập đầu người dưới hai đô la một ngày. Gần đây đã có nhiều vụ tự thiêu để phản kháng, như vụ người thanh niên Tunisia đã gây nên cuộc cách mạng hoa hồi mới đây.

Tổng thống Moubarak, 82 tuổi, nắm quyền từ 30 năm qua, chưa cho biết có sẽ tái ứng cử vào tháng 9 tới hay không. Con trai ông là Gamal, 47 tuổi, được xem là người có nhiều hy vọng sẽ kế vị.

Tuy Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng chính quyền Ai Cập - đồng minh của Hoa Kỳ lâu nay - là vẫn ổn định, nhưng Nhà Trắng nhận định, đây là cơ hội quan trọng để chú ý đến nguyện vọng của người dân. Tương tự, Liên hiệp châu Âu hôm nay cũng khuyến cáo chính quyền Cairo nên lắng nghe các đòi hỏi thay đổi về mặt chính trị. Nước Pháp đã tỏ ý tiếc về các trường hợp tử vong qua các vụ xung đột với nguời biểu tình, còn Ý tuyên bố hy vọng là ông Moubarak tiếp tục quản lý một cách khôn ngoan và sáng suốt.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.