Vào nội dung chính
AI CẬP

Áp lực lên tổng thống Ai Cập lại tăng thêm

Sau khi hôm qua (4/2/2011) hàng trăm ngàn người tiếp tục xuống đường đòi tổng thống Mubarak từ chức, áp lực quốc tế lên lãnh đạo Ai Cập tăng thêm một nấc. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đồng loạt lên tiếng và nhắc đến tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Ai Cập.

Dân chúng tại Alexandria biểu tình nhất quyết đòi ông Mubarak phải ra đi (Reuters)
Dân chúng tại Alexandria biểu tình nhất quyết đòi ông Mubarak phải ra đi (Reuters)
Quảng cáo

Hôm qua (4/2/2011), tổng thống Mỹ Barack Obama đã gián tiếp kêu gọi ông Mubarak từ chức khi tuyên bố rằng tổng thống Ai Cập « nên chú ý đến điều mà người dân đòi hỏi và lấy một quyết định có trật tự, mang tính xây dựng và nghiêm chỉnh ». Ông Obama nói thêm là các cuộc thảo luận về chuyển tiếp chính trị đang diễn ra. 

Các lãnh đạo 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu cũng đã yêu cầu là tiến trình chuyển tiếp dân chủ phải bắt đầu « ngay từ bây giờ ». Họ còn gián tiếp doạ sẽ xét lại viện trợ cho Ai Cập nếu các vụ vi phạm quyền tự do tiếp diễn tại nước này. 

Nhưng tại hội nghị an ninh ở Munich hôm nay, thủ tướng Đức Angela Merkel đã khuyên người dân Ai Cập nên kiên nhẫn, vì theo bà, thay đổi phải có tổ chức và hòa bình, như kinh nghiệm của bà về quá trình thống nhất nước Đức trước đây. 

Tại hội nghị, tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon cũng đã nhắc đến cuộc khủng hoảng Ai Cập. Ông cho rằng , phong trào phản kháng ở Ai Cập cũng như ở Tunisie là do tình trạng thiếu an ninh, nạn nghèo khó, sự thất vọng, nạn tham nhũng và thiếu dân chủ. Lãnh đạo Liên hiệp quốc nhấn mạnh rằng, từ năm 2002, Liên hiệp quốc đã luôn yêu cầu thay đổi đến dân chủ, nhất là tại các nước Ả rập. 

Phát biểu tạì hội nghị Munich, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nói rằng, nếu không có tiến bộ đến những thể chế cởi mở và có trách nhiệm, hố sâu ngăn cách người dân với các chính phủ sẽ tăng thêm và sự bất ổn định sẽ trầm trọng hơn. Nhưng bà Clinton cảnh báo là trên con đường đến dân chủ, Trung Đông có nguy cơ rơi vào hỗn loạn.

Tình hình tại chỗ

Đường ống dẫn khí từ Ai Cập tới Jordanie bị phá hoại. Tổng thống Mubarak lần đầu tiên họp với các thành viên mới trong chính phủ, Cairo tiếp tục siết chặt gọng kềm nhắm vào các nhà báo quốc tế. 

Cơ quan an ninh Ai Cập cho biết : sáng nay đường ống dẫn khí đốt nối liền Ai Cập với Jordanie bị phát nổ tại khu vực gần thành phố El Arich, ở phía bắc bán đảo Sinai và đây là một vụ phá hoại. Tuy nhiên đường ống cung cấp khí đốt cho Israel không là mục tiêu tấn công như một số nguồn tin đã loan tải ban đầu. Dù vậy các hoạt động xuất khẩu khí đốt qua Israel đã bị tạm ngưng. Khí đốt của Ai Cập bảo đảm đến 80% nhu cầu điện lực cho Jordanie.

Đối với Israel, 40% khí đốt của quốc gia này do Ai Cập cung cấp. Lãnh đạo vùng Bắc Sinai khẳng định trên đài truyền hình là vụ phá hoại nhắm vào đường ống dẫn khí sang Jordanie không gây thiệt hại nhân mạng, nhưng ông coi đây là một vụ tấn công khủng bố. Theo lời một viên chức Ai Cập được Reuters trích dẫn, quy trách nhiệm cho « các lực lượng thù nghịch bên ngoài ».

Biểu tình tại Cairo tiếp diễn

Cuộc đọ sức với chính quyền đã bước sang ngày thứ 12. Sáng nay, hàng ngàn người vẫn tập hợp tại quảng trường Giải Phóng Tahrir và hô to khẩu hiệu đòi tổng thống Mubarak từ chức. Cũng hôm nay, lần đầy tiên, tổng thống Ai Cập triệu tập các thành viên mới trong chính phủ với hy vọng tìm ra một lối thoát giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay. Theo thông tín viên đài RFI Monique Grass tại Cairo, bàn cờ chính trị Ai Cập hiện khá phức tạp : 

"Mubarak không chịu từ chức, giờ đây người dân Ai Cập buộc phải can thiệp vào đời sống chính trị tại quốc gia này. Từ trước đến nay đây vẫn được coi là một hồ sơ nhậy cảm, không phải ai cũng được quyền tham dự. Sau cuộc biểu dương lực lượng trên đường phố giờ đây đoàn người biểu tình tại quảng trường Giải Phóng, Tahrir đang tìm một giải pháp chính trị.

Dân chúng Ai Cập bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ buộc tổng thống Mubarak rời khỏi chính quyền. Tuy nhiên, cho dù ông này chấp nhận ra đi, vẫn chưa có gì bảo đảm là đất nước Ai Cập được thực sự đổi mới. Trước hết tổng thống Ai Cập muốn giữ thể diện cho nên Cairo phải thu xếp sự ra đi của ông Mubarak. Đó là một trong những điều kiện mà phía chính quyền không nhượng bộ.

Tổng thống Hosni Mubarak được quân đội yểm trợ, với lý do là quân đội Ai Cập muốn bảo vệ uy tín và thanh thế của mình. Trong quá khứ quân đội Ai Cập luôn đóng một vai trò trọng tài rất được lòng dân. Bên cạnh đó thì cũng phải kể đến vai trò của quân đội Ai Cập trong các cuộc đọ sức với các chính quyền đô hộ, cũng như với Israel.

Ngoài ra quân đội tại quốc gia Trung Cận Đông này còn là một trong những cột trụ của chính quyền, một trong những diễn viên hàng đầu trên sân khấu chính trị Cairo. Có khả năng giới tướng lãnh Ai Cập sẽ đóng một vai trò trọng yếu trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ngay cả trong hàng ngũ đối lập, một số người cho rằng, ông Omar Souleyman vừa được chỉ định vào chức vụ phó tổng thống có triển vọng lên lãnh đạo đất nước để chuẩn bị cho một cuộc tuyển cử công bằng và tự do. Đây chính là mọt trong những đề tài nhậy cảm nhất sẽ được chính quyền và đại diện của phe đối lập thảo luận trong ngày hôm nay ".  

Liên quan đến số phận các nhà báo quốc tế đang tác nghiệp tại Cairo : đài truyền hình Qatar, Al Jazira hôm nay cho biết, giám đốc chi nhánh của cơ quan truyền thông này và một phóng viên tại Cairo đã bị bắt. Hôm qua (4/2) văn phòng của Al Jazira bị lục soát và phá hoại. Trong những ngày qua, nhiều nhà báo quốc tế đã trở thành mục tiêu tấn công – trong số này có nhiều nhà báo Pháp- và bị tố cáo là có những hoạt động nhằm khuynh đảo chế độ.

Hôm qua, bộ trưởng Tài chính Ai Cập đã chinh thức lên tiếng xin lỗi về những hành vi « ngược đãi » đối với phóng viên nước ngoài. Cuối cùng, một nhà báo Ai Cập đã qua đời tại bệnh viện sau khi bị thương vào đầu. Ahmed Mohammed Mahmoud là phóng viên của báo Al Ahram, cơ quan ngôn luận của chính quyền Cairo. Ngày 29/1 vừa qua anh đã bị trọng thương. Anh là nhà báo đầu tiên tử vong trong đợt nổi dậy tại Ai Cập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.