Vào nội dung chính
AI CẬP

Người biểu tình Ai Cập bao vây khu nhà Quốc hội và chính phủ

Cuộc biểu tình phản kháng tại Ai Cập bước sang ngày thứ 17. Kể từ ngày hôm qua, những người biểu tình bắt đầu bao vây khu nhà Quốc hội và toà nhà chính phủ tại thủ đô Cairo. Tuy nhiên, chính quyền Ai Cập không chấp nhận nhượng bộ, họ cho biết quân đội sẽ can thiệp trong trường hợp có bạo động.

Giờ cầu nguyện của ngừoi biểu tình trước tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Cairon ngày 9/2/2011.
Giờ cầu nguyện của ngừoi biểu tình trước tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Cairon ngày 9/2/2011. REUTERS/Mohamed Abd El-Ghany
Quảng cáo

Về tình hình tại khu vực tòa nhà Quốc hội và chính phủ ở Cairo, thông tín viên Catherine Monnet tường trình :

Đêm buông xuống, đã đến giờ cầu nguyện buổi tối. Hàng chục người vẫn còn tập hợp trên tuyến đường, nằm ở phía đông tòa nhà Quốc hội. Hàng chục người khác thì vẫn nằm hoặc ngồi trong các lều trại, được họ dựng lên cách đó vài giờ, dọc theo đường ngang qua tòa nhà Quốc hội và trụ sở chính phủ. Bộ Nội vụ cũng nằm cách đó không xa.

Những người biểu tình không chọn vị trí này một cách ngẫu nhiên. Theo một người biểu tình, « địa điểm này hết sức chiến lược. Tập hợp ở đây, các hoạt động của Nhà nước sẽ bị tê liệt, vì đây là nơi tất cả mọi quyết định được đưa ra ».

Tân thủ tướng Ai Cập Ahmed Chafik đã rất cố gắng, nhưng không thể tới được văn phòng vào buổi sáng ngày hôm qua, 9/2. Cuộc họp của Hội đồng các bộ trưởng sẽ phải diễn ra tại một địa điểm khác. Hiện tại, những người biểu tình tạm bằng lòng với việc chiếm giữ khu vực mang tính biểu tượng này và họ không hề có ý định xông vào chiếm Quốc hội. Trên hàng rào của tòa nhà Quốc hội Ai Cập, những người biểu tình căng một khẩu hiểu : « Nơi đây sẽ bị đóng cửa cho đến khi chế độ sụp đổ ».

Một thanh niên cho biết : « Xông vào Quốc hội, không được đâu. Đây không phải là nước Pháp. Chúng tôi cũng muốn làm điều đó, nhưng đây không phải là nước Pháp. Người Pháp đã làm điều này. Các bạn đã hạ bệ được các vua xuống, nhưng đối với chúng tôi, điều này chưa thể được, vào lúc này ».

Cuộc tập hợp mang tính tượng trưng và hòa bình này đã được thực hiện với sự thỏa thuận ngầm của quân đội. Hôm nay, vào sáng sớm, những người biểu tình đã có cuộc gặp với nhân vật số 2 của quân đội Ai Cập, tướng Sami Enan. Viên tướng này đã bảo đảm với người biểu tình là quân đội sẽ giữ lập trường trung lập, chừng nào bạo lực không nổ ra. Hiện tại, không khí ở đây có phần vui vẻ rộn ràng. Những người biểu tình kêu to : chúng tôi sẽ không rời khỏi đây, chính tổng thống Ai Cập mới là người phải ra đi.”

Theo AFP, quân đội Ai Cập không hẳn đã giữ thái độ trung lập. Nhật báo Anh Guardian cho biết có những nhân chứng tố cáo quân đội đã bí mật giam giữ hàng trăm người biểu tình và đã tra tấn một số người trong số họ.
Theo thông tín viên Alexandre Buccianti, bên cạnh thủ đô Cairo và nhiều thành phố lớn, cuộc phản kháng tiếp tục lan rộng sang các vùng khác tại Ai Cập, cụ thể là các thành phố như : Assiout, Port-Said hay El-Kharga, là thành phố cách thủ đô 400 cây số về phía nam.

Theo AFP, ngày hôm qua, khoảng 3.000 người biểu tình đã đập phá trụ sở cảnh sát ở Porte-Said, thành phố nằm cạnh kênh đào Suez. Ngày hôm trước, trụ sở của thống đốc khu vực này cũng bị phá nát. Tại El-Kharga, hôm nay không khí cũng yên tĩnh trở lại, sau cuộc xung đột dữ dội đêm hôm qua, giữa những người biểu tình và cảnh sát, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương.

Các cuộc bãi công của hàng nghìn nhân viên và công nhân cũng nổ ra tại nhiều thành phố để đòi tăng lương, phụ cấp, trong đó có các nhân viên hành chính, sở điện, nước, hay các xí nghiệp may mặc và ngành vận tải. Nỗi lo lớn đối với chính phủ là bãi công lan rộng, ảnh hưởng đến cả công ty phụ trách kênh đào Suez, một nguồn thu ngoại tệ lớn cho Ai Cập, với gần 5 tỷ đô la. Cuộc bãi công tại Suez có thể mang lại các hậu quả quốc tế, bởi mỗi ngày hơn một triệu thùng dầu đi qua ngả này. Việc đóng cửa hoặc giảm lượng lưu thông qua Suez có thể sẽ làm cho giá dầu tăng lên.

Liên quan đến cuộc thương thuyết giữa chính phủ Ai Cập với đối lập, hôm nay đảng cánh tả Tagammou đã tuyên bố rút khỏi các đàm phán, vì cho rằng chính quyền hoàn toàn không lắng nghe các đòi hỏi của dân chúng. Trong khi đó, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, ngày hôm qua, khẳng định rằng trong các cuộc thảo luận hiện nay, đại diện chính phủ chưa hề đề cập đến các vấn đề, là nguyên nhân của cuộc nổi dậy của quần chúng.

Có tin về khả năng tổng thống Mubaral có thể từ chức tối nay

Theo tin giờ chót, hãng thông tấn Reuters cho biết, tuyên bố với BBC, thủ tướng Ai Cập Ahmed Chafik để lộ ra khả năng tổng thống Mubarak có thể sẽ từ nhiệm. Tuy nhiên, trả lời trên kênh truyền quốc gia, thủ tướng Ai Cập lại nói rằng ông Mubarak vẫn đang còn tại vị và vẫn nắm toàn bộ quyền lực. Tối hôm nay, tổng thống Mubarak sẽ trực tiếp phát biểu trước công chúng từ cung tổng thống, thông qua kênh truyền hình của nhà nước.

Cũng trong ngày hôm nay, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã nhóm họp tại thủ đô Cairo, trong cuộc họp này tổng thống Mubarak không có mặt, cũng như phó tổng thống Souleimane, như thông báo của kênh truyền hình Nhà nước. Hãng thông tấn Mena cho biết, mục tiêu của cuộc họp của Hội đồng các lực lượng vũ trang Ai Cập là « xem xét các biện pháp cần thiết để bảo vệ quốc gia, những thành quả của dân tộc và những khát vọng của nhân dân ».

Còn trên quảng trường Tahrir tối nay, khoảng 200 000 người đã tập hợp, đây là cuộc tập hợp đông đảo nhất vào ban đêm kể từ đầu cuộc phản kháng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.