Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG

Ai Cập: phản ứng tại các nước Trung Cận Đông

Không chỉ người dân Ai Cập vui mừng trước việc tổng thống Mubarak ra đi. Dư luận Tunisia cũng rất vui sướng đón nhận tin này. Báo chí Tunis nhận thấy là cuộc cách mạng Hoa Lài đã đâm chồi nẩy lộc. Một số các tờ báo còn nêu lên câu hỏi : sau Ai Cập, làn gió dân chủ sẽ thổi đến những quốc gia nào ?

Người Tunisia bày tỏ niềm vui trước toà đại sứ Ai Cập ở Tunis (Reuters)
Người Tunisia bày tỏ niềm vui trước toà đại sứ Ai Cập ở Tunis (Reuters)
Quảng cáo

Riêng tại Yemen, chính quyền tuyên bố "tôn trọng nguyện vọng của người dân Ai Cập và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của quân đội nước này để đáp lại khát vọng tự do, dân chủ và an ninh của dân chúng một đất nước anh em" với Yemen.

Trong khi đó, từ tối hôm qua (11/2) và cho đến sáng nay (12/2), trên đường phố Sanaa hàng ngàn thanh niên Yemen đòi tổng thống Ali Abdallah Saleh noi gương ông Hosni Mubarak, rút lui khỏi chính quyền. Ngày 3/2/2011 vừa qua, hàng chục ngàn người thuộc phe đối lập đã xuống đường đòi tổng thống Yemen từ chức sau 32 năm liên tục cầm quyền.

Còn tại Algerie, nơi mà một số các nhà phân tích lo ngại hiệu ứng đô mi nô của Tunisia và Ai Cập lan tới : bất chấp lệnh cấm tập hợp, vào hôm nay có khoảng 2000 người biểu tình trên đường phố Alger đòi "thay đổi chế độ". Để phòng ngừa hiểm họa làn sóng dân chủ Ai Cập lan tới Algerie, chính quyền đã huy động 3000 nhân viên cảnh sát theo dõi chặt chẽ đoàn người tuần hành tại thủ đô Alger vào trưa nay. Theo ban tổ chức, cuộc tuần hành trong ngày hôm nay (12/2) đã được dự trù từ ngày 21/1 sau vụ xung đột đẫm máu giữa người biểu tình với cảnh sát làm 5 người chết và 800 người bị thương. 

Nhìn từ Iran, chính quyền Teheran chào mừng cuộc cách mạng Ai Cập thành công, và coi ngày 11/2 là ngày đánh dấu sự thất bại của Hoa Kỳ tại Cận đông. Hôm qua, Iran kỷ niệm đúng 32 năm ngày cố lãnh tụ Khomeini lên cầm quyền. AFP nhắc lại : Iran chào mừng thắng lợi của người dân Ai Cập trong lúc bản thân tổng thống Ahmedinejad đang phải theo dõi chặt chẽ các hoạt động của đối lập. Chính quyền Iran đã thẳng tay đàn áp phong trào nổi dậy của người dân Iran hồi tháng 6 năm 2009. 

Cuối cùng nhìn từ Israel, Tel Aviv thận trọng trước tình hình Ai Cập. Theo giới phân tích sự sụp đổ của chính quyền Mubarak đang đẩy Irael vào một tình thế "đầy bất trắc". Israel lo ngại quyền lực tại Cairo rơi vào tay tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo thân cận với phong trào hồi giáo cực đoan Hamas của người Palestine, biến Ai Cập thành một quốc gia thù nghịch, tương tự như kịch bản đã từng xảy ra 32 năm trước đây với cuộc cách mạng Hồi giáo Iran. 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tướng Erdogan đã bày tỏ quan điểm rất gần với Hoa Kỳ khi ông kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng "tổ chức bầu cử tự do và công bằng" và chuyển giao quyền lực lại cho một chính quyền do người dân bầu lên. Cách nay, 10 ngày thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lãnh đạo đầu tiên tại khu vực đã lên tiếng kêu gọi tổng thống Mubarak lắng nghe nguyện vọng của người dân.

Giới phân tích nhấn mạnh : sau khi thảo luận qua với Nhà Trắng, ông Erdogan là một trong những lãnh đạo hiếm hoi tại khu vực Địa Trung Hải đã mạnh dạn lên tiếng ủng hộ đòi hỏi tự do và dân chủ của người dân Ai Cập. Về phần mình ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglue hoan nghênh thái độ của quân đội Ai Cập trong những ngày vừa qua. Đồng thời, chính quyền Ankara hy vọng các cuộc cách mạng tại Tunisia cũng như Ai Cập sẽ đem lại dân chủ và tự do nhưng tránh gây bất ổn định cho khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.