Vào nội dung chính
CHÂU PHI

Algeri tự trấn an trước làn sóng đòi dân chủ trong thế giới Hồi giáo

Từ nhiều tháng nay, các cuộc biểu tình trên quy mô nhỏ đã diễn ra ở nhiều nơi ở Algeri, một quốc gia có trữ lượng lớn về nhiên liệu và dự trữ ngoại tệ ngân hàng lên tới 155 tỷ đô la. Giới học sinh trung học phản đối chương trình học quá nặng nề. Hàng ngàn gia đình đòi hỏi cải thiện điều kiện sinh sống, chỗ ở. Giới trẻ bất mãn về tình cảnh thất nghiệp.

Biểu tình tại Algeri
Biểu tình tại Algeri Reuters
Quảng cáo

« Algeri sẽ không phải là Tunisia, không phải là Ai Cập ». Hôm nay, 14/02/2011, trên đài phát thanh Châu Âu 1 – Europe 1, Ngoại trưởng Algeri Mourad Medelci đã phát biểu như vậy và đồng thời cũng nhắc lại một số biện pháp mà chính quyền Alger đã hứa. Đó là sớm bãi bỏ lệnh khẩn cấp và sẽ tiến hành cải tổ chính phủ.

Ngày 12/02, cuộc tuần hành của phe đối lập kêu gọi thay đổi hệ thống chính trị đã vấp phải một lực lượng an ninh hùng hậu. Khoảng 300 người đã bị câu lưu. Mặc dù phong trào này chỉ huy động được vài trăm người biểu tình tại quảng trường Mồng một tháng Năm ở thủ đô Alger, nhưng giới quan sát coi đây là một sự kiện quan trọng, thậm chí mang tính lịch sử tại Algeri, bởi vì nó diễn ra trong bối cảnh toàn khu vực đang khao khát một nền dân chủ thực sự.

Nhật báo Tự do chạy hàng tựa « Tiến trình thay đổi đã khởi động ». Ông Fodil Boumala, một trong những sáng lập viên Phong trào Phối hợp Toàn quốc vì Dân chủ và Thay đổi – CNCD – tuyên bố « đây mới chỉ là bước khởi đầu ».

Sau cuộc biểu tình ngày 12/02, phe đối lập thông báo sẽ tổ chức tiếp một cuộc tuần hành vào ngày 19/02.

Từ nhiều tháng nay, các cuộc biểu tình trên quy mô nhỏ đã diễn ra ở nhiều nơi ở Algeri, một quốc gia có trữ lượng lớn về nhiên liệu và dự trữ ngoại tệ ngân hàng lên tới 155 tỷ đô la, theo số liệu của chính quyền. Các học sinh trung học phản đối chương trình học quá nặng nề, giới giảng viên chỉ trích nội dung đào tạo không phù hợp với sự phát triển công nghệ, hàng ngàn gia đình đòi hỏi cải thiện điều kiện sinh sống, chỗ ở, giới trẻ bất mãn về tình cảnh thất nghiệp, bởi vì có bằng cấp hay không, khoảng 20% trong số họ không có việc làm, những người làm công thì đòi tăng lương do lạm phát …

Lo ngại trước những thay đổi ngoạn mục và nhanh chóng tại Tunisia và Ai Cập, chính quyền Alger tiến hành song song hàng loạt biện pháp. Trước tiên là tăng cường lực lượng an ninh. Kể từ đầu tháng hai này, quân số cảnh sát Algeri, hiện đã có 160 ngàn người, được tăng cường thêm 50%. Đồng thời, ngay sau cuộc nổi dậy kéo dài 5 ngày của dân chúng, hồi tháng giêng, làm 5 người thiệt mạng, hơn 800 người bị thương, thiệt hại vật chất nghiêm trọng, chính quyền Alger đã thông báo các biện pháp kiềm giữ giá cả các sản phẩm thiết yếu cho đời sống người dân. Đầu tháng hai, sau một cuộc biểu tình khác, hội đồng bộ trưởng Algeri cho biết sớm bãi bỏ lệnh khẩn cấp, được áp đặt từ năm 1992 đến nay.

Các phát biểu ngày hôm nay của ngoại trưởng Algeri Mourad Medelci gần như là một kiểu tự trấn an. Ông Medelci cho rằng cuộc biểu tình của phe đối lập hôm thứ bảy vừa qua, rất có tổ chức, nhưng các thay đổi tại Tunisia và Ai Cập chỉ làm thức tỉnh một thiểu số. Lệnh khẩn cấp sẽ được bãi bỏ trong vài ngày nữa và Algeri sẽ quay trở lại một nhà nước pháp quyền cho phép tự do ngôn luận hoàn toàn. Tổng thống Algeri Bouteflika sẽ cho tiến hành « điều chỉnh lại » thành viên Hội đồng chính phủ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng ít có khả năng xẩy ra một cuộc cách mạng theo kiểu Tunisia hay Ai Cập tại Algeri. Về kinh tế, Algeri có đủ khả năng tài chính, nhờ vào nguồn xuất khẩu nhiên liệu, để đáp ứng các yêu sách về đời sống của người dân. Về chính trị, mặc dù tổng thống Bouteflika đã cầm quyền từ 12 năm nay, nhưng những người biểu tình không đòi ông phải ra đi mà chỉ kêu gọi « thay đổi hệ thống ».

Thực chất của vấn đề là kể từ năm 1962, quân đội luôn luôn ủng hộ chính phủ. Hơn nữa, người dân Algeri vẫn chưa quên, thậm chí vẫn bị trấn động bởi 10 năm bạo động của các nhóm Hồi giáo cực đoan, làm 150 000 người thiệt mạng. Do đó, theo chủ tịch danh dự Liên đoàn Nhân quyền Algeri, ông Abdenour Ali-Yahia, được AFP trích dẫn thì « người dân Algeri sẽ từng bước khởi động trở lại những hành động ôn hòa để đòi đáp ứng các yêu sách của mình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.