Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Quân đội trong tiến trình chuyển giao quyền lực tại Ai Cập

Đăng ngày:

Vào lúc cuộc đọ sức giữa những nguời biểu tình Ai Cập và tổng thống Hosni Mubarak lên tới đỉnh điểm, tình hình rất căng thẳng, thì hầu như tất cả các nhà quan sát đều có cùng nhận định : Chỉ có quân đội Ai Cập quyết định được cán cân nghiêng về bên nào.

Tạp Chí Tiêu Điểm
Tạp Chí Tiêu Điểm RFI
Quảng cáo

Cuộc biểu tình chống tổng thống Hosni Mubarak nổ ra ngày 25 tháng Giêng, nhưng phải đợi gần một tuần sau, quân đội mới bắt đầu tỏ thái độ. Vậy tại sao quân đội Ai Cập lại có phản ứng chậm như vậy ? Điều gì khiến quân đội thay đổi thái độ ? Và liệu quân đội có tạo điều kiện để xây dựng một chính quyền dân sự, dân chủ và tự do hay không ? Tạp chí Tiêu điểm hôm nay đưa ra các yếu tố góp phần trả lời cho những câu hỏi này.

Khi thông báo sẽ không bắn vào những người biểu tình, quân đội Ai Cập đã đóng vai trò là tác nhân duy nhất chống lại bất ổn định.

Quân đội Ai Cập có một truyền thống lịch sử gắn bó với chính quyền. Vào tháng 7 năm 1952, đại tá Gamal Abdel Nasser cùng với tướng Ali Muhammad Nagib đã thực hiện một cuộc đảo chính, lật đổ vua Farouk.

Ngay trước khi tổng thống Mubarak phải từ chức, ông Denis Bouchard, cựu nhân viên ngoại giao, cố vấn cho Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định:

« Quân đội nắm quyền từ năm 1952. Quân đội có được một hình ảnh tương đối tốt trong người dân, cho dù hình ảnh này có thể được khuyếch đại một chút. Quân đội hiện diện trong tất cả những vị trí, lĩnh vực như chính trị, hành chính và rất nhiều trong lĩnh vực kinh tế. Do vậy, chỉ có thể đạt được các giải pháp nhờ có quân đội hoặc thông qua quân đội.

Quân đội Ai Cập đứng trước tình thế nan giải. Một mặt, họ không muốn dứt bỏ ngay ông Mubarak, bởi vì nhân vật này xuất thân từ quân đội. Mặt khác, quân đội phải giữ được thái độ bình tĩnh trước làn sóng phản đối bất bình ngày càng lớn của người dân.

Rõ ràng là áp lực của những người biểu tình đã lên tới mức cao mà quân đội cũng không lường trước được ngay từ đầu cuộc khủng hoảng ».

Kể từ năm 1952 đến nay, quân đội luôn nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền Ai Cập. Sau khi tổng thống Anouar el-Sadate bị sát hại, thì một viên tướng khác lên thay. Đó chính là cựu tổng tham mưu trưởng không quân Ai Cập, tướng Hosni Mubarak.

Sau gần 3 thập niên, trước sức ép của đường phố, tổng thống Mubarak đã buộc phải chỉ định một phó tổng thống, tướng Omar Suleiman, một nhân vật đầy thế lực, nguyên lãnh đạo cơ quan tình báo Ai Cập. Người thế chỗ ông Suleiman để lãnh đạo ngành tình báo Ai Cập lại là một sĩ quan cao cấp khác, tướng Mourad Mowafi.

Trong những ngày đầu xẩy ra cuộc biểu tình của người dân, tổng thống Ai Cập đã thay đổi nội các và tân thủ tướng cũng vẫn là một sĩ quan quân đội, tướng Ahmad Shafiq.

Thứ sáu, 11/02, khi tổng thống Hosni Mubarak buộc phải từ chức và cùng gia đình rút về Charm El Cheikh thì quân đội nắm toàn bộ quyền điều hành đất nước.

Theo các nguồn tin từ giới chuyên gia quân sự, quân đội Ai Cập có khoảng 468 ngàn binh sĩ và 480 ngàn lính dự bị. Ai Cập áp dụng luật đi lính vụ trong độ tuổi từ 18 đến 49.

Theo ông Albert Stalhel, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quân sự Wadenswil, Thụy Sĩ, thì quân đội Ai Cập không đồng nhất. Lục quân là lực lượng đông nhất, có từ 280 ngàn đến 320 ngàn binh sĩ, trong số này, hai phần ba là lính nghĩa vụ. Do không phải là lính đánh thuê phục vụ chế độ, nên họ đương nhiên gần gũi với người dân hơn. Mặt khác, giới sĩ quan cao cấp lại thân cận với chính quyền, ủng hộ ông Mubarak. Ngoài ra, còn có các sĩ quan cấp dưới, gần gũi với binh sĩ hơn.

Giới phân tích nhận định, rõ ràng là chính quyền và kể cả quân đội không lường trước được làn sóng phản đối tổng thống Mubarak. Có nhiều yếu tố giải thích sự lưỡng lự của quân đội trong những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng. Theo nhà báo Agnès Levallois, chuyên gia về thế giới Ả Rập, quân đội vừa muốn quản lý, làm chủ tình hình, đồng thời không muốn ông Mubarak ra đi trong bất kỳ điều kiện nào. Họ muốn làm việc này một cách bài bản, theo Hiến pháp, bởi vì đó là hình ảnh của một thể chế mà quân đội muốn bảo vệ. Hơn nữa, ông Mubarak cũng xuất thân từ quân đội.

Ngay sau khi tổng thống Mubarak từ chức, quân đội Ai Cập ra thông báo trấn an người dân.

« Hội đồng quân sự tối cao cam kết thực hiện một tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình trong khuôn khổ một chế độ dân chủ và tự do. Chế độ này cho phép chuẩn bị cho việc thành lập một cơ quan quyền lực dân sự được bầu lên để xây dựng một nhà nước dân chủ, tự do. Nước cộng hòa Ả Rập Ai Cập sẽ tiếp tục tôn trọng các hiệp ước khu vực và quốc tế đã ký kết ».

Theo ông Jean Paul Chagnollaud, giáo sư khoa học chính trị, đại học Cergy Pontoise, chuyên gia về Trung Cận Đông, tổng biên tập tạp chí Confluences Méditeranée, thì thực ra, từ nhiều năm nay, quân đội vẫn nắm mọi quyền hành. Tuy Hiến pháp nước này có những điểm tích cực nhưng thực ra, đó không phải là một nhà nước pháp quyền.

« Cần phải nhìn rõ vấn đề. Trong mọi trường hợp, Ai Cập có một thể chế được quy định trong Hiến pháp nước này, với nhiều quyền lực tập trung trong tay tổng thống. Hơn nữa, cũng không nên quên rằng Hiến pháp Ai Cập cũng có những khía cạnh rất tích cực.

Thế nhưng, từ năm 1981, tình trạng khẩn cấp thường xuyên được triển hạn, trong khi đó, theo Hiến pháp Ai Cập thì việc ban bố tình trạng khẩn cấp rất giới hạn, chỉ được tiến hành trong những hoàn cảnh rất đặc biệt. Điều này có nghĩa là Ai Cập trong thời gian qua, không có một nhà nước pháp quyền thực sự. Tình trạng này chẳng có gì thay đổi. Thế nhưng nhìn về tương lai, thì sắp tới, sẽ có các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống. Cuộc bầu cử tổng thống thì đã được ấn định từ trước là sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Hiện nay, Ai Cập đang ở trong thời kỳ mà quân đội có thể thực hiện một cuộc đảo chính, tức là quân đội sẽ nắm toàn bộ quyền lực. Nếu điều này xẩy ra thì sẽ có những cuộc bạo động lớn. Xin nói thêm là tình hình này không phải là mới lạ.

Cách nay 20 năm, Algeri cũng đã rơi vào kịch bản này, đương nhiên trong một hoàn cảnh khác. Vào lúc đó, tại Algeri, đã xẩy ra những vụ nổi loạn lớn vào tháng 10/1988, sau đó, Algeri có Hiến pháp mới vào năm 1989, rồi tổ chức bầu cử cấp địa phương và Quốc hội. Quân đội đã can thiệp đình chỉ vòng hai cuộc bỏ phiếu và cuối cùng quay lại nắm trọn quyền lực qua cuộc đảo chính vào đầu năm 1992. Chúng ta đã từng chứng kiến kịch bản kiểu này và hậu quả là dẫn đến một cuộc nội chiến, một thảm họa đối với Algeri.

Về tình hình Ai Cập, tôi nghĩ là quân đội sẽ tiếp tục vai trò của mình như là trọng tài. Có thể nói, quân đội Ai Cập đã chơi một ván bài thông minh. Ngay từ những ngày đầu của cuộc nổi dậy, quân đội tuyên bố là sẽ không bắn vào những người biểu tình cho dù là trên thực tế, dường như có nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình».

Trả lời phỏng vấn báo trên mạng Mediapart, nhà nghiên cứu Tewfic Aclimandos nhận định, « quân đội là định chế được tôn trọng nhất tại Ai Cập, hơn rất nhiều lực lượng an ninh hay cảnh sát. Đó chính là định chế ít tham nhũng nhất tại Ai Cập. Trong trí tưởng tượng của người dân Ai Cập, quân đội là biểu tượng cho một định chế vừa giống như một nhà nước hợp pháp và hợp lý vừa giống hoạt động của một gia đình ».

Tuy nhiên, giới chuyên gia còn nhấn mạnh đến một yếu tố quan trọng khác giải thích vai trò và thái độ của quân đội Ai Cập trong cuộc khủng hoảng : đó là vấn đề kinh tế.

Theo nhà báo Levallois, quân đội có quyền lực kinh tế rất lớn, hiện diện trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, chế biến nông sản, xây dựng, du lịch, ngân hàng, dầu lửa … Thậm chí, người ta nói rằng sở dĩ người dân có quan hệ tốt với quân đội là bởi vì khi không có bánh mỳ thì chính các hợp tác xã nông nghiệp của quân đội phân phát bánh mỳ cho người dân.

Chuyên gia kinh tế Alexandre Kateb, giảng viên Học viện Khoa học Chính trị Paris cho biết.

« Quân đội có lợi ích khi thúc đẩy kinh tế Ai Cập tái khởi động. Rất rõ ràng là quân đội nắm giữ những lợi ích kinh tế quan trọng, đó là trong lĩnh vực ngân hàng, trong lĩnh vực dầu lửa, công nghiệp. Người ta thẩm định rằng quân đội nắm giữ khoảng 20% nền kinh tế quốc gia Ai Cập.

Giờ đây liệu quân đội có lo ngại việc mở cửa hơn nữa nền kinh tế hay không ? Chắc chắn là có. Bởi vì điều này sẽ đe doạ quyền lực của quân đội. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tự do hóa kinh tế, nếu có xẩy ra, thì sẽ được tiến hành một cách dần dần. Trong một chừng mực nào đó, có thể coi đây như là một thoả thuận không công khai mà phe đối lập đang muốn ký với quân đội.

Bởi vì một trong những điểm mấu chốt mà quân đội ủng hộ những yêu sách của người biểu tình, đó là sự bất bình của quân đội đối với chính sách tự do hóa nền kinh tế mà con trai ông Mubarak thực hiện, vì nó làm cho quân đội mất đi một số nguồn thu nhập và tàí sản kinh tế ».

Trong tiến trình thay đổi tại xứ Kim Tự Tháp, các nhà phân tích nêu bật ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với quân đội Ai Cập.

Kể từ năm 1979, tức là một năm sau khi Ai Cập ký hiệp định hòa bình với Israel, Hoa Kỳ viện trợ cho Ai Cập, mỗi năm khoảng 1,3 tỷ đô la để mua thiết bị quân sự và huấn luyện binh sĩ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài – Foreign Military Financing. Sự giúp đỡ quân sự này chiếm hơn một nửa tổng viện trợ hàng năm của Mỹ cho Ai Cập.

Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, Ai Cập thân Liên Xô và hầu như toàn bộ vũ khí, thiết bị quân sự của Ai Cập là đến từ Liên Xô. Nhờ có viện trợ quân sự Mỹ, từ cuối những năm 70, quân đội Ai Cập có thể hiện đại hóa các loại vũ khí.

Sau khi tổng thống Mubarak từ chức vào trao toàn bộ quyền lãnh đạo đất nước cho Hội đồng quân sự tối cao Ai Cập, tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi quân đội Ai Cập bảo đảm tiến trình chuyển giao quyền lực khả tín.

« Quân đội đã hành động, thể hiện lòng yêu nước và có trách nhiệm với tư cách là lực lượng bảo vệ Nhà nước. Quân đội giờ đây phải bảo đảm một quá trình chuyển giao quyền lực khả tín trong con mắt người dân Ai Cập, như bảo vệ các quyền công dân, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật khác để sao cho tiến trình thay đổi này không thể đảo ngược được và cuối cùng là tiến hành quá trình thay đổi, chuẩn bị dẫn tới các cuộc bầu cử đúng đắn và tự do.

Nhưng trước tiên, quá trình chuyển đổi quyền lực này phải cho phép tập hợp tất cả các lực lượng, tiến hành thảo luận với nhau. Tinh thần phản kháng không bạo động và lòng kiên định của người dân Ai Cập cần phải được bảo vệ và duy trì như một luồng gió mạnh tiếp tục thúc đẩy quá trình thay đổi.

Hoa Kỳ tiếp tục là một quốc gia hữu hảo và đối tác của Ai Cập. Nếu như được yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng cung cấp các trợ giúp cần thiết để bảo đảm tiến trình chuyển đổi khả tín hướng tới dân chủ ».

Trong thời kỳ hậu Mubarak, nhằm trấn an công luận trong nước và phương Tây, quân đội Ai Cập đã nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo cho một chính phủ dân sự. Ngày 15/02, quân đội Ai Cập nhắc lại cam kết, cụ thể là giai đoạn quá độ, tạm thời này chỉ kéo dài sáu tháng. Trong khoảng 10 ngày nữa, ủy ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ hoàn tất công việc và trong một tháng tới, Ai Cập sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về những sửa đổi nói trên.

Hơn nữa, đa số các nhà quan sát ngoại quốc đều cho rằng tướng Mohamed Hossein Tantaoui, chủ tịch Hội đồng Quân sự Tối cao, người trên thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước, không có tham vọng chính trị. Ông Hosam Sowilam, tướng về hưu, nói với báo Wahsington Post là « tướng Tantaoui không có tham vọng làm tổng thống và không một ai trong Hội đồng Quân sự Tối cao mong muốn ông ta giữ trách nhiệm này ».

Hôm chủ nhật, 13/02, Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập đã có những tiếp xúc với đại diện chính quyền Israel, trong khi đó, quân đội Ai Cập nhắc lại cam kết tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, hàm ý tôn trọng hiệp định hòa bình đã ký với Israel.

Thế nhưng, theo công điện năm 2008 của sứ quán Mỹ tại Ai Cập, do WiliLeaks tiết lộ, thì tầng lớp sĩ quan trung gian không phục tướng Tantaoui và chỉ trích ông theo đuôi Mubarak. Do vậy, nếu giai đoạn chuyển giao quyền lực kéo dài thì không loại trừ nguy cơ một bộ phận quân đội Ai Cập tiến hành đảo chính.

Nhật báo Jerusalem Post của Israel nhận định, « giấc mơ sẽ nhanh chóng kết thúc nếu tướng Tantaoui không tiến hành được những cải cách dân chủ và thành lập chính phủ dân sự mà những người biểu tình đã đòi hỏi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.