Vào nội dung chính
PHƯƠNG TÂY - LIBYA

Phương Tây tính đến các biện pháp trừng phạt chế độ Kadhafi

Sau nhiều ngày do dự, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đang tiến dần đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ của Kadhafi. Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu các chuyên gia của mình xem xét các biện pháp như : cấm visa, phong tỏa tài sản, và truy tố các lãnh đạo Libya về các tội ác của họ.  

Reuters
Quảng cáo

Paris cho rằng bạo lực do chính quyền Kadhafi gây ra có thể là tội ác chống lại nhân loại. Pháp hy vọng là nhà độc tài Libya đang « sống giai đoạn cuối cùng của ông với tư cách là người đứng đầu nhà nước », còn Anh Quốc thì ủng hộ một cuộc "điều tra quốc tế" nhắm vào "tội ác" của Kadhafi.

Còn tại Hoa Kỳ, vào hôm qua, Tổng thống Barack Obama đã long trọng lên tiếng kêu gọi thế giới liên kết lại để ngăn chặn bàn tay đẫm máu của ông Kadhafi. Từ Washington, thông tín viên Rapahel Reynes phân tích : 

« Từ nhiều ngày qua, tổng thống Obama đã bị thôi thúc từ mọi phía, từ phe đối lập cho đến đảng Dân chủ, mọi người đều muốn ông lên tiếng về tình hình Libya. Hôm qua, Tổng thống Mỹ đã nghiêm khắc cảnh cảnh cáo chế độ Libya là họ sẽ phải trả lời về các hành vi đàn áp. Ông tuyên bố : « Nỗi đau đớn, thống khổ người dân và hành vi đàn áp đẫm máu là điều đáng công phẫn và không thể chấp nhận được ». Ông Obama yêu cầu ngưng ngay tức khắc các hành vi bạo lực. 

Theo ông : "Trách nhiệm của chính quyền Libya là không được sử dụng bạo lực, cho phép trợ giúp nhân đạo đến tay những người đang cần, và tôn trọng quyền của người dân Libya". Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh : « Chính quyền Libya phải chịu trách nhiệm về việc thiếu năng lực hoàn tất các nhiệm vụ trên, và sẽ phải đối mặt với những hậu quả của hành động vi phạm nhân quyền liên tiếp. Không phải chỉ một mình Hoa Kỳ quan ngại. Cả thế giới đang quan sát và nước Mỹ sẽ phối họp hành động với toàn bộ cộng đồng quốc tế ».

Nhà Trắng cho biết là việc phối họp hành động sẽ bắt đầu rất nhanh chóng. Tổng thống Mỹ đã thông báo là chính quyền của ông đã nghiên cứu "Cả một loạt đáp án có thể áp dụng" vào tình hình Libya. Tuy nhiên ông Obama không hề sử dụng từ ngữ "trừng phạt hay nhắc đến tên của lãnh đạo Libya, Mouammar Kadhafi".

Ông Obama tỏ ra thận trọng. Hiện còn 700 người Mỹ tại Libya. Bảo vệ họ là "ưu tiên số một" đối với Washington. Phát biểu quá cứng rắn sẽ rất nguy hiểm đối với số người Mỹ nói trên, và cũng nguy hiểm cho người dân Libya. Kêu gọi nổi dậy, là sẽ phải gánh vác trách nhiệm về nguy cơ một cuộc đàn áp đẫm máu.

Hơn nữa, quy trách nhiệm cho một cá nhân là đi trên một con đường trơn trượt. Nếu kêu gọi Mouammar Kadhafi ra đi, thì mọi người sẽ nêu câu hỏi: tại sao không kêu gọi như thế đối một số chế độ khác trong vùng ? Nhà Trắng không muốn tạo ra tiền lệ.

Ngoài ra, khác với Ai Cập, nơi mà Hoa Kỳ có một uy thế do viện trợ quân sự, tại Libya, Washington bị bó tay hơn. Cho nên tối qua, một nhà thương thuyết Mỹ trước đây từng ở Cận Đông đã nêu câu hỏi : « Phát biểu cứng rắn mạnh mẽ để làm gì, nếu không kèm theo những hành động cụ thể ? Không nên cầm súng và nhắm bắn, nếu mình chưa sẵn sàng bắn. »

Tại Libya, phe nổi dậy mở rộng phạm vi kiểm soát

Về tình hình tại chỗ, lãnh tụ Libya Kadhafi ngày càng bị cô lập, trong lúc phe nổi dậy mở rộng phạm vi kiểm soát.

Tính đến ngày thứ 10 của cuộc nổi dậy, đã có hàng trăm người thiệt mạng. Đường phố thủ đô Trippli gần như không một bóng người. Trong khi đó, ở miền Tây Libya, thành phố Zoura cũng không còn bóng cảnh sát và quân đội. Theo lời các nhân chứng đến được Tunisia, thành phố này giờ đây hoàn toàn do nhân dân nắm giữ. Như vậy là phe đối lập dường như đã kiểm soát được một vùng rộng lớn, từ biên giới Ai Cập đến Ajdabiya ở phía Tây, bao gồm các thành phố Tobrouk, Derna và Benghazi - trung tâm điểm của phong trào nổi dậy chống chế độ Kadhafi. Nhiều sĩ quan cấp tướng và cấp tá của quân đội và cảnh sát Libya đã chạy sang hàng ngũ quân nổi dậy. Họ đề ra mục tiêu là giải phóng luôn cả Tripoli, nếu Tripoli không tự giải phóng được.

Hôm thứ ba vừa qua, ông Kadhafi đã kêu gọi quân đội, cảnh sát và những người ủng hộ ông đàn áp những người biểu tình, cảnh báo là có thể xảy ra những cảnh chém giết và dọa sẽ « thanh trừng từng nhà một. » Theo nhận định của Bộ trưởng Tư pháp từ nhiệm Moustapha Abdel Jalil, ông Kadhafi sẽ tự sát giống như Hitler trước đây.

Theo thống kê chính thức, từ ngày 15/2, 300 người đã thiệt mạng, đa số là ở Benghazi, nhưng theo Liên đoàn quốc tế nhân quyền ( FIDH ), con số tử vong lên tới ít nhất 640 người.

Bahrain, Yemen và Maroc : chính quyền nhân nhượng

Trong khi đó tại Bahrain, phong trào biểu tình chống chế độ tiếp diễn, mặc dù chính quyền đã trả tự do cho các tù nhân hệ phái Hồi giáo Shia và quốc vương lại kêu gọi đối thoại. Quốc vương Bahrein hôm qua đã sang nước láng giềng Ảrập Xêút để gặp quốc vương Abdallah, vừa trở về nước sau ba tháng vắng mặt.

Tại Yemen, chính quyền cũng tỏ vẻ hòa dịu. Theo hãng tin chính thức Saba, tổng thống Ali Abdallah saleh vừa ra lệnh cho các lực lượng an ninh « bảo vệ người biểu tình ». Đêm thứ ba rạng sáng thứ Tư vừa qua, 2 người biểu tình đã bị giết chết, khi phe ủng hộ chính quyền tấn công vào đoàn biểu tình ở thủ đô Sanaa, nâng số người thiệt mạng trong cuộc đàn áp phong trào phản kháng từ 16/2 lên 15 người.

Còn tại Maroc, một trong hai đảng chủ chốt của liên minh cầm quyền hôm nay đã yêu cầu phải ấn định ngay một lịch trình cải tổ chính trị và nhìn nhận tầm quan trọng của những cuộc biểu tình gần đây tại nước này. Lời kêu gọi nói trên được đưa ra, sau các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố ở Maroc ngày 20/2 đòi cải tổ chính trị, theo lời kêu gọi của thanh niên Maroc qua mạng xã hội Facebook.
 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.