Vào nội dung chính
LIBYA - QUÂN SỰ

Cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy Libya: Bài toán nan giải

Nên viện trợ vũ khí cho phe chống chế độ Kadhafi hay không ? Vấn đề này được đưa ra trong bối cảnh phong trào nổi dậy bị dậm chân tại chỗ dù được không quân quốc tế yểm trợ trên chiến trường. Thông tin có Al Qaida trà trộn trong phe nổi dậy làm nhiều nước phươngTây lo ngại, nhất là nếu cuộc chiến kéo dài.

Quân nổi dậy đang tiến về mặt trận ở Ajdabiyah ở miền đông Libya, ngày 1/4/11.
Quân nổi dậy đang tiến về mặt trận ở Ajdabiyah ở miền đông Libya, ngày 1/4/11. Reuters
Quảng cáo

Tình hình bất phân thắng bại trên chiến trường hiện nay tại Libya có khả năng tạo ưu thế cho các phong trào Hồi giáo võ trang cực đoan "thừa nước đục thả câu". Lực lượng nổi dậy thiếu thốn mọi thứ từ kinh nghiệm chiến đấu cho đến võ trang so với quân đội chính quy của đại tá Kadhafi. Trong tình huống này Liên quân quốc tế buộc phải tính đến giải pháp cung cấp vũ khí tối tân cho đối lập.

Tuy nhiên các nước đồng minh lo ngại trước viễn ảnh « giao trứng cho ác ». Vì liệu những vũ khí viện trợ có lọt vào tay kẻ thù số một hiện nay là Al Qaida hay không ?

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron « không loại trừ » biện pháp đưa vũ khí để cứu phe nổi dậy. Tuy nhiên ý kiến này đã không được nhiều thành viên trong Liên quân và NATO đồng thuận. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet viện lý do Nghị quyết 1973 cấm vận vũ khí cả hai phe. Đan Mạch gởi 8 chiến đấu cơ yểm trợ trên bộ nhưng dứt khoát chống việc trao vũ khí. Ngay NATO, người có trách nhiệm chỉ huy chiến dịch cũng thẩm định nhiệm vụ của Tổ chức là « bảo vệ thường dân Libya» chứ « không phải võ trang » cho họ.

Hôm thứ Ba, Đô đốc Mỹ James Stavridis , Tư lệnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tại châu Âu cho biết có nhiều dấu hiệu chứng tỏ có sự hiện diện của thành viên Al Qaida và Hezbolla thân Iran trong hàng ngũ lực lượng chống Tripoli.

Phát ngôn viên của lực lượng đối lập, đại tá Ahmad Bani phản bác mối nghi ngờ này. Ông cho rằng do khác biệt văn hóa, đối lập Libya không có chứa chấp Al Qaida Bắc Phi, gọi tắt là Aqmi. Chuyên gia Pháp François Heisbourg thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược cũng có cùng nhận định. Ông cho là trong Al Qaida Bắc Phi, chủ yếu là chiến binh Algérie, do vậy không có nhiều người Libya trong hàng ngũ Aqmi.

Tuy nhiên, theo giới phân tích là dù cho không có Al Qaida trong hàng ngũ phe nổi dậy, chỉ « nghi ngờ » thôi cũng làm Tây phương bị ám ảnh.

Trong thập niên 1980, Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA đã phối hợp với an ninh quân đội Pakistan đào tạo, tài trợ và cung cấp hỏa tiễn địa không Stinger cho phong trào kháng chiến Afghanistan chống Liên Xô xâm lăng. Trong số những « đồng minh Hồi giáo » này, một số không nhỏ đang chiến đấu chống lại quân đội Hoa Kỳ và Liên minh quốc tế tại Afghanistan.

Cách nay hai hôm, cựu Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin nhận định : "Trong giai đoạn đầu, chúng ta nghĩ là giúp cho phe dân chủ nhưng sau đó những vũ khí này quay lại chống lại chúng ta ».

Đã vậy, Libya lại nằm trong một địa bàn có các nhóm Hồi giáo khủng bố hoạt động mạnh ở các nước chung quanh như Niger, Mali, Tchad, Algéri. Tổng thống Tchad Idriss Deby, tuần qua cho rằng ông chắc chắn « 100% Aqmi đã lợi dụng cuộc nổi dậy ở Libya, chiếm đoạt nhiều kho vũ khí của quân đội » để tăng cường vũ trang cho các nhóm hoạt động trong khu vực.

Qua tuyên bố của Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen thì kịch bản đang làm Tây phương lo ngại hơn hết là « Libya bị phân rã, biến thành nơi dung dưỡng khủng bố ». Trong trường hợp này, hoạt động của Hồi giáo cực đoan rất có thể sẽ gia tăng trong khu vực nhất là tại Algérie, nơi mà bất công xã hội đã tạo căng thẳng như một lò áp suất.

Giải pháp duy nhất để tránh cơn ác mộng này tùy thuộc vào phe đối lập dân chủ Libya liệu có đủ khả năng không để bị rơi vào vết xe cũ của kháng chiến Afghanistan hay không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.