Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nước, một thách thức đối với châu Á

Đăng ngày:

Chủ đề của ngày quốc tế về nước 22/3/11 năm nay mang tựa đề «Nước và thành phố : những thách thức đối với đô thị». Lần đầu tiên trong lịch sử của nhân loại, hơn một nửa dân số trên hành tinh sống ở thành phố. Nhịp độ đô thị hóa còn tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển.

Quảng cáo

Kèm theo đô thị hóa là vấn đề cung cấp nước sạch, bảo đảm chất lượng nước cho mọi người và xử lý nước thải. Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất hành tinh, lại có chính sách phát triển kinh tế từ 8 đến 10% một năm, thì vấn đề càng trở nên cấp bách hơn.

Thách thức chung của nhân loại

Một tỷ con người không có nước ngọt. Mỗi năm 1,6 triệu dân trên thế giới chết do thiếu nước sạch. Diện tích các vùng đất ngập nước (wetland) trên thế giới, chẳng hạn như những vùng đầm lầy, đã bị thu hẹp lại tới một mức độ đáng quan ngại : trong một thế kỷ qua, diện tích vùng ngập nước trên hành tinh đã bị giảm đi 67%. Tại Pháp, chỉ trong vòng từ 20 đến 30 năm trở lại đây, 50% diện tích đất ngập nước bị khô cạn.

Trong thế kỷ XX, dân số trên địa cầu đã được nhân lên gấp ba. Cùng thời kỳ, nhu cầu về nước ngọt của nhân loại tăng lên gấp sáu lần so với thế kỷ XIX. Trung bình mỗi ngày, một người dân ở Bắc Mỹ, chủ yếu là Canada và Hoa Kỳ dùng từ 600 đến 800 lít nước. Để so sánh, nhu cầu này tại các quốc gia đang phát triển dao động từ 60 đến 150 lít/ ngày.

Dân số trên địa cầu ước tính lên tới 9 tỷ người vào khoảng năm 2050. Nhu cầu về lương thực qua đó tăng theo. Để nuôi sống 9 tỷ nhân loại, ngành nông nghiệp trên thế giới phải sản xuất thêm, kéo nhu cầu về nước đi lên. Chúng ta biết rằng, để sản xuất ra một lít sữa, nông gia phải cần tới hơn 1.000 lít nước, và để có được một ký thịt bò thì người ta cần có tới từ 12.000 đến 15.000 lít nước.

Cùng lúc, để gia tăng năng suất, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học. Mức độ ô nhiễm nước sẽ càng gia tăng. Vấn đề lọc nước bẩn, sát trùng các nguồn nước bị ô nhiễm và quản lý các nguồn nước sạch trở thành mối quan tâm hàng đầu. 

Theo tổ chức Liên Hiệp Quốc, một nửa nhân loại sống ở thành phố. Tại châu Á và châu Phi, dân số thành thị được nhân lên gấp đôi trong ba thập niên từ năm 2000 đến 2030. 141 triệu dân cư ở các thành phố lớn không được bảo đảm về nước ngọt và nước sạch. Nước bẩn là mầm mống gây ra cái chết cho 1 đứa trẻ trên 5, trong độ tuổi dưới 5 tuổi vì những căn bệnh như : tiêu chảy, dịch tả, sốt rét …

Phát triển đô thị và nhu cầu nước

Tại các nước đang phát triển, như Trung Quốc hay Ấn Độ, trung bình một tháng, các thành phố lớn phải đón nhận thêm khoảng 5 triệu người đến định cư. Trong thập niên sắp tới, 95% những người từ nông thôn lên thành thị sinh sống thuộc về các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Làn sóng di dân này đã, đang và còn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền, đặc biệt là vấn đề cung cấp nước cho tất cả mọi người đồng thời cần mở rộng hệ thống xử lý nước thải, trước hiện tượng dân số ngày càng gia tăng. Một trong những mối lo ngại đau đầu nhất đối với những quốc gia đang phát triển - đặc biệt là tại Brazil và Ấn Độ - là làm thế nào để đem nước đến cho hơn 820 triệu con người sống tại các khu nhà ổ chuột, lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch, thải nước bẩn tại những khu vực này.

Theo cơ quan đặc trách về vấn đề nước trực thuộc Liên Hiệp Quốc, cộng đồng quốc tế cần khoản tiền 20 tỷ đô la hàng năm để giải quyết vấn đề nước cho các các thành phố lớn đang phải liên tục mở rộng vành đai để đón nhận thêm dân cư.

Châu Á chiếm đến 6 trong số 10 thành phố lớn nhất thế giới, mà hầu hết đều vấp phải vấn đề nghiêm trọng vừa nêu. Dự báo, đến năm 2025, sẽ có đến 60 % dân số tại châu lục này sống ở thành phố.

Nước, một thách thức đối với Trung Quốc

Với hơn 1,5 tỷ dân, tương đương với ¼ dân số trên địa cầu, Trung Quốc chỉ làm chủ 9% khoản nước ngọt của thế giới. Trong lúc đó, 41% các con sống lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm tới mức báo động và tại cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới này, một thành phố trên hai trong tình trạng bị thiếu nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc trong một bản báo cáo công bố vào năm 2005 nhìn nhận là Trung Quốc chưa sử dụng nước một cách tối ưu. Cụ thể là phải dùng đến 385 mét khối nước để sản xuất ra 1.000 đô la GDP. Với cùng khối lượng nước này, trung bình trên thế giới có thể sản xuất được tới 4.000 đô la của cải.

Ngành nông nghiệp của Trung Quốc là một nguồn hút nước đáng quan ngại (70% khối lượng nước hàng năm), chủ yếu do hệ thống dẫn thủy nhập điền đã lỗi thời và theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới, 60% nước dùng cho  việc canh tác bị thất thoát. Tỷ lệ này trung bình chỉ ở vào khoảng từ 20 đến 30% tại một quốc gia phát triển.

Ngoài ra, chính sách phát triển đô thị và công nghiệp hóa của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền cả ở cấp địa phương lẫn trung ương : theo một nhân viên của Quỹ bảo vệ Môi trường EPF, hơn ¼ các nguồn nước tại Trung Quốc bị ô nhiễm tới mức báo động và không thể dùng cho các sinh hoạt hàng ngày ; 35% nước uống không bảo đảm là nước sạch.

Trong số 115 nguồn nước ngầm, đã có đến 35% bị ô nhiễm. Bên cạnh đó hệ thống lọc nước của Trung Quốc bị coi là đã lỗi thời, có khi đã đã được xây dựng từ cả trăm năm nay, không còn khả năng cung cấp một khối lượng nước ngày càng lớn cho các thành phố.

Mỗi tháng đều xảy ra các vụ ô nhiễm nước, khi các nhà máy thường xuyên đổ ra sông chất hóa học độc hại. Điển hình nhất là năm 2007, nước Thái Hồ giữa hai tỉnh Giang Châu và Chiết Giang bị nhiễm độc khiến 2 triệu người không có nước để sinh hoạt trong nhiều tuần lễ.

Theo trung tâm nghiên cứu Wilson Center của Mỹ, hơn 700 triệu dân Trung Quốc thường xuyên uống nước không được bảo đảm chất lượng và chỉ có 6 trong số 27 thành phố lớn của Trung Quốc cung cấp nước ngọt cho dân "đúng theo tiêu chuẩn của nhà nước".

Hồ nước tạiVân Nam bị khô cạn
Hồ nước tạiVân Nam bị khô cạn REUTERS/Stringer

Một trong những thách thức khác là khu vực miền Bắc Trung Quốc liên tục bị đe dọa thiếu nước : 80% tài nguyên nước ngọt của Trung Quốc tập trung ở khu vực miền Nam. Trong lúc miền Bắc chỉ có 15% nguồn ngọt để bảo đảm đời sống cho 45% dân số. 

Nhà nghiên cứu địa lý Gérard Sournia, chuyên gia về vấn để quản lý nước, coi việc có những vùng được phát triển nhờ có nhiều nước và ngược lại thì có những nơi thường xuyên bị hạn hán, khô cằn là một sự bất công :

« Có một sự bất công và bất bình đẳng trong nhân loại trước các nguồn nước ngọt và nước sạch. Giờ đây chúng ta quan tâm đến những vấn đề về chất lượng của nước khi nhiều nguồn nước bị ô nhiễm. Nước sạch và nước ngọt không còn là những tài nguyên thiên nhiên để phục vụ con người, mà đã từng bước trở thành một món hàng người ta phải bỏ tiền ra mua. Bước kế tiếp là nước đã trở thành một trong những yếu tố gây căng thẳng trong xã hội và có thể dẫn tới xung đột, chiến tranh »

Nước, nguyên nhân dẫn đến xung đột ?

Do khan hiếm và không được chia sẻ đồng đều phải chăng nước ngọt đang trở thành nguyên nhân dẫn tới xung đột và chiến tranh ? Về điềm này nhà địa chất Ghislain de Marsilly, giáo sư đại học Pierre và Marie Curie tại Paris nhận xét :

« Cả vùng Trung Đông khô cằn và bị thiếu nước cho nên để cung cấp đầy đủ lương thực cho khu vực này là cả một vấn đề. Tại đây, đương nhiên là có những vụ tranh chấp để làm chủ các nguồn nước ngọt. Nhưng tôi không tin rằng sẽ có những cuộc chiến tranh để tranh giành nguồn nước. Vì trước một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sự sống còn của một dân tộc, thì các bên sẽ cùng ngồi vào bàn và rồi sẽ cố gắng tìm ra những giải pháp tương đối, tránh để dẫn đến chiến tranh.

Tôi xin đơn cử thí dụ của Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia Nam Á này vốn thù nghịch với nhau từ lâu đời. Những căng thẳng về chính trị, về đất đai không thiếu. Cả hai cùng trang bị vũ khí nguyên tử để đề phòng trong trường hợp bị đối phương tấn công. Tuy nhiên hàng năm Ấn Độ và Pakistan cùng thảo luận chung về chính sách quản lý nguồn nước của con sông Indus, tức là sông Ấn Độ. Đành rằng trong trường hợp người dân bị dồn vào chân tường, khi họ quá khốn khổ vì thiếu nước thì các cuộc nổi dậy sẽ bùng phát. Nhưng theo tôi, đó sẽ là những cuộc nội chiến .

Từ khi dành được độc lập, Pakistan luôn sống trong nỗi sợ bị Ấn Độ cắt mất nguồn nước ngọt : do vựa lúa Pakistan lệ thuộc vào mực nước Ấn, chảy qua vùng Cachemir. Đây cũng là lý do giải thích vì sao Islamabad đã không ngần ngại đọ sức với New Dehli tranh giành chủ quyền tại vùng Cachemir. Năm 1960, Ấn Độ và Pakistan đã thỏa thuận về việc quản lý nguồn nước mang tên Hiệp Ước sông Ấn Độ.

Nhưng chỉ vài năm sau, New Delhi đã cho xây đập thủy điện tại vùng có tranh chấp. Điều này không khỏi làm cho Islamabad lo ngại khi biết rằng hai vựa lúa chính của Pakistan là Penjab và Sindh đem lại công việc làm cho 40% dân số trong tuổi lao động và bảo đảm đến 20% GDP củaPakistan.

Riêng Ấn Độ không chỉ chạy đua tranh dành nguồn nước với Pakistan, gần đây hơn, New Delhi đã lao vào một cuộc chạy đua tranh giành nguồn nước ngọt với cả Bắc Kinh. Thậm chí, ngay trong nội bộ cũng có một sự tranh giành giữa các bang : cụ thể là bốn bang ở miền Nam (Karnataka, Tamil Nadu, Kerala và Pondichéry) từ nhiều thập niên qua đã công khai đọ sức với nhau để giành quyền sử dụng nước của con sông Kavei. 

Nhưng có lẽ, mối lo ngại chung của các nền kinh tế đang phát triển không chỉ liên quan đến nhu cầu cung cấp nước sạch, mà ưu tiên còn phải được đặt vào chính sách tái xử lý nước bẩn. Hiện tại, tại những quốc gia này, 80% nước thải không được tẩy trùng và làm sạch. 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.