Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Dư luận Hungary bất bình vì bản hiến pháp mới

Chiều thứ Hai 18-4, Quốc hội Hungary đã thông qua bản Hiến pháp mới do liên minh cầm quyền đề xuất với 262 phiếu thuận, 44 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Hiến pháp mới nhấn mạnh đến những bổn phận. Những điều khoản ấy được cho là thích hợp để nhà nước can thiệp vào đời tư của cá nhân, và có thể dùng để hạn chế một số quyền cơ bản của công dân.

Biểu tình chống bản Hiến pháp mới
Biểu tình chống bản Hiến pháp mới Reuters
Quảng cáo

Chiều thứ Hai 18-4, Quốc hội Hungary đã thông qua bản Hiến pháp mới do liên minh cầm quyền đề xuất với 262 phiếu thuận, 44 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Kết quả này đã được dự đoán trước vì liên minh cầm quyền trong đó đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban chiếm đến hai phần ba số ghế trong Quốc hội. Hiến pháp mới sẽ được Tổng thống Hungary Pal Schmitt, một người thân cận với ông Orban phê duyệt vào ngày 25/4, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Trước đó, không có một đảng đối lập nào tham gia vào việc soạn thảo bản dự thảo Hiến pháp.

Sau khi đưa ra đạo luật Truyền thông bị coi là bóp nghẹt tự do báo chí, Hiến pháp mới cũng đang chịu sự phê phán gay gắt của các đảng đối lập và nhiều nhóm dân sự. Ðảng Xã hội Hungary gọi bản Hiến pháp vừa được thông qua là “bất hợp pháp”, còn đảng Chính trị có thể khác (LMP) thì xem đó như sự cáo chung của sự hợp hiến.

Thân chào thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest. Thưa anh, trong «cuộc chiến Hiến pháp» này, dường như là có một ván bài chính trị tiềm ẩn. Vì sao Hungary lại cần một bản Hiến pháp mới thưa anh ?

Năm 1989, trong các cuộc đàm phán Bàn tròn Dân tộc giữa đại diện các phe đối lập và Chính phủ CS, các bên đạt được một thỏa thuận là bản Hiến pháp năm 1949 - thường được gọi là Hiến pháp Stalinist - sẽ được viết lại hoàn toàn, đặt nền móng cho một nhà nước dân chủ pháp quyền và cơ chế kinh tế thị trường. Các bên cũng thống nhất rằng sẽ sử dụng bản Hiến pháp tạm thời này cho đến khi thông qua một Hiến pháp mới.

Theo nhận định của các nhà luật học, cho dù bị xem là mang tính tạm thời, nhưng bản Hiến pháp mà Hungary sử dụng trong hơn 20 năm qua không hề có khiếm khuyết gì đáng kể để cần phải thay đổi. Một số diễn đạt của Hiến pháp có thể chưa rõ ràng, nhưng bù lại, nó đã được bổ khuyết bởi các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary, vốn được coi là mẫu mực trong sự vận hành một nhà nước pháp quyền hợp hiến tại một quốc gia hậu CS.

Dầu sao đi nữa, hai thập niên qua, các đảng phái ở Hungary cũng nhiều lần ngồi lại để thảo luận về một Hiến pháp chính thức, nhưng họ không có được sự đồng thuận cần thiết. Câu chuyện Hiến pháp mới chỉ được xúc tiến với cường độ chóng mặt khi liên minh cầm quyền có được hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội và như thế, họ có thể thông qua bất cứ điều luật gì mà không cần tới sự hợp tác của phe đối lập.

Ðiều khiến công luận và các đảng phái đối lập Hungary phản đối ở đây là trong chiến dịch tranh cử, đảng cầm quyền FIDESZ không hề đưa vấn đề thay đổi Hiến pháp ra trước cử tri và do đó, nhiều cử tri cho rằng họ không ủy nhiệm cho FIDESZ sửa đổi Hiến pháp khi bầu cho đảng này. Một suy nghĩ khác cho thấy, do liên minh cầm quyền có thể tự quyết định mà không cần thông qua sự hợp tác của phe đối lập, sự đồng thuận xã hội đã không tồn tại khi bản Hiến pháp mới được đưa ra.

Như vậy, Hiến pháp của một quốc gia mà gần như chỉ do một đảng đưa ra phải không thưa anh ?

Quá trình khởi thảo Hiến pháp mới do liên minh cầm quyền đề xướng cũng gặp nhiều chỉ trích từ mọi phía. Một cuộc Hiệp thương Quốc gia được triệu tập với sự tham gia của các đảng trong Quốc hôi để thu thập ý kiến, tuy nhiên tại đây phe đối lập không đồng ý với việc thông qua một “đạo luật mẹ” quan trọng như thế trong thời gian gấp gáp, không tham khảo ý kiến rộng rãi của các giai tầng trong xã hội.

Hai đảng đối lập MSZP và MLP đặt điều kiện để họ tham gia quá trình khởi thảo Hiến pháp, là cần tổ chức trưng cầu dân ý và bản Hiến pháp này cũng phải được Quốc hội kỳ sau thông qua để tăng tính “hợp thức” của nó. FIDESZ không chấp nhận đề nghị này và sau đó, phe đối lập đã tẩy chay Hiến pháp mới.

Tuy nhiên, để đáp ứng vấn đề thăm dò dư luận, thay vì tổ chức trưng cầu dân ý bị FIDESZ coi là đắt đỏ, trong thời gian cuối khi dự thảo Hiến pháp đã được hoàn tất, đảng này chủ trương gửi cho toàn thể cử tri một số câu hỏi mang tính tham khảo. Có điều, những câu hỏi đó bị giới chuyên môn cho là lập lờ, vô ý nghĩa, được đặt ra chủ yếu để nhận lại những câu trả lời phù hợp ý người đặt...

Hiến pháp mới bị phản ứng và chỉ trích ở những điểm nào?

Dễ thấy nhất là tên chính thức của Hungary bị chuyển từ Cộng hòa Hungary sang Hungary, đơn thuần. Cho dù, thể chế nhà nước vẫn được ghi trong Hiến pháp, là cộng hòa, nhưng sự sửa đổi này - theo giới triết gia - cho thấy Hungary không còn là một cộng đồng chính trị của các công dân tự do và bình đẳng, mà chỉ có nghĩa là, hiện tại, nước này không theo chế độ phong kiến.

Một trong những điểm tâm đắc của Chính phủ Hungary khi đề xuất Hiến pháp mới, là phần Mở đầu ca ngợi những giá trị truyền thống và lịch sử của nước Hungary 1.100 năm tuổi, như tín ngưỡng Cơ-đốc giáo, gia đình và dân tộc, sự trung thành, niềm tin và tình thương yêu, nếp sống yêu lao động, v.v... Các luật gia cho rằng, những ý tưởng đó nghe thì hay và đẹp, nhưng nếu để trong một bản Hiến pháp và sau đó, diễn giải nó trong thực tế để làm luật, thì rất có thể sẽ ảnh hưởng những người theo tín ngưỡng, niềm tin và lối sống khác.

Trái với bản Hiến pháp tạm thời từ hơn 20 năm nay, đa phần chỉ nhắc đến những quyền công dân, Hiến pháp mới còn nhấn mạnh đến những bổn phận, trách nhiệm, như trách nhiệm của cha mẹ với con cái, của con cái với người già, hoặc bổn phận “đóng góp cho sự thăng tiến của xã hội thông qua lao động, phù hợp với khả năng của mình”.

Những điều khoản ấy được cho là thích hợp để nhà nước can thiệp vào đời tư của cá nhân, và có thể dùng để hạn chế một số quyền cơ bản của công dân. Chẳng hạn, trên phương diện các biện pháp hỗ trợ xã hội, những khoản trợ cấp xưa nay được cấp một cách đương nhiên cho người có quyền hưởng, thì nay có thể sẽ kèm theo điều kiện đương sự phải lao động công ích, đảm bảo cho con cái đến trường hoặc thậm chí... giữ gìn sạch sẽ nhà cửa.

Một điểm mấu chốt gây bất bình trong xã hội, là thẩm quyền và chức năng của Tòa án Hiến pháp bị thu nhỏ, với dụng ý rõ ràng là Tòa đỡ “can thiệp” vào những quyết sách của Chính phủ trong vấn đề tài chính và ngân sách quốc gia. Ðây là điều nguy hiểm vì như thế, có thể sản sinh những đạo luật vi hiến. Mặt khác, trái với thông lệ trước nay, khi bất cứ ai cũng có thể đề nghị Tòa án Hiến pháp xem lại tính hợp hiến của một đạo luật, Hiến pháp mới chỉ cho phép điều này đối với những ai chịu thiệt hại trực tiếp từ điều luật nọ - đây cũng là một hạn chế rất đáng để tâm.

Giới chuyên gia cho rằng những điều khoản của Hiến pháp mới không rõ ràng, có thể tạo điều kiện cho sự hạn chế các quyền công dân, và gây khó dễ cho công việc của các nội các tiếp tới, bởi lẽ Hiến pháp quy định rằng cần tối thiểu 2/3 số phiếu thuận để thay đổi những đạo luật liên quan tới đường lối kinh tế và xã hội, như thuế má, lương bổng hưu trí hoặc chính sách gia đình.

Các đảng đối lập và các tổ chức dân sự Hungary đã phản ứng ra sao trước Hiến pháp mới?

Các đảng đối lập, như đã nói, hoặc không tham gia biểu quyết, hoặc bỏ phiếu chống. Ðảng Xã hội Hungary, đảng đối lập lớn nhất không tham gia phiên thảo luận và họp riêng tại một rạp phim, với khẩu hiệu “Bảo vệ nền cộng hòa” và đặt vấn đề làm sao để bác bỏ bản Hiến pháp mới. Ðảng Chính trị có thể khác, trong cuộc biểu tình trước đó 1 hôm, vạch ra viễn ảnh một chế độ độc tài toàn trị sau khi bản Hiến pháp được thông qua, với sự nhấn mạnh “không có Hiến pháp nếu không có sự đối thoại”.

Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất là sự đồng tâm phản đối của các tổ chức và nhóm dân sự trước bản Hiên pháp mới. Nhóm “Một triệu người vì quyền tự do báo chí”, hoạt động trên mạng xã hội Facebook, đã từng tổ chức ba cuộc biểu tình lớn để phản đối Ðạo luật Truyền thông, đã mở chiến dịch vận động “Một triệu người chống lại Hiến pháp”, mà hành động đầu tiên là tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối tuần trước.

Bản Hiến pháp mới, theo các ý kiến của nhiều tổ chức dân sự tham gia biểu tình, đã làm suy sụp nhà nước pháp quyền, chỉ phục vụ những lợi ích quyền lực của đảng cầm quyền FIDESZ, thiếu sự đồng thuận và chỉ gây chia rẽ trong xã hội. Thêm vào đó, Hiến pháp mới để ngỏ nhiều vấn đề nên những điểm đáng lo ngại nhất sẽ chỉ xảy ra khi các đạo luật chủ chốt của thể chế cộng hòa được đưa ra phê chuẩn trên cơ sở viện dẫn “bộ luật mẹ”.

Hiến pháo mới cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới đồng tính và những tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ, do một điều khoản của Hiến pháp cấm khả năng để người đồng tính được kết hôn. Nhiều tổ chức nhân quyền và bảo vệ quyền lợi của người đồng tính đòi hỏi tất cả mọi người đều phải được bình đẳng và bất cứ ai cũng phải được quyền hôn nhân, bất luận là dị tính hay đồng tính.

Ðại diện cho giới phụ nữ còn lo ngại rằng căn cứ điều khoản về bảo vệ bào thai, rất có thể Tòa án Hiến pháp sẽ buộc Quốc hội Hungary phải ra đạo luật cấm nạo, phá thai - sự cấm đoán này, theo họ, không làm tăng dân số Hungary (thường xuyên sụt giảm từ nhiều năm nay), mà chỉ làm gia tăng những ca tử vong vì nhiều bà mẹ buộc phải nạo, phá thai một cách bất hợp pháp và nguy hiểm.

Một quan niệm chung của nhiều tổ chức dân sự là họ hoàn toàn không tin tưởng gì vào những đảng đối lập trong Quốc hội, Nhóm dân sự mang tên 4K! (đòi hỏi thành lập một nền Ðệ tứ Cộng hòa) đã diễn đạt mạnh mẽ nhất, khi cho rằng cần hình thành một cộng đồng chính trị mới. Cũng nhóm này, ngay sau khi bản Hiến pháp được thông qua, đã tới Văn phòng Bầu cử Quốc gia đề nghị tổ chức một cuộ trưng cầu dân ý, với câu hỏi là cử tri có đồng ý buộc Quốc hội phải hủy bản Hiến pháp mới hay không.

10:10

Thông tín viên Hoàng Nguyễn_Budapest

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.