Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - SYRIA

Hội Đồng Nhân Quyền LHQ thảo luận về hồ sơ Syria

Sáng hôm nay 29/4/2011, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bắt đầu cuộc họp bất thường tại Geneva, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, để xem xét một nghị quyết lên án chính quyền Syria đàn áp đối lập.

Quảng cáo

Cuộc họp bất thường diễn ra trong bối cảnh Hội Đồng Bảo An, ngày 27/04 vừa qua, đã không đạt được một tuyên bố chung lên án chính quyền Damas.

Theo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, các đàn áp nhắm vào những người biểu tình chống chế độ của tổng thống Syria Bachar al-Assad trong ba ngày cuối tuần trước (22/04 đến 24/04) khiến cho ít nhất 107 người thiệt mạng.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch - HRW - đưa ra con số 300 nạn nhân, kể từ đầu cuộc phản kháng (15/03) và hơn 1.000 người bị giam giữ, trong đó một số người bị tra tấn. Theo « Ủy ban các liệt sỹ 15 tháng Ba », một tổ chức gần gũi với phong trào đối lập, số người chết trên toàn Syria là 502. Tổ chức HRW cũng kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền thông qua một nghị quyết lên án nghiêm khắc chính quyền của tổng thống Bachar al-Assad.

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc rất hiếm khi tổ chức các phiên họp bất thường. Một trường hợp đặc biệt là phiên họp cuối tháng Hai năm nay đã ra một nghị quyết chung lên án chế độ Kadhafi tại Libya.

Thái độ của Hoa Kỳ, Nga và Châu Âu

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, ngày hôm qua, ba thượng nghị sĩ đã kêu gọi tổng thống Barack Obama yêu cầu người đứng đầu chính quyền Syria Bachar al-Assad từ chức, giống như đối với cựu tổng thổng Ai Cập Mubarak và lãnh đạo Libya Kadhafi trước đây. Đồng thời, các nghị sĩ cũng khuyến nghị tổng thống Hoa Kỳ ủng hộ khát vọng xây dựng nền dân chủ bằng con đường hòa bình của nhân dân Syria, gia tăng các biện pháp ngoại giao và kinh tế để cô lập và gây sức ép với chế độ của tổng thống Assad.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, Nga - thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đã từ chối hợp tác với các nước phương Tây trong việc gia tăng sức ép lên Damas, nhằm bảo vệ các quan hệ chặt chẽ với nước này. Một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Đông Phương của Nga, trả lời phỏng vấn AFP, cho biết, Matxcơva đã có kinh nghiệm với trường hợp Libya, vì vậy rất có thể lập trường của Nga đối với Syria sẽ dứt khoát hơn. Trong trường hợp Libya, Nga đã lên án phương Tây hành xử vượt quá phạm vi cho phép theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và lo ngại liên quân quốc tế có thể tiến hành can thiệp trên bộ tại quốc gia này.

Vài tiếng đồng hồ trước cuộc họp về Syria của các đại sứ 27 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, diễn ra vào chiều nay 29/04/2011 tại Bruxelles, theo một nhà ngoại giao cao cấp của châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu rất có khả năng sẽ đạt được một đồng thuận trong việc đưa ra các trừng phạt nhắm vào chính quyền Damas.

Nếu việc trừng phạt về nguyên tắc được thông qua, châu Âu sẽ ngưng các trợ giúp tài chính cho Syria, không cấp visa và phong tỏa tài khoản của các viên chức cao cấp thuộc chính quyền, những người chỉ đạo các cuộc đàn áp, đồng thời cấm vận vũ khí đối với Syria. Dự thảo trừng phạt Syria của châu Âu cũng đề cập đến việc châu Âu cần có lập trường chung trong hồ sơ Syria tại Liên Hiệp Quốc, bởi vì Pháp, Anh, Bồ Đào Nha và Đức là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tình hình tại chỗ

Hôm nay, chính quyền Damas kêu gọi các công dân không nên tham gia biểu tình, trong lúc nhóm « Các thanh niên cách mạng Syria » đã tung ra trên Facebook lời kêu gọi dân chúng tham gia « Ngày thứ Sáu nổi giận », để thể hiện tình đoàn kết với thành phố Deraa, cái nôi của phong trào nổi dậy, vừa bị chính quyền đàn áp khốc liệt.

Kể từ thứ Hai đến nay, tại Deraa, theo nhóm « Các thanh niên cách mạng Syria », đã có ít nhất 42 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.

Về phía chính quyền, hãng thông tấn Sana cho biết, hai nhân viên an ninh đã trúng đạn chết, bảy người khác bị thương tại khu vực miền nam Syria trong những ngày gần đây. Còn theo bộ trưởng Nội vụ Syria, hơn 50 binh sĩ và hàng chục cảnh sát đã tử vong kể từ khi cuộc phản kháng bùng phát.

Tổ chức Huynh đề Hồi giáo Syria kêu gọi dân chúng không khuất phục trước « thế lực bạo tàn », tức chế độ của tổng thống Assad.

Ngày hôm qua, thông tín viên của RFI tại Beyrouth ghi nhận, tình hình bất ổn tại Syria khiến hàng trăm người Syria phải vượt sang Liban để tìm nơi lánh nạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.