Vào nội dung chính
SYRIA

Đối lập Syria vẫn tiếp tục biểu tình dù bị đàn áp đẫm máu

Phe đối lập Syria đã thông báo vào hôm nay 01/05/2011, kế hoạch biểu tình dự trù kéo dài trong suốt tuần lễ tới đây. Chủ đề được đưa ra là ‘Tuần lễ bẻ gẫy vòng vây’. Gọi là ‘bẻ gẫy vòng vây, do thành phố Deraa và Douma đã bị quân đội phong tỏa để kiểm soát từ thứ hai đầu tuần.

Người biểu tình đốt hình tổng thống Syria
Người biểu tình đốt hình tổng thống Syria AFP
Quảng cáo

Theo kế hoạch công bố, biểu tình tiếp diễn ở Deraa hôm nay, ở Damas vào thứ Hai, và lần lượt ở các thành phố phiá Bắc như Banias, Jableh vào thứ Ba, rồi kế đến là các thành phố gần biên giới với Liban… Đêm thứ Năm sẽ là các cuộc biểu tình ngồi tại tất cả các thành phố Syria.

Từ thứ sáu đến nay, quân đội và cảnh sát Syria đã gia tăng đàn áp. Vào hôm qua, quân đội đã tấn công vào đền thờ Omari, nơi xuất phát phong trào phản kháng. Họ lục soát nhà dân để bắt người tình nghi tham gia biểu tình. Xung đột diễn ra đã làm 6 thường dân thiệt mạng tại đây.

Hôm thứ sáu, hàng chục ngàn người đã biểu tình chống chính quyền tại nhiều thành phố. Theo Đài Quan sát Nhân quyền ở Syria, 66 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ trấn áp, trong số này có 36 nạn nhân ở Deraa.

Thông tín viên Sophie Dumont ở Syria, tường trình :

« Tình hình trở nên bi đát hơn ở Deraa, miền nam Syria. Sáng hôm qua, quân đội đã đưa thêm xe tăng đến yểm trợ cho 5.000 lính đang bao vây thành phố. Nhiều nhân chứng đã kể lại cảnh xe tăng bắn vào nhà dân, điện nước bị cắt, người bị thương không được chăm sóc vì không ai được ra vào thành phố bị bao vây. Thi hài người chết thì vẫn còn ngoài đường.

Những vụ bạo động cũng diễn ra ở Ar Rastan, không xa thành phố Homs mà cuộc biểu tình rầm rộ cách đây hai ngày đã làm nhiều người thiệt mạng.

Biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Syria mà Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra, đã không ngăn cản được quân đội và cảnh sát tại chỗ. Họ tiếp tục ra lệnh bắn vào người biểu tình ở nhiều thành phố.

Phía chính quyền Damas đã đổ trách nhiệm bạo động cho các nhóm vũ trang đến từ bên ngoài và nhấn mạnh trên trường hợp 4 cảnh sát và nhiều người lính bị thiệt mạng thứ sáu vừa qua.

Vấn đề là cho dù phong trào phản đối lan ra nhiều thành phố, nhưng phần đông dân chúng vẫn im lặng vì không thấy là ai có thể thay thế chính quyền hiện nay để bảo đảm an ninh. Họ cũng nghĩ rằng tổng thống Assad không phải là người có trách nhiệm trong các sự cố gây chết người vừa qua. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.