Vào nội dung chính
TRUYỀN THÔNG - NHÂN QUYỀN

2010 : năm đột phá của cuộc đấu tranh vì nhân quyền

Ngày hôm nay, tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International công bố bản báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới. Đây là bản báo cáo được dư luận mong đợi trong bối cảnh năm 2010 đi qua với nhiều chuyển động mang lại hy vọng cho cuộc đấu tranh vì quyền con người trên khắp thế giới. Tờ báo của đảng Cộng sản Pháp L’Humanité hôm nay nhận định qua hàng tựa « 2010, một năm bản lề cho nhân quyền ».

Những người biểu tình thuộc tổ chức Amnesty International phản đối việc kiểm duyệt truyền thông và kiểm soát Internet của chính quyền Bắc Kinh, Sydney 7/2008.
Những người biểu tình thuộc tổ chức Amnesty International phản đối việc kiểm duyệt truyền thông và kiểm soát Internet của chính quyền Bắc Kinh, Sydney 7/2008. REUTERS
Quảng cáo

Theo l’Humanité, năm 2010 đã kết thức trong bối cảnh sôi động đặc biệt. Từ việc giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba cho đến cuộc cách mạng Hoa nhài ở Tunisia và cũng phải kể đến việc nhà ly khai nổi tiếng của Miến Điện Aung San Suu Ky được trả tự do. Năm 2010 có thể được ghi nhận là một năm thành công của các nhà bảo vệ nhân quyền. Có lẽ vì thế mà trong lời mở đầu báo cáo 2011 về tình hình nhân quyền trên thế giới, ông Salil Shetty, Tổng thư ký của Amnesty International viết : « Năm 2010 có thể đã đi vào biên niên sử như một thời điểm bản lề ».

Theo l’Humanité, bản báo cáo dày 400 trang của tổ chức bảo vệ nhân quyền toàn cầu này đã sàng lọc tình hình tại 157 nước năm 2010 để so với năm 2009. Năm 2010 được ghi nhận là có tiến bộ trên vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên trên gần nửa hành tinh này, quyền con người vẫn còn bị xâm phạm.

Trong năm 2010, báo cáo của tổ chức phi chính phủ này ghi nhận : 89 nước vi phạm quyền tự do ngôn luận, các hành động tra tấn ngược đãi con người vẫn tồn tại ở 98 quốc gia và ở 54 nước vẫn còn có những phiên tòa xét xử không công bằng, 48 nước còn có tù nhân chính kiến. Bà Geneviève Garrigos, Chủ tịch Amnesty International đánh giá : «Trong tổng thế thì thấy các phong trào phản kháng của các tổ chức xã hội dân sự tăng, việc trấn áp cũng tăng trong khi tự do ngôn luận thì giảm ».

Không chỉ đưa ra những con số về tình trạng nhân quyền trên thế giới, báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế còn dành nghiên cứu về các phương thức đấu tranh của những nhà bảo vệ nhân quyền. Nhật báo La Croix đề cập đến nhận định của Amnesty International về « những loại hình truyền thông mới thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền ». 

Nghiên cứu của Amnesty cho thấy, công nghệ thông tin đang đóng một vai trò tích cực trong lĩnh vực đấu tranh vì nhân quyền mà hiệu quả của nó đã được chứng minh trong trào lưu cách mạng ở Bắc Phi.

Theo Amnesty, với internet, các nhà đấu tranh đã được trang bị thêm một thứ « vũ khí mới » để có thể tổ chức nhau lại đối phó với việc đàn áp. Các mạng xã hội mới ra đời như Facebook, Twitter đã đi tiên phong trong các cuộc cách mạng. Tại Tunisia hay Ai Cập bắt đầu từ việc quy tụ nhau trên net, qua điện thoại di động, phong trào phản kháng đã lan rộng và nhanh đến mức chưa từng thấy.

Tuy nhiên theo La Croix, phương thức thể hiện quyền tự do ngôn luận mới này không phải không bị trấn áp. Bản báo cáo của Amnesty Internationnal nhắc lại rằng, tại Libya « bộ luật hình sự quy định các hình phạt nặng tới mức tử hình đối với các hoạt động thực thi quyền tự do ngôn luận và lập hội ». Còn tại Ai Cập « nhiều người viết Blog đã bị bắt trong năm 2010 ».

Bản báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng trấn áp thông tin trên mạng tại Trung Quốc. Có thể kể ra hai đỉnh điểm kiểm duyệt internet của Trung Quốc đó là thời điểm trao giải Nobel Hòa bình cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba (tháng 10 năm 2010) và khi mùa xuân Ả Rập nổ ra.

Amnesty nhìn nhận, internet giờ đây là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người. Trong bản báo cáo của mình tổ chức này cũng không quên nhắc lại vụ Wikileaks năm ngoái với việc phát giác hàng ngàn bức điện ngoại giao. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền này, nhiều thông tin được tiết lộ đã phơi trần những liên hệ của một số chính phủ phương Tây với các chế độ vi phạm nhân quyền. Và đây chính là cơ hội để các nước dân chủ thể hiện trách nhiệm của mình nhiều hơn đối với việc bảo vệ nhân quyền.

Một ghi nhận nữa về tình hình nhân quyền trên thế giới, theo bà Geneviève Garrigos, năm 2010 đã khẳng định một tiến triển không thể đảo ngược đó là : sự huy động chưa từng có của các tổ chức xã hội dân sự vào cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Người dân đã ý thức được quyền của mình và họ đấu tranh cho dù bị trấn áp.

Năm nay, Amnesty International kỷ niệm 50 năm ra đời, nhiệm vụ tới đây của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế này vẫn còn nhiều. 

Thân thế của tân bộ trưởng Kinh tế Đức, nguyên là một cậu bé mồ côi, sinh tại Việt Nam

Liên quan đến Việt Nam, nhân việc người Đức gốc Việt Philipp Rosler chuẩn bị giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và phó thủ tướng Đức, cường quốc kinh tế thứ tư thế giới, báo La Croix hôm nay có bài viết về chân dung nhân vật này.

Tác giả viết : Đó là một người thoát nạn của cuộc chiến tranh Việt Nam. Philipp Rosler sinh tháng 2 năm 1973 tại đồng bằng sông Mekong, không ai biết cha mẹ đẻ của ông là ai, hình như họ đều đã mất, chỉ biết rằng từ khi ra đời cậu bé được một trại mồ côi của Công giáo đưa về nuôi, để rồi 9 tháng sau đó được gia đình nhà Rosler ở Hambourg Đức đón về làm con nuôi đặt cho cái tên Philipp. Philipp lớn nên được ăn học như một đứa trẻ Đức, năm 1992 anh bắt đầu theo học ngành y, trở thành bác sĩ ở Hanover rồi tham gia chính trị gia nhập đảng Dân chủ tự do (FDP). Chính trên địa hạt chính trị, Philipp đã nhanh chóng thể hiện khả năng của mình để thăng tiến như diều gặp gió. Năm 2009 đã trở thành bộ trưởng Kinh tế của một tiểu bang. Không lâu sau đó ông được giao giữ chức bộ trưởng Y tế Liên bang. Tuần này, Philipp Rosler sẽ được bầu làm chủ tịch đảng FDP, tiếp sau đó ông sẽ được giao lãnh đạo bộ Kinh tế và là Phó thủ tướng Đức. Ông được hy vọng sẽ là người vực dậy uy tín cho đảng Dân chủ Tự do đang có chiều đi xuống.

Tình hình quân sự tại Libya bấp bênh khó lường

Về thời sự quốc tế, từ hàng tháng trời qua, Libya vẫn là điểm nóng trên các báo. Đã hơn hai tháng đất nước Bắc Phi này vẫn chưa thoát được ra khỏi cảnh khói lửa chiến tranh hỗn hợp giữa nội chiến và « ngoại chiến ».

Đến lúc này nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh cuộc chiến này. Nato đã không lường trước được Mouammar Kadhafi quá khó chơi, không dễ gì loại bỏ được ông ta. Mặc dù từ nhiều tuần qua liên quân quốc tế vẫn liên tục mở các cuộc tấn công vào lực lượng chính phủ, lãnh đạo Libya không hề nhụt chí. Dư luận bất đầu hoài nghi về sự hỗ trợ của quốc tế đối với lực lượng nổi dậy Libya.

Báo Le Monde cũng tỏ ra hoài nghi về kết quả của các chiến dịch quân sự của liên quân tại Libya. Theo tờ báo thì cuộc chiến tại đây vẫn dậm chân tại chỗ. Một cuộc chiến tranh, ban đầu khoanh vùng trong phạm vi có vài ba thành phố dưới sự ủy thác của nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc trên sứ mệnh bảo vệ thường dân. Thế nhưng đến giờ cuộc chiến đã lan rộng với mục tiêu chế độ Kadhafi phải sụp đổ. Nhưng chiến sự ở Libya vẫn nhùng nhằng. Theo le Monde, các chuyên gia đều đánh giá tình hình Libya sẽ còn phải kéo dài.

Trong khi đó báo Le Figaro lại đến với thành phố Mistara, nơi chiến sự kéo dài gần ba tháng nay giữa quân nổi dậy và lực lượng trung thành với đại tá Kadhafi.

Le Figaro ghi nhận thấy phe nổi dậy ở Misrata đang đẩy mạnh thêm lợi thế, kể từ cách đây hai hôm khi họ chiếm được sân bay của thành phố bờ biển nằm cách Tripoli 200 km.

Tuy nhiên, theo le Figaro thì tình hình quân sự tại Libya vẫn còn rất bấp bênh và khó lường, cho dù các sức ép ngoại giao, ủng hộ phe nổi dậy vẫn tiếp tục gia tăng nhằm làm suy yếu đại tá Kadhafi.

Lủng củng giữa các nước trong Châu Âu xung quanh hiệp định Schengen 

Trước những biến động ở Bắc Ph idẫn đến làn sóng người nhập cư đổ sang một số nước châu Âu, hôm qua các bộ trưởng Nội vụ các nước thuộc không gian Schengen trong Liên Hiệp Châu Âu đã phải ngồi lại với nhau trong một cuộc họp xem xét lại hiệp ước tư do đi lại trong khối này.

Mục đích của cuộc họp là tập hợp quan điểm lập trường của các nước thành viên khối Schengen về khả năng tái lập kiểm tra đi lại qua biên giới giữa các nước châu Âu.

Theo như một thông cáo của Ủy ban châu Âu, đó là các biện pháp « tạm thời » và chỉ áp dụng trong « những tình huống đặc biệt », nhưng các nước châu Âu xem ra vẫn không tìm được sự đồng thuận. Lập trường của các nước thành viên đưa ra trong cuộc họp hôm qua mỗi nước một khác. Pháp thì muốn đưa lại việc kiểm tra biên giới tòan thể các không gian Schengen khi một nước thành viên trong không gian này không kiểm soát được biên giới của mình. Còn Đức thì lại cho đó là vấn đề của từng quốc gia. Nhìn chung theo các nhà quan sát thì cuộc họp này chẳng qua cũng chỉ là để phục vụ mục đích chính trị của các nội bộ các chính phủ có liên quan đến làn sóng nhập cư, khó có thể tìm được tiếng nói chung cho các cải cách quy định của không gian Schengen.

Nguy cơ hạn hán nặng tại Pháp

Chưa thực sự bước vào mùa hè nhưng nước Pháp, mà trực tiếp là ngành nông nghiệp Pháp đang phải đối mặt với nạn hạn hán. Theo dự báo của các nhà khí tượng năm nay nước Pháp có thể sẽ phải trải qua một mùa hè năng nóng, khô hạn bất thường. 

Tờ Les Echos cảnh báo trên trang nhất : « Hạn hán : Nước Pháp trong tình trạng báo động ». Ngay từ bây giờ người ta đã cảnh báo về tình trạng thiếu nước nghiêm trong trong một mùa hè khô hạn bất thường năm nay. Dự báo hơn hai chục tỉnh sẽ rơi vào tình trạng hiếm nước, sản lượng ngũ cốc sẽ giảm đáng kể và các nhà chăn nuôi sẽ thiêu rơm cỏ cho gia súc. Tình hình chắc hẳn là nghiêm trọng nếu không huy động đối phó với nạn hạn hán ngay từ bây giờ. Xã luận báo La Croix viết "báo động đã tăng dần, nhưng giờ đây lo lắng phải nhường chỗ cho việc huy động mọi nỗ lực đối phó với đe dọa của một mùa hè khô hạn. Nhiều quyết định đã được đưa ra ngay từ bây giờ nhằm hạn chế tối đang nguy cơ hạn hán đang đe dọa nông nghiệp Pháp".  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.