Vào nội dung chính
FMI

Áp lực thay thế tổng giám đốc IMF ngày càng tăng

Kể từ khi tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF), Dominique Strauss-Kahn đang bị bắt giam hôm 14 tháng 5, IMF không có người điều hành chính thức, trong khi các công việc cần đến các quyết định của định chế này ngày càng nhiều. Nhiều nước bắt đầu lên tiếng yêu cầu IMF khẩn trương chọn lãnh đạo mới.

Bộ trưởng  Kinh tế tài chính Pháp trao đổi với Tổng giám đốc FMI, Dominique Strauss-Kahn, trong cuộc họp Eurogroupe tại Luxembourg hôm 7/ juin/ 2010.
Bộ trưởng Kinh tế tài chính Pháp trao đổi với Tổng giám đốc FMI, Dominique Strauss-Kahn, trong cuộc họp Eurogroupe tại Luxembourg hôm 7/ juin/ 2010. Reuters/Eric Vidal
Quảng cáo

Trong một cuộc hội nghị tối hôm qua (17/5) tại New York, bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner đã cho rằng ông Dominique Strauss Kahn, hiện đang bị giam trong nhà tù ở New York, không còn khả năng lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nữa. Theo ông Geithner, định chế tài chính này cần phải có kế hoạch lập ra một ban lãnh đạo thường trực. Tại Pháp, hôm nay, lãnh đạo đảng cánh hữu cầm quyền UMP Jean-François Copé cũng tuyên bố là vấn đề lãnh đạo IMF phải được giải quyết trong những ngày tới.

Về phần Nhật Bản, quốc gia góp vốn nhiều thứ hai cho IMF, thì cho rằng, hãy còn quá sớm để bàn đến chuyện thay thế tổng giám đốc IMF. Trong khi đó, theo một phát ngôn viên của IMF, tổ chức này không bình luận những lời đồn đoán về chức vụ tổng giám đốc và họ cũng chưa tiếp xúc được với ông Dominique Strauss-Kahn kể từ khi ông này bị bắt.

Hiện giờ, tổng giám đốc FMI đang bị giam ở nhà tù Rikers Island chờ ra trước một thẩm phán New York vào thứ sáu tới. Từ đây đến đó, một bồi thẩm đoàn nhân dân gồm từ 16 đến 23 người sẽ họp kín để quyết định có chính thức truy tố ông Dominique Strauss-Kahn hay không. Theo các luật sư của ông, cựu bộ trưởng Pháp vẫn bác bỏ những cáo buộc về cưỡng bức tình dục một phụ nữ hầu phòng ở khách sạn Sofitel New York.

Các luật sư này cũng dự tính kháng cáo quyết định tống giam và từ chối yêu cầu tại ngoại hầu tra với tiền thế chân. Cũng theo một trong hai luật sư của ông Dominique Strauss-Kahn, vợ của ông, bà Anne Sinclair đã đến New York hôm qua. Còn theo đài NBC, tổng giám đốc IMF được đặt dưới chế độ giám sát ngăn ngừa tự tử, tức là cứ 15 đến 30 phút phải được kiểm tra, phải mặc đồ tù và mang giầy không có thắt dây.

Cũng hôm qua, lần đầu tiên, luật sư của phụ nữ được coi là nạn nhân đã lên tiếng trên đài truyền hình CNN, khẳng định là thân chủ của ông hiện đang rất hoang mang, “không thể trở lại làm việc và cũng không biết tương lai ra sao”. Một người tự nhận là anh của nạn nhân thì khẳng định là sau vụ xảy ra hôm thứ bảy, bà này đã được đưa đến một nơi bí mật. Theo ông, đây không hề là một vụ dàn cảnh để gài bẫy ông Dominique Strauss-Kahn.

Hiện giờ, các luật sư của tổng giám đốc IMF bảo vệ thân chủ của mình dựa trên những bằng chứng cho thấy là ông Dominique Strauss-Kahn không hề có ý định bỏ trốn hôm thứ bảy. Nhưng theo báo chí New York, các luật sư này dường như đã chuyển hướng bào chữa, tức là công nhận hai người đã có quan hệ tình dục, nhưng là quan hệ có thỏa thuận, chứ không phải cưỡng bức.

Nếu bị kết án, tùy theo tội trạng, ông Dominique Strauss-Kahn có thể lãnh từ 15 đến 74 năm tù. Nhưng theo kết quả một cuộc thăm dò công bố hôm nay, đa số dân Pháp, cụ thể là 57%, tin rằng ông Dominique Strauss-Kahn là “ nạn nhân của một âm mưu”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.