Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - SYRIA - NGUYÊN TỬ

AIEA quyết định đưa hồ sơ Syria ra trước Hội Đồng Bảo An

Ngày 09/06/2011, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA thông qua nghị quyết yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trừng phạt Syria. Với 17 phiếu thuận, 6 phiếu chống, AIEA đã hưởng ứng quan điểm của Mỹ theo đó Syria « thiếu trách nhiệm » trong quá trình hợp tác với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân.

Cuộc họp của Hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA tại Vienna, 27/09/2010
Cuộc họp của Hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA tại Vienna, 27/09/2010 AFP/Samuel Kubani
Quảng cáo

Chính quyền Damas bị tố cáo đã che giấu một số hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân. AIEA trong báo cáo gần đây nhất lo ngại « có nhiều khả năng » Syria đã không khai báo với cộng đồng quốc tế về một lò phản ứng hạt nhân tại cơ sở Dair al Zour. Trên nguyên tắc, khu nhà máy này đã bị không quân Israel phá hủy vào tháng 09/2007.

AFP nhắc lại, cho đến nay, Syria luôn khẳng định nhưng không đưa ra bằng chứng là Dair al Zour không phải là một khu nhà máy nguyên tử, và từ tháng 06/2008 tới nay, Damas luôn từ chối để thanh tra của AIEA đến quan sát.

Theo cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Syria một lò phản ứng nguyên tử tại khu vực nhà máy Dair al Zour và một khi công trình nói trên hoàn thành, Syria có khả năng chế tạo chất plutonium. Do vậy, từ nhiều tháng qua, Hoa Kỳ vận động quốc tế trừng phạt Syria về vấn đề hạt nhân. Lập trường cứng rắn của Washington đã được nhiều nước Tây phương, cũng như Hàn Quốc ủng hộ, nhưng gặp phải sự chống đối từ phía Nga và Trung Quốc.

Để giải thích về thái độ của mình trong cuộc biểu quyết hôm qua tại Vienna, đại sứ Nga bên cạnh AIEA xác định : « Vai trò của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là để gìn giữ hòa bình và an ninh. Khu vực Daiz al Zour không còn hiện hữu và không thể là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới ». Về phần mình, đại sứ Trung Quốc cũng cho là Bắc Kinh « không có lý do gì để thông qua nghị quyết » trừng phạt Syria.

Nga và Trung Quốc là hai thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và có quyền phủ quyết, cho nên có nhiều khả năng chính sách trừng phạt Damas trên hồ sơ hạt nhân sẽ không được thông qua.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế quyết định đưa Syria ra trước Hội Đồng Bảo An vào lúc nhiều nước phương Tây đòi Liên Hiệp Quốc trừng phạt chính quyền Damas về các hành vi đàn áp thô bạo nhắm vào phe nổi dậy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.