Vào nội dung chính
HY LẠP

20.000 người Hy Lạp biểu tình chống kế hoạch khắc khổ

Hôm nay hàng chục ngàn người Hy Lạp đã xuống đường để chống lại kế hoạch khắc khổ lần thứ hai. Nhưng Thủ tướng Papandreou vẫn tái khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng.

Biểu tình tại Athens, gần quốc hội Hy Lạp, 15/6/2011.
Biểu tình tại Athens, gần quốc hội Hy Lạp, 15/6/2011. REUTERS/Pascal Rossignol (
Quảng cáo

Cho đến trưa, đã có trên 20.000 người biểu tình theo số liệu của cảnh sát, và theo báo chí cùng các nhà quan sát thì số lượng này phải gấp đôi. Họ phản đối việc phải trả giá cho một cuộc khủng hoảng mà theo họ là do các định chế tài chính gây ra, trong lúc hôm nay Nghị viện xem xét kế hoạch của chính phủ.

Thông tín viên của RFI tại Athènes cho biết, theo lời kêu gọi của các công đoàn và phong trào “Những người phẫn nộ”, từ sáng sớm những người biểu tình đã kéo đến trước quảng trường Syntagma. Đây là một trong ba điểm tập trung của phong trào “Những người phẫn nộ”, vốn đã chiếm đóng quảng trường trước Nghị viện từ ba tuần qua. Khẩu hiệu trên một số băng-rôn đòi hỏi “Quý vị và số nợ của quý vị hãy biến đi!”.

Hôm nay cũng là ngày tổng đình công nên các đoàn biểu tình của các công đoàn cũng quy tụ về khu trung tâm Athènes, hoạt động của các cơ quan hành chính, vận tải và thương mại bị ngưng trệ. Dù đã có lời kêu gọi biểu tình ôn hòa, cũng đã có một số vụ đụng độ với cảnh sát làm cho từ ba đến bảy người bị thương. Những người biểu tình đã không thành công trong việc hình thành một vòng đai người bao quanh Nghị viện.

Kế hoạch khắc khổ lần thứ hai này đặc biệt nghiêm khắc. Dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế, và nhất là một làn sóng tư nhân hóa chưa từng thấy trên đất nước Hy Lạp. Nhà nước hy vọng sẽ thu được 50 tỉ euro từ nay cho đến năm 2015.

Thủ tướng Georges Papandreou nhấn mạnh sẽ tiếp tục tìm kiếm một sự đồng thuận với phe đối lập. Đây một điều kiện do các định chế cho vay đưa ra đối với Hy Lạp.

Nhưng kế hoạch thắt lưng buộc bụng lần thứ nhất đưa ra vào năm ngoái vốn đã rất khắt khe. Đối với người dân Hy Lạp, đây là giọt nước làm tràn ly, ngay cả trong phe đa số cầm quyền. Hôm qua một dân biểu đảng Pasok đã từ chức, và nay đảng của ông Papandreou chỉ còn có 155/300 ghế trong Quốc hội trước cuộc bỏ phiếu thông qua kế hoạch. Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố rất quan tâm đến khía cạnh xã hội của các biện pháp khắc khổ áp đặt cho Hy Lạp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.