Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Quốc tế nỗ lực bảo tồn và phát triển rừng nhiệt đới

Đăng ngày:

Trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 (28/5 – 3/6/2011), tại Brazzaville – thủ đô nước Cộng hòa Congo, đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về ba vùng rừng nhiệt đới quan trọng nhất thế giới chiếm 80% diện tích rừng toàn cầu : rừng Amazone (Nam Mỹ), rừng Congo (miền Trung Châu Phi) và rừng Borneo – Mêkông (Đông Nam Á).

Rừng Amazone (Reuters)
Rừng Amazone (Reuters)
Quảng cáo

Hội nghị thượng đỉnh này đã thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ 32 quốc gia, có nghĩa là hầu hết các nước có một phần lãnh thổ nằm trong ba vùng rừng lớn kể trên.

Hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc gia đang trỗi dậy và đang phát triển nhằm tìm kiếm các biện pháp bảo vệ các khu vực rừng nhiệt đới, những lá phối xanh của hành tinh, là một sự kiện quan trọng trong cuộc chiến chống lại việc khí hậu bị hâm nóng. Xu hướng xây dựng một sự đồng thuận giữa các quốc gia phía Nam trên lĩnh vực này được các nước phát triển và toàn thế giới chăm chú theo dõi. Bởi việc các vùng rừng nhiệt đới bị hủy hoại có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ba vùng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới
Ba vùng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Latifa Mouaoued/RFI

Những thành tựu của công cuộc bảo vệ rừng gần đây

Theo ông Jérôme Frignier, phụ trách về chương trình Rừng của tổ chức Greenpeace, cộng đồng quốc tế đã nhận thấy tầm quan trọng của các khu rừng nhiệt đới :

« Gần đây, đã bắt đầu hình thành một nhận thức mới về vai trò to lớn của rừng đối với sự ổn định của khí hậu, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Theo đó, việc phá hủy rừng có một tác động rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm tới 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các khu rừng nhiệt đới che chở khoảng 2/3 giống loài sinh vật trên hành tinh của chúng ta. Và rừng còn quan trọng bởi vì có hàng triệu người sinh sống tại đó. Thường thì đấy là những cộng đồng bị gạt ra bên lề, mà các quyền lợi của họ không được xã hội công nhận.

Một sự đồng thuận nhất định về chủ đề này đã tạo nên một không khí năng động tại hội nghị thượng đỉnh Cancun (tại Mêhicô năm 2010) (...) ».

Trong thời gian vài năm trở lại đây, tại nhiều khu vực thuộc Châu Âu, Châu Á và vùng vịnh Caribê, diện tích rừng đã tăng lên đến 20% (theo báo cáo của Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc – UNEP – được xuất bản nhân ngày Môi trường Thế giới mới đây). Tại nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi lên, tốc độ thu hẹp của rừng đang có chiều hướng giảm xuống. Theo ông Achim Steiner - giám đốc UNEP - gần đây diện tích rừng bị mất hàng năm chỉ còn 5 triệu hecta, so với 8 triệu hecta trong những năm 1990. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy, sự tham gia mạnh mẽ hơn của các tổ chức tư nhân trong việc trồng lại rừng, sự đóng góp của các cộng đồng cũng tích cực hơn, bên cạnh sự xuất hiện của « các cơ chế thị trường mới » quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ hệ sinh thái.

Cũng theo báo cáo này, mỗi năm chỉ cần đầu tư thêm 40 tỷ euro, tức là thêm vào 60 tỷ hiện có, tốc độ thu hẹp của rừng sẽ rút xuống chỉ còn một nửa từ nay đến năm 2030. Mà số tiền này chỉ tương đương với 0,034% tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Hàng triệu việc làm mới sẽ được tạo ra và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ hiệu quả hơn, với khoảng 28% lượng khí thải được giảm bớt.

Quản lý rừng : những quan hệ của con người với rừng theo dòng lịch sử

Bên cạnh việc đầu tư tính bằng tiền, làm thế nào để việc quản lý rừng có hiệu quả hơn ? Theo ông Paul Arnoud, giáo sư địa lý học thuộc Đại học Sư phạm ENS Lyon, tự thân rừng – một thực thể đã xuất hiện hàng trăm triệu năm trước sự ra đời của loài người – có khả năng sinh tồn mạnh mẽ bất chấp các biến động địa chất khí hậu hết sức khắc nghiệt. Vấn đề là cần đặt sự sinh trưởng của rừng trong thế tương tác với các hoạt động và nhu cầu của con người :

« Theo quan điểm của các trường phái lâm nghiệp Pháp, được trình bày tại một hội thảo mà tôi có tham dự, theo đó, càng khai thác, rừng càng được bảo vệ tốt hơn. Làm các công việc bảo dưỡng, chọn lọc, nhận thức về rừng là làm lợi cho nó. Tuy nhiên, như người đồng nghiệp của tôi - Louis Marrou - nhận xét, rừng đã tồn tại trước con người hàng trăm triệu năm. Nếu chúng ta muốn có một khu rừng được dùng làm tài nguyên mang lại lợi ích cho con người, thì cần quản lý tốt, suy nghĩ chín chắn về nó, các tác động môi trường và xã hội con người của việc quản lý rừng, cùng với những vấn đề liên quan đến biểu tượng, trí tưởng tượng nữa. Tuy nhiên, rừng tự chúng có thể tồn tại mà không cần đến chúng ta. »

Một cái nhìn quay ngược dòng lịch sử là cần thiết để hiểu được những biến chuyển mà chúng ta đang sống ngày hôm nay. Sau đây là ý kiến của ông Louis Marrou - giáo sư địa lý học trường Đại học La Rochelle :

« Tôi muốn trở lại câu chuyện quan hệ của con người với rừng. Toàn bộ vấn đề là ai bảo quản rừng, ai chăm sóc rừng ? Chúng ta biết, trong một xã hội với 70% dân số sống ở nông thôn, khi các cư dân có mối quan hệ trực tiếp với rừng, với việc khai thác gỗ làm chất đốt hay các sản vật khác, có thể tưởng tượng rằng, họ có một cách quản lý rừng như là đối với một không gian gần gũi. Vào khoảng thế kỷ XIX và trong suốt thế kỷ XX, khi các cư dân, tùy theo từng lục địa và từng điều kiện, bắt đầu trở nên đông đúc hơn và sống tách xa khỏi rừng, chúng ta thấy xuất hiện các đội ngũ những người chuyên làm việc với rừng.

Nghề rừng đã xuất hiện từ lâu, nhưng hiện tượng này chỉ trở nên quan trọng từ hơn một thế kỷ nay, đặc biệt trước hết là tại Châu Âu. Hiện nay, một bộ phận rừng là do những người làm lâm nghiệp quản lý (…), ở một mức độ thấp hơn là do các cư dân sống bên cạnh hoặc tương đối xa khu rừng chăm nom. Trong cuộc sống hàng ngày, khoảng cách của chúng ta với rừng là xa hơn, mặc dầu thỉnh thoảng chúng ta có trở lại thăm rừng ».

Nhà và rừng sú vẹt tại Chacahua, Mehico
Nhà và rừng sú vẹt tại Chacahua, Mehico Wikipedia/Bernardo Bolaños

Cũng theo giáo sư Paul Arnoud (trường Đại học Sư phạm Lyon), rừng không chỉ mang ý nghĩa vật chất, đối tượng khai thác và sử dụng của con người. Các thực vật có một cách thức sinh trưởng khác hẳn so với những mong muốn của con người trong xã hội công nghiệp hối hả, thường đưa con người vào thế buộc phải sống nhanh hơn, gấp hơn. Nhanh lẹ là tiêu chuẩn của đời sống hiện đại, chứa đựng nhiều điều hay, nhưng cũng đầy mặt trái.

« Chúng ta không thể làm tăng tốc quá trình sinh trưởng của rừng. Như vậy cũng cần phải học cách làm quen với tốc độ chậm rãi. Điều này khiến chúng tai phải đặt lại vấn đề về « cái tức thời » (immédiat), về « tính ngay lập tức » (instantanné), về tính biến động. Đây là một trường học để rèn được tính chậm rãi. (…) Ở khắp mọi nơi, có những cái cây hàng trăm tuổi. Mới đây có một triển lãm của một nhà nhiếp ảnh với chủ đề « Cây cổ thụ », với nhiều bức ảnh rất đẹp, đến từ khắp các lục địa, khắp các độ cao, khắp các kiểu rừng. Theo ý tôi, cây cối trên trái đất này không thể nào mất đi được. »

Các xung đột xung quanh cách quản lý và khai thác rừng

Trở lại vấn đề quản lý rừng trong hiện tại, có một thực tế được một số nghiên cứu ghi nhận. Theo Tổ chức quốc tế về rừng nhiệt đới (OIBT), xuất bản đầu tháng 6/2011, hơn 90% rừng nhiệt đới được quản lý rất kém, hoặc không được quản lý gì cả. Báo cáo « Tình trạng quản lý rừng nhiệt đới » của tổ chức này về rừng tại 33 nước, cho biết rừng bị hủy hoại để lấy đất làm nông nghiệp, bãi chăn nuôi gia súc và các hoạt động khác, và bị khai thác một cách kiệt quệ... không kể các thảm họa thiên nhiên, như nạn cháy rừng. Nguyên nhân cơ bản khiến cho việc phá rừng vẫn tiếp tục phát triển, bất chấp các biện pháp ngăn chặn, chủ yếu là việc trồng và bảo vệ rừng không mang lại lợi ích và lợi nhuận bằng việc phá hủy hoặc khai thác triệt để. Cơ chế Giảm phát thải do mất rừng ở các nước đang phát triển (REDD) - vừa được thông qua tại hội nghị Khí hậu tại Cancun (Mêhicô) 2010, vẫn còn là một chủ trương để lại niềm hy vọng nhiều hơn là một điều được áp dụng trong thực tế.

Một số vùng rừng nhiệt đới như rừng Congo được ca ngợi như là nơi rừng được bảo vệ một cách tốt hơn, so với rừng Amazone Nam Mỹ. Tuy nhiên, rừng tại một số các quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực bảo vệ rừng như Gabon, vùng đất nằm trên bờ biển phía Tây của châu Phi, cũng đứng trước nguy cơ bị suy thoái trước việc khai thác không được kiểm soát của các công ty lâm sản. Ông Grégoire Lejonc, phụ trách chương trình Rừng của tổ chức Greenpeace nhận xét :

« Đúng là tại Amazone có hiện tượng phá rừng ở quy mô lớn để làm các bãi chăn gia súc. Còn tại Congo, chúng ta lại có một hiện tượng suy thoái rừng khác. Các khu rừng không bị phá ngay lập tức, không bị phá đi để làm nơi trồng trọt. Đây có thể là hiểm họa trong tương lai, nhưng trong hiện tại thì rừng bị xuống cấp từ bên trong. Một trong các động lực của việc xuống cấp bên trong của rừng là ngành công nghiệp khai thác rừng trên quy mô lớn.

Hiện nay, khoảng 50 triệu hecta rừng (trên tổng số 300 triệu hecta) được đặt vào tay các công ty khai thác. Đây là động lực chính dẫn đến sự suy thoái của rừng, nếu như quá trình này không được kiểm soát. (…) Hiện nay, Gabon là một nước rất phát triển về công nghiệp khai thác rừng. Tại nước này, có rất nhiều công viên quốc gia. Vấn đề là cần phải xem xét kỹ. Bởi vì tại nhiều công viên quốc gia, chính phủ Gabon khóa này hoặc khóa trước đã cấp giấy phép cho các công ty khai thác mỏ. Hiện nay, phải rất chú ý đến khoảng cách giữa lời nói và việc làm. Gabon là một nước phát triển các ngành công nghiệp trên quy mô lớn. Nhiều hoạt động công nghiệp được phát triển trong rừng với quan điểm, nếu tiến hành theo lối phát triển ‘‘bền vững’’ thì sẽ bảo vệ được rừng.

Nhưng cần phải biết rằng, công nghiệp khai thác rừng là một nhân tố chủ yếu khiến rừng bị suy thoái. Nhìn chung, quá trình này là không thể giúp cho việc bảo vệ rừng. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ bảo vệ rừng, nếu cho rằng các ngành công nghiệp khai thác sẽ làm điều này, thì rõ ràng đây là một điều đáng lo ngại ».

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, các quốc gia có rừng sẽ không thể nào phát triển được nền kinh tế của mình, nếu không chấp nhận hiện tượng khai phá rừng. Cụ thể là, dân số tăng trưởng bắt buộc phải có thêm diện tích đất nông nghiệp, sự mở rộng của các đô thị và các cơ sở hạ tầng, giao thông cũng khiến rừng bị thu hẹp lại. Chưa kể trong tương lai gần và trung hạn, gỗ vẫn được cư dân tại nhiều nước đang phát triển sử dụng một cách rộng rãi để làm chất đốt. Ông Gaston Foutou, giám đốc Trung tâm bảo tồn, thuộc Bộ Lâm Nghiệp Congo, từ chối « biến rừng trở thành một khu vực không ai được đụng chạm tới », và nhấn mạnh « rừng cần phải được khai thác một cách hợp lý và bền vững, có lợi cho các cư dân ». Quan niệm của viên chức Bộ Lâm nghiệp Congo được nhiều người chia sẻ, bởi vì ngay cả bảo tồn rừng cũng không thể thực hiện được, nếu không bảo đảm đời sống của các cư dân sinh sống tại khu vực này.

Đưa tang hai người bảo vệ rừng bị sát hại Joao Claudio Ribeiro da Silva và vợ ông Maria do Espirito Santo, tại nghĩa trang Maraba (Brazil), 26/5/2011.
Đưa tang hai người bảo vệ rừng bị sát hại Joao Claudio Ribeiro da Silva và vợ ông Maria do Espirito Santo, tại nghĩa trang Maraba (Brazil), 26/5/2011. REUTERS/Raimundo Pacco

Giáo sư Louis Marrou, trường Đại học La Rochelle, đề nghị một cách nhìn mới về rừng trong tương tác với các hoạt động của các cộng đồng người :

« Gỗ với tư cách là nguyên liệu có thể được sử dụng theo nhiều cách hết sức khác nhau. Để hiểu được việc này, cần phải xác định được vị trí cụ thể của nơi mà bạn muốn nói đến. Nếu chúng ta muốn có được một nhìn nhận chung, để hiểu xem gỗ được dùng làm củi hay được dùng là nguyên liệu để làm giấy, rất khó mà xác định được một con số tổng quát cho từng lục địa một. Một trong các công việc chính của nhà địa lý học là hiểu được sự chuyển biến trong lĩnh vực này. Bởi vì theo tôi hiểu, sự chuyển biến của rừng diễn ra song song song với sự chuyển biến của các hình thức che phủ đất khác và các hình thức sử dụng đất khác.

Chúng ta biết rằng con người có khả năng di chuyển, có khả năng sống cụm lại trong các thành phố, vì vậy không nên nhìn nhận sự biến chuyển của rừng như là một tai họa. Con người chúng ta có khả năng chuyển đổi vị trí cư trú, chính vì thế điều thú vị là hiểu được ý nghĩa của các yếu tố này trong sự đổi thay. »

Hỗ trợ quốc tế đối với các dự án bảo vệ và phát triển rừng theo cơ chế REDD

Trong thời gian gần đây, tại các nước phát triển đã có nhiều thay đổi trên lĩnh vực pháp lý. Châu Âu và Hoa Kỳ đã thông qua các điều luật cấm nhập khẩu gỗ được khai thác bất hợp pháp vào các thị trường kể trên. Những quan điểm về giá trị của rừng, cũng như môi trường tự nhiên đã có rất nhiều thay đổi tại Phương Tây. Châu Âu đang đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển rừng.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, hàng năm tại Châu Âu có thêm gần 1 triệu hecta rừng. Rừng Châu Âu thu hút khoảng 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2008. Mới đây, ngày 15/6, tại Hội nghị Oslo, các nước Châu Âu đã đi đến một thỏa thuận nhằm tăng cường hơn nữa các quy chế bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tại các nước phía Nam, đặc biệt là các nước vùng rừng Congo, châu Phi, việc quản lý, bảo tồn, khai thác và phát triển rừng vẫn còn là một mảnh đất mới mẻ, đầy khó khăn.

Để có thể tiến hành một dự án phát triển theo hướng này, số vốn đầu tư ban đầu là không nhỏ. Ông Clément Chenost, giám đốc phát triển của tổ chức ONF International, cho biết ý kiến về vấn đề này :

« Khả năng nhận được tín dụng cho một dự án đòi hỏi phải tiến hành một thủ tục hết sức phức tạp. Cần phải lập một hồ sơ, xác định các biện pháp và sau đó hồ sơ phải được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền như văn phòng Veritas, hay các cơ sở tương tự. Việc xây dựng một hồ sơ có khả năng được thẩm định như vậy đòi hỏi nhiều đầu tư, có thể ước tính đến hàng trăm nghìn euro. Phải có từ 200 đến 300 nghìn euro mới có hy vọng nhận được tín dụng cácbon. Chính vì vậy, điều rất quan trọng cần biết rằng phải là một dự án đủ lớn thì mới có thể làm chuyện này. Theo chúng tôi, tối thiểu phải là một dự án trồng rừng từ 500 hecta trở lên mới hy vọng thành công, bởi có rất nhiều chi phí cho hồ sơ ».

Cũng cần phải khẳng định một số dự án đã được thực hiện với sự hỗ trợ của chương trình Cascade thuộc Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, hoạt động từ năm 2007. Bà Françoise d’Estais, phụ trách chương trình này, cho biết ý kiến :

« Mối quan tâm và sứ mạng của chương trình Cascade là chọn lọc và trợ giúp các dự án trong việc chuẩn bị hồ sơ. Các dự án được chọn là những dự án có thể được dùng làm mô hình cho chính khu vực đó, hoặc các khu vực khác có môi trường khí hậu tương tự, thường là các nước láng giềng. Như vậy, các hoạt động tiếp theo có thể tận dụng được những kinh nghiệm từ dự án trước. Thực sự mà nói, chuẩn bị dự án là một công việc rất nặng nề, các đòi hỏi thẩm định cũng rất nghiêm ngặt, tuy nhiên, cũng có một số tính toán, tài liệu mà các dự án làm sau có thể tiếp thu lại từ các dự án đi trước ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.