Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Beatles và giai thoại nhạc phẩm And I Love Her

Đăng ngày:

Trong số các ca khúc rất nổi tiếng của ban nhạc The Beatles, bản nhạc And I Love Her (Và tôi yêu nàng) được xem như là tình khúc quan trọng đầu tiên của Paul McCartney, cho dù theo quyết định chung, tất cả các sáng tác của nhóm Tứ Quái đều được ký tên của hai thành viên Lennon và McCartney. Đằng sau bài hát này, lại có nhiều giai thoại lý thú, ly kỳ.

Hàng người tại Luân Đôn chờ mua các albums của ban nhạc Beatles.
Hàng người tại Luân Đôn chờ mua các albums của ban nhạc Beatles. © Reuters/Kieran Doherty
Quảng cáo

Nhạc phẩm And I Love Her (Và tôi yêu nàng) được nhóm Beatles ghi âm tháng 7 năm 1964. Theo lời John Lennon, thì đây là phần đóng góp hàng đầu của Paul McCartney cho tập nhạc thứ ba của nhóm (mang tựa đề A Hard Day’s Night). Lúc đầu, cả nhóm không dự tính đưa dạo khúc này vào album vì bản nhạc có một sắc thái trầm buồn, ca từ hơi ủy mị khác hẳn với những bản nhạc rock mà nhóm này thường thâu.

Trong quyển sách mang tựa đề Many Years From Now (tạm dịch là Nhiều năm về trước), nhà phê bình Barry Miles cho biết là Paul McCartney viết nhạc phẩm And I Love Her (Và tôi yêu nàng) cho người yêu của anh vào thời đó là cô Jane Archer. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả người Anh, Jane Archer nổi tiếng là một diễn viên điện ảnh và truyền hình, thân phụ là bác sĩ còn thân mẫu là bà Margaret Archer, giáo sư dương cầm tại trường đào tạo âm nhạc và diễn xuất Guildhall (Guildhall School of Music and Drama). Mẹ của Jane sẽ dạy thêm nhạc lý cho Paul McCartney, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến lối sáng tác sau này của anh. Khi viết tình khúc sâu lắng nhẹ nhàng, McCartney thường chọn điệu thứ trầm buồn tơ vương trong khi Lennon lại tươi tắn yêu đời hơn khi thiên về điệu trưởng.

Jane Archer và Paul McCartney quen nhau trong vòng 8 năm. Hai người sống chung một thời gian với gia đình của cô gái. Phải nói là bố mẹ của Jane thuộc vào hàng trí thức có tư tưởng tự do, phóng khoáng. Vì vào đầu những năm 1960, ít có bậc phụ huynh nào để cho con gái của mình rủ bạn trai về nhà sống chung, và nhất là Jane lúc đó chỉ mới có 17 tuổi mà thôi. Giữa đôi uyên ương Jane và Paul là một mối tình đầu đời say đắm, tha thiết. Hai người lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, không chịu xa rời dù chỉ là phút giây. Đối với Paul McCartney, Jane Archer tựa như là một nàng thơ, một nguồn cảm hứng dồi dào vì anh đã viết cho nàng khá nhiều ca khúc trong đó có bài I want to hold your hand (Muốn cầm tay em) và Can’t buy me Love (Tình không mua được).

Vào thời ấy, ban nhạc The Beatles đang ở trong giai đoạn chinh phục thị trường quốc tế, sau khi nổi danh tại Anh Quốc. Nhóm này bị sự cạnh tranh của các ban nhạc khác cùng thời là Rolling Stones và The Byrds. Tuy hát nhạc rock, nhưng về phong cách, nhóm Tứ Quái The Beatles muốn nhắm vào cùng lúc vào nhiều đối tượng khác nhau. Có lẽ cũng vì vậy mà ban nhạc này ngoài việc ghi âm các ca khúc thuần chất nhạc rock (chẳng hạn như Long Tall Sally hay Matchbox), còn đưa thêm nhiều ca khúc phổ thông hơn (Besame Mucho) vào các buổi trình diễn của họ. Do đó mới có cuộc tranh luận xung quanh Rolling Stones và The Beatles. Giới yêu chuộng nhóm Rolling Stones cho rằng nhạc rock cuả Beatles thường chỉ dành cho con gái.

Ngay cả trong nhóm Beatles, các thành viên khác đôi khi cũng trêu ghẹo, châm chọc tính chất lãng mạn và tha thiết quá đỗi trong sáng tác của Paul McCartney. Họ cho rằng vì Paul đang si tình nên đâm ra khờ khạo. Mà qủa thật là khi nhìn vào ca từ của bài And I Love Her (Và tôi yêu nàng), có thể nói là nội dung bài hát hết sức mộc mạc, lời lẽ có chỗ rất ngây ngô. Nhưng đổi lại bài hát này là ca khúc đầu tiên giúp cho Beatles chinh phục Hoa Kỳ, mở đường cho ban nhạc giành ngôi vị quán quân trên thị trường quốc tế, và tạo ra phong trào Beatlemania.

Trong quyển sách mang tựa đề All We Are Saying, nhà báo David Sheff dẫn lời John Lennon cho biết : nếu không có nhạc phẩm And I Love Her (Và tôi yêu nàng), thì ban nhạc Beatles khó thể nào mà thực hiện được ước mơ vươn ra biển lớn. John Lennon gọi bài And I Love Her (Và tôi yêu nàng) là tiền bản của nhạc phẩm Yesterday (Ngày hôm qua), hàm ý rằng nhờ vào sự thành công của bài hát này mà Paul McCartney tự tin hơn khi sáng tác và ghi âm một mình (sau này, đó cũng là một trong những mầm mống gây chia rẻ, dẫn đến sự tan rả của nhóm).

Bản nhạc And I Love Her (Và tôi yêu nàng) đặt nền tảng sáng tác cho Paul McCartney, sở trường của anh là soạn thêm tình khúc bên cạnh các bản nhạc rock của nhóm. Bài hát này đã đi nửa vòng trái đất, được chuyển dịch sang 12 thứ tiếng. Nhưng quan trọng hơn nữa là tính chất xuyên thể loại (crossover) của ca khúc này. Bản nhạc được chuyển thể, phá cách theo các loại nhạc khác mà vẫn không mất đi cái hồn cái cốt của nó.

Từ những năm 1970 trở đi, hàng lọat phiên bản của bài I Love Her (Và tôi yêu nàng) lần lượt ra đời. Danh ca Sarah Vaughan và Dian Krall hát bài này theo điệu jazz, các ca sĩ của hãng Tamla Motown như Bobby Woomack, Smokey Robinson của nhóm Miracles hay là ban nhạc The Temptations đều chuyển thể theo điệu soul. Bất ngờ hơn nữa là trong tiếng Tây Ban Nha, ca khúc Và tôi yêu nàng trở thành một vũ điệu salsa, kinh điển đến nổi người La tinh không tin rằng nguyên tác bài hát lại là một ca khúc của nhóm The Beatles.

Trong nguyên bản, bài được sáng tác ban đầu dưới tựa Vì tôi yêu nàng (‘Cause I Love Her) sau đó mới được đổi thành Và tôi yêu nàng. Đối với các nhà phê bình, sửa đổi như vậy cũng là đúng bởi lẽ tình yêu mà có thể giải thích bằng lý trí thì không còn thật sự là tình yêu. Bởi vì trái tim có những lý do mà trí óc không thể nào hiểu nổi. Đâu đó, chữ Và quan trọng hơn là chữ Vì, nó thể hiện cho sự hiển nhiên, nói theo người Pháp là ngay cả người mù cũng có thể thấy được điều đó.

Trên đà thành công của nhạc phẩm Và tôi yêu nàng, Paul McCartney bắt tay vào việc sáng tác ca khúc để đời Yesterday. Cho dù ca khúc được ký với nhiều tên tác giả, nhưng Yesterday thật ra là một sáng tác riêng của Paul McCartney. Anh ghi âm bài này với một dàn nhạc tứ tấu, chứ không hề có sự tham gia của ba thành viên còn lại. Yesterday sau đó lọt vào danh sách 100 ca khúc hay nhất mọi thời đại, được ghi vào Sách kỷ lục Guinness với hơn 3 ngàn phiên bản đủ loại, tính cho đến cuối thế kỷ 20. Nhưng đó đã là một câu chuyện khác. (phải không các bạn).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.