Vào nội dung chính
KINH TẾ CHÂU ÂU

Khủng hoảng nợ công lan rộng đe dọa cả châu Âu

Sau Ailen, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, giờ lại đến lượt nước Ý đang rơi vào tâm điểm của vòng xoáy nợ công. Cuộc khủng hoảng nợ nần đang có nguy cơ lan tràn, đe dọa gây tan rã khu vực sử dụng đồng euro. Tựa lớn của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay không khỏi khiến người đọc hoang mang trước những biến động trên thị trường tài chính châu Âu trong những ngày này.

Chủ tịch Ngân hàng Châu Âu Jean-Claude Trichet, trả lời câu hỏi của báo giới, Frankfurt, 9/7//2011
Chủ tịch Ngân hàng Châu Âu Jean-Claude Trichet, trả lời câu hỏi của báo giới, Frankfurt, 9/7//2011 REUTERS/Moritz Erbs
Quảng cáo

« Lây lan » là từ xuất hiện với tần số nhiều nhất trong các bài báo hôm nay. Tờ báo kinh tế Les Echos đánh giá những diễn biến trên thị trường tài chính khu vực đồng châu Âu như là một « mớ bòng bong » khó thoát. Hôm qua các bộ trưởng tài chính châu Âu vẫn đang cố gắng tìm lối thoát cho Hy Lạp tránh khỏi bị phá sản và hơn thế nữa là để tránh cho căn bệnh nan giải nợ công không bị lây ra khắp khu vực đồng euro. Nhưng đến lúc này các chuyên gia kinh tế cũng như dư luận báo chí đã bắt đầu nói đến nguy cơ hiển hiện, cuộc khủng hoảng nợ lan tràn sang Ý và Tây Ban Nha, trong khi mà các chủ nợ chính của các con nợ lớn này là các ngân hàng Pháp, Đức. Nếu các nước trên vỡ nợ thì hiển nhiên sẽ kéo theo các chủ nợ đi theo.

Le Figaro chạy tựa lớn : « Châu Âu : Cuộc khủng hoảng nợ đang làm hoảng loạn các thị trường tài chính ». Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen vẫn còn đang lao đao chống chọi lại cơn bão nợ nần, thì sắp tới sẽ lại có thêm Ý và Tây Ban Nha cũng sắp trở thành những con nợ có nguy cơ phá sản. Le Figaro nhận định « như căn bệnh ung thư, cuộc khủng hoảng nợ đang gặm nhấm dần dần châu Âu bằng cách lây lan » từ nước này sang nước khác.

Chia sẻ mối lo ngại này, nhật báo Libération ví cuộc khủng hoảng nợ hiện nay như là một « vụ hỏa hoạn đang lan khắp khu vực dùng đồng euro ». Theo tờ báo thì « sau Hy Lạp, Ý cũng không còn giữ được lòng tin của các nhà đầu tư. Nguy cơ đe dọa chính đó là sự tan rã của đồng tiền chung châu Âu ».

Theo Libération, giờ đây « trong giới ngoại giao cũng như tài chính không ai còn có thể đùa được nữa ». Libération nhắc lại, hôm qua, chỉ trong vòng có vài giờ, các nhà đầu tư đã bán tháo ồ ạt các trái phiếu của những nước châu Âu đang nằm trong vòng xoáy của cơn lốc nợ công. Hệ lụy kéo theo đó là hàng loạt các thị trường chứng khoán ở châu Âu lao dốc thê thảm trong đó chủ yếu là các cổ phiếu của các ngân hàng.

Cả khu vực dùng đồng euro sẽ phải lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để tìm biện pháp cứu các con nợ và cũng là cứu cho cả khu vực. Hôm qua, khối này đã nhất trí về mặt nguyên tắc tăng mức quỹ cứu trợ khẩn cấp lên 500 tỷ euro. Libération cho biết, ý thức được vai trò đầu tầu của mình, cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Thủ tướng Đức hôm qua điện thoại cho Thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi yêu cầu chính phủ Ý làm áp lực với Quốc hội để mau chóng thông qua kế hoạch khắc khổ. Bên cạnh đó, bà Angela Markel cũng gây sức ép với các đối tác châu Âu để khẩn cấp tìm một lối thoát đưa Hy Lạp ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ và cũng là để tránh cho cả châu Âu không bị lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Pháp sẽ mở văn phòng hợp tác tại Bắc Triều Tiên

Trong lúc mà các nước Phương Tây đang lo ngại không ít trước việc chế độ Bình Nhưỡng liên tục đưa ra đe dọa tấn công Hàn Quốc và các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang bế tắc hoàn toàn thì việc Pháp cho mở một văn phòng hợp tác tại thủ đô của chế độ khiến người ta phải đặt câu hỏi liệu có phải Pháp đang muốn mở lại đối thoại với Bắc Triều Tiên.

Theo Le Monde thì vụ trưởng vụ Á châu của Bộ Ngoại giao Pháp Olivier Vaysset sẽ lãnh đạo văn phòng này tại Bình Nhưỡng vào tháng Chín tới. Hôm nay ông Vaysset tới Bình Nhưỡng để đưa đề nghị trên của nước Pháp với chính quyền Bắc Triều Tiên.

Việc mở văn phòng hợp tác như vậy không có nghĩa là Pháp có quan hệ ngoại giao với chế độ khép kín và bị cô lập nhất thế giới này. Tuy là một văn phòng có nhiệm vụ chủ yếu chỉ là là thúc đẩy hợp tác văn hóa và ngôn ngữ nhưng dù gì thì Pháp cũng tạo được một đầu mối liên lạc ngoại giao.

Le Monde nhận định, không phải ngẫu nhiên mà Pháp cử một nhà ngoại giao làm đại diện văn phòng tại Bình Nhưỡng trong khi mà tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn liên tục căng thẳng. Cộng đồng quốc tế vẫn luôn cảnh giác cao độ với những động thái hiếu chiến của chế độ Bắc Triều Tiên.

Theo Le Monde thì có vẻ như là nước Pháp vẫn muốn chơi khác người. Hồi tháng 11 năm 2009, tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đã trao nhiệm vụ cho cựu bộ trưởng thuộc đảng Xã hội, Jack Lang đi Bắc Triều Tiên để thăm dò khả năng đối thoại với chế độ này. Trở về sau chuyến đi này, ông Jack Lang đã khuyến nghị chính phủ nên mở một văn phòng hợp tác tại Bình Nhưỡng. Quyết định này đến nay mới được thực hiện bởi Pháp còn nghe ngóng phản ứng. Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại của mình và đề nghị Paris giải thích. Bên trong nước cũng không ít tiếng nói phản đối việc cử một nhà ngoại giao đến Bình Nhưỡng và cho rằng thời điểm để mở một văn phòng như vậy là còn quá sớm. Nhưng ở bộ Ngoại giao Pháp, nhiều ý kiến lại cho rằng càn phải nắm bắt tiến triển tình hình của một chế độ không hẳn khép kín hòan toàn với thế giới bên ngoài.

Malaysia : Biểu tình đòi cải tổ dân chủ

Vẫn liên quan đến châu Á, báo Le Monde trở lại với sự kiện cuộc biểu tình hôm mùng 9 tháng sáu vừa rồi của phe đối lập tại Malaysia đòi cải cách phương thức bầu cử.

Thông tín viên của Le Monde trong khu vực cho rằng, Malaysia là một nước dân chủ hình thức. Hàng chục nghìn người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa tại thủ đô Kuala Lumpur hôm thứ bảy 9/7 vừa rồi đều biết rằng cuộc tập họp của họ bị cấm và thế nào rồi cảnh sát cũng đàn áp. Đúng như vậy, những người biểu tình đòi cải cách thể lệ bầu cử cho minh bạch hơn đã bị đàn áp một cách thô bạo. Họ đã bị cảnh sát dùng dùi cui, hơi cay giải tán. Một nghin sáu trăm người trong đó có cả các nghị sĩ đã bị bắt giữ.

Cuộc biểu tình hôm thứ bảy vừa qua được tổ chức theo sáng kiến của Bersih, tiếng Mã Lai có nghĩ là «sạch». Đây là một tập hợp gồm 66 tổ chức xã hội dân sự khác nhau ở Malaysia.

Theo bà Sophie Lumière, nhà nghiên cứu Viện nghiên Đông Nam Á, người đã chứng kiến cuộc biểu tình hôm thứ 7 thì «sự kiện này mang tính biểu tượng mạnh cho sự phủ nhận đối với đường lối của Thủ tướng Malaysia Najib Razak ».

Theop tác giả bài báo thì hành động đàn áp của cảnh sát đối với một cuộc tập hợp ôn hòa như vậy sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên hình ảnh của đất nước Malaysia, trong khi mà chính quyền cũng đang bắt đầu lo ngại các cuộc cách mạng ở thế giới Ả Rập có thể lan tới Malaysia, một đất nước đa số dân theo Hồi giáo.

Qua sự kiện này, tác giả bài báo nhận thấy là một số tiến bộ trong dân chủ hóa hệ thống chính trị xã hội và sự nới lỏng phần nào về nhân quyền được thực hiện ở Malaysia trong những năm gần đây, nay đang bắt đầu phát huy hiệu quả.

Nato vẫn sa lầy tại Libya

Chuyển sang thời sự quốc tế khác, chủ đề được các báo Pháp chu ý nhiều hôm nay vẫn là tình hình tại Libya, nơi đang có những biến động có liên quan đến nước Pháp và nhất là hôm nay Quốc hội Pháp sẽ thông qua việc triển hạn họat động quân sự của Pháp trong cuộc chiến tại Libya.

Như vậy là đã gần 5 tháng nổ ra cuộc cách mạng tại Libya, bốn tháng kể từ khi liên quân quốc tế do Pháp khởi xướng can thiệp vào Libya, tình hình tại chỗ vẫn nhùng nhằng chưa thể chấm dứt và có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Các đòn đánh không kích của phương Tây đã cứu nguy cho quân nổi dậy nhưng lại không giúp cho họ mở rộng vùng kiểm soát là bao nhiêu. Quân chính phủ thì không còn khả năng lấy lại vùng đất đã mất nhưng họ vẫn tiếp tục bám trụ ở những phần đất còn lại. Các cuộc không kích của Nato đến giờ vẫn chưa lật đổ được chế độ Kadhafi. Thực tế này được Libération đúc kết bằng hàng tựa « Cơn hấp hối bất tận của chế độ Kadhafi ». Xã luận của tờ báo viết : «Tuớng Mỹ Colin Powell, tác giả của một học thuyết quân sự giải thích rằng, để biện minh được thì một cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài phải nêu ra được « chiến lược thoát ra khỏi cuộc chiến » và « những mục tiêu có thể đạt tới ». Đây là điều mà cuộc viễn chinh của Nato tại Libya hiện nay không làm được. Pháp, nước đi đầu trong cuộc can thiệp quân sự của Phương Tây, đang sa lầy vào một cuộc xung đột dài hơn dự tính rất nhiều ».

Tại Guiné, vụ án DSK gây chia rẽ sắc tộc

Vụ án DSK vẫn là đề tài được các báo Pháp theo dõi thường xuyên. Một diễn biến mới trong vụ án DSK, phiên tòa xét xử cựu tổng giám đốc FMI Dominique Strauss-Kahn dự tính mở vào ngày 18 tháng 7 này sẽ hoãn sang ngày 1 tháng 8. Báo Le Monde hôm nay đưa độc giả về thăm « nhà của Nafissatou Diallo » tại Guiné.

Tác giả bài báo đưa chúng ta đến ngôi làng nhỏ có tên gọi Tchakulé, vùng đất của người dân tộc Peul, nơi sinh ra của người nữ hầu phòng Nafissatou Diallo, người đã kiện ông Dominique Strauss-Kahn định cuỡng hiếp cô ở khách sạn Sofitel New York. Theo Le Monde vụ việc đã gây ra một bi kịch khác cho gia đình cô ở quê hương vì những căng thẳng về sắc tộc. Cô Nafissatou là người dân tộc Peul, vì thế những người Guiné có nguồn gốc từ dân tộc này thì cho rằng cô là nạn nhân còn những người thuộc sắc tộc Malinké thì lại cho cô là kẻ dối trá. Một nhà báo ở địa phương đã thổ lộ rằng « vụ án là một giọt nước làm tràn ly nước tranh chấp sắc tộc vốn đã đầy sẵn ». Nhưng cũng theo lời một bác sĩ của một bệnh viện danh cho các nạn nhân bị hãm hiếp thì cô là biểu tượng cho cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ vì đã dám công khai nói lên sự bất hạnh của mình, không chịu ràng buộc bởi những tập tục khắt khe của người Peul. Theo ông những người phụ nữ Guinéa và châu Phi sẽ đứng bên cạnh cô.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.