Vào nội dung chính
HOA KỲ - KINH TẾ

Các cơ quan thẩm định tài chính nối tiếp nhau đe dọa hạ điểm Hoa Kỳ

Sau Moody’s, đến lượt hãng Standard & Poor’s vào hôm qua 14/07/2011, đã đe doạ hạ thấp điểm tín nhiệm đối với Hoa Kỳ, nếu Lập pháp và Hành pháp Mỹ không đạt được thỏa thuận để nâng trần nợ công của Liên bang.

Khách bộ hành đi ngang qua The National Debt Clock - đồng hồ cho biết số nợ quốc gia của Hoa Kỳ, trên một bức tường ở Midtown Manhattan, New York. Ảnh chụp ngày 13/7/11.
Khách bộ hành đi ngang qua The National Debt Clock - đồng hồ cho biết số nợ quốc gia của Hoa Kỳ, trên một bức tường ở Midtown Manhattan, New York. Ảnh chụp ngày 13/7/11. Reuters
Quảng cáo

Trong bản thông cáo, cơ quan thẩm định tài chính này lên tiếng cảnh cáo : Căn cứ vào vào tình hình tranh luận gay go hiện nay, có 50% khả năng là Standard & Poor’s sẽ hạ thấp điểm về năng lực trả nợ dài hạn của Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày tới đây.

Không những thế, cơ quan thẩm định trên còn làm tình hình căng thẳng thêm khi xác định rằng : Cho dù Lập pháp và Hành pháp Mỹ có đạt được thỏa thuận về mức nợ chăng nữa, thì họ cũng vẫn sẽ hạ thấp điểm của Hoa Kỳ nếu hai bên không có thoả thuận nghiêm túc giảm nợ về dài hạn.

Bản thông cáo của S & P còn nói rõ thêm là họ đặt điểm của Hoa Kỳ trong vòng giám sát. Hiện tại, điểm dài hạn của Hoa Kỳ vẫn được duy trì ở mức rất cao là AAA, nhưng có khả năng bị giáng xuống hạng « triển vọng tiêu cực ». Riêng điểm về nợ ngắn hạn vẫn được giữ ở mức A-1+ (A trừ một cộng).

Ngay từ thứ Tư, 13/7, Moody’s, một công ty thẩm định tài chánh quốc tế uy tín khác đã đặt điểm của Hoa Kỳ trong vòng giám sát vì lo ngại rằng mức trần nợ công của Mỹ sẽ không được nâng lên kịp thời là khiến cho nước này không thể trả lãi cho các công khố phiếu của mình.

Về các cuộc thương lượng với các dân biểu, sau cuộc họp lần thứ 5 không kết quả, Tổng thống Obama hôm qua đã quyết định không họp tiếp vào hôm nay, trái với kế hoạch mà ông từng loan báo là sẽ họp mỗi ngày cho đến khi nào có kết quả.

Cuộc gặp gỡ được dời qua thứ Bảy, để các nghị sĩ thảo luận thêm trong nội bộ nhằm đưa ra được một "kế hoạch hành động" tháo gỡ được bế tắc hiện nay. Theo ông Obama, "đã đến lúc phải quyết định và cần có một kế hoạch cụ thể để tiến tới". Thay vào cuộc họp với các dân biểu, Tổng thống Mỹ đã dự trù một cuộc họp báo vào lúc 15 giờ, giờ quốc tế hôm nay, tức là 11giờ, giờ Washington.

Xin nhắc lại nếu thỏa thuận không đạt được giữa Quốc hội và Nhà Trắng, thì vào ngày mùng 2/8 tới đây Hoa Kỳ sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ kỹ thuật. Ngân khố Mỹ cho biết là trong trường hợp đó, họ sẽ phải đưa ra lập một kế hoạch ưu tiên trong việc trả nợ.

Trước viễn cảnh đó, Trung Quốc, nước đang nắm giữ cả nghìn (1.000) tỷ đô la nợ công của Mỹ, đã hy vọng là Washington sẽ có một chính sách bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney, đã lên tiếng trấn an là dù tình hình diễn tiến như thế nào chăng nữa, thì Hoa Kỳ sẽ không bao giờ lâm vào thế không tiền trả nợ.

Riêng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ Ben Bernanke, phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện hôm qua, đã lên tiếng thúc giục các nghị sĩ lắng nghe thông điệp của các cơ quan thẩm định tài chính, không nên "tự bắn vào chân mình" khi bịt tai trước những lời đe dọa của họ. Theo ông, sự tín nhiệm của thế giới rất quan trọng.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.