Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU ÂU

Hoa Kỳ muốn rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Châu Âu

Washington đang thảo luận với NATO để rút khỏi Châu Âu các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Mỹ. Đây là số vũ khí đã được triển khai trong thời chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ một mặt muốn thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa thế giới, một mặt khác cũng muốn giảm chi phí quốc phòng. 

Một hỏa tiễn Polaris được bắn đi từ tiềm thủy đỉnh nguyên tử của Hải quân Hoa Kỳ.
Một hỏa tiễn Polaris được bắn đi từ tiềm thủy đỉnh nguyên tử của Hải quân Hoa Kỳ. Nguồn: wikipedia
Quảng cáo

Tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbun vừa tiết lộ tin trên vào hôm nay, 15/07/2011. Trích lời một viên chức cao cấp Mỹ đặc trách giải trừ vũ khí hạt nhân, tờ báo nói rõ là những cuộc thảo luận sâu hơn sẽ bắt đầu trong những tháng tới đây, để có thể kết thúc trước cuộc họp thượng đỉnh NATO vào tháng Năm 2012 tại Chicago.

Tờ Asahi nhắc lại rằng sau khi hiệp định giảm trừ vũ khí Mỹ Nga START phê chuẩn, Tổng thống Mỹ Obama muốn thương lượng tiếp với Nga về việc giảm bớt vũ khí chiến thuật và kho đầu đạn hạt nhân.

Tin tặc: Mỹ chủ trương tấn công thay vì phòng thủ

Cũng trong lãnh vực an ninh, quốc phòng, Lầu Năm Góc vào hôm qua đã tiết lộ chiến lược đối phó với tin tặc. Ngoài việc tăng cường bảo vệ hệ thống tin học, Bộ Quốc phòng Mỹ còn chủ trương sử dụng biện pháp răn đe.

Chiến lược mới mà Thứ trưởng Quốc phòng William Lynn giới thiệu hôm qua xem không gian tin học là một địa bàn hoạt động không khác gì biển khơi, không phận hay không gian. Trên cơ sở đó, chiến lược cần áp dụng trong không gian tin học không chỉ tập trung trên việc lập tường lửa để tự bảo vệ, mà còn phải răn đe để cho các đối thủ thấy là không nên mạo hiểm tấn công.

Theo tướng James Cartwright, Phó tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, một phương thức đối phó hoàn toàn phòng thủ, không cho phép đưa ra một chiến lược hữu hiệu. Cho đến giờ, 90% sức lực đều tập trung vào việc phòng vệ, vào việc xây dựng những bức tường lửa kế tiếp nhau, và chỉ có 10% là dồn vào các phương tiện răn đe để không bị tấn công. Theo ông, hai diện vừa kể cần phải được cân bằng lại.

Tướng Cartwright nêu ví dụ là cứ mỗi lần tin tặc chi vài trăm đô la, tạo ra một con virút tấn công, thì Mỹ lại phải tốn hàng triệu đô la để phòng thủ. Chiến lược này do đó phải thay đổi.

Theo báo Washington Post, chiến lược tiến công thay vì chỉ phòng thủ, sẽ dẫn đến việc nghiên cứu virút tấn công vào các hệ thống tin học của kẻ địch, tương tự như chương trình Stuxnet để chống lại chương trình hạt nhân Iran.

Ngoài ra, nếu tướng Cartwright khẳng định là một cuộc tấn công tin học sẽ không dẫn đến một cuộc trả đũa quân sự, thì Thứ trưởng Quốc phòng William Lynn không loại trừ khả năng đó : Hoa Kỳ dành cho mình quyền phản công bằng biện pháp quân sự thích ứng với các cuộc tấn công tin học này.

Chiến lược mới công bố còn dự trù công cuộc hợp tác giữa Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ với lãnh vực tư nhân và các quốc gia đồng minh để bảo vệ những thông tin nhậy cảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.