Vào nội dung chính
NA UY - LIBYA

Na Uy rút khỏi chiến dịch quân sự tại Libya

Là một trong 8 quốc gia NATO tham gia chiến dịch oanh kích Libya, Na Uy chính thức kết thúc "nhiệm vụ" vào ngày thứ hai, 01/08/2011. Trên nguyên tắc, 4 chiến đấu cơ F-16 của không quân Na Uy thực hiện những phi vụ cuối cùng vào hôm nay.

Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg
Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg REUTERS
Quảng cáo

Theo giải thích của Oslo, họ không thể tiếp tục lâu hơn nữa một nhiệm vụ nặng nề, tức là tốn kém, như thế.

Mỗi ngày, máy bay NATO thực hiện hàng trăm phi vụ, trong đó một nửa là những chiến dịch oanh kích tại Libya. Trước đây thì Na Uy - cũng như một số quốc gia - nghĩ rằng cuộc can thiệp quân sự vào Libya chỉ kéo dài vài tuần lễ mà thôi, và sẽ nhanh chóng buộc được ông Kadhafi rời bỏ chính quyền. Nhưng kết quả đã khác hẳn dự kiến.

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ mục tiêu, và cố gắng duy trì số lượng phi vụ tại Libya cho dù phương tiện eo hẹp hơn. Lý do là vì không chỉ có Na Uy, mà Ý đã cho triệt thoái hàng không mẫu hạm Garibaldi và trong tuần này đã quyết định giảm hoạt động quân sự nước ngoài.

Riêng Anh Quốc, tuy đóng góp thêm 4 chiếc Tornado để bù vào chỗ trống do Na Uy rút đi, nhưng Luân Đôn cũng đã tuyên bố là lực lượng Anh tại Libya và Afghanistan đã lên gần đến mức tối đa mà Luân Đôn có thể triển khai.

Trưóc tình hinh này, các nước phương Tây đã tìm cách thích nghi, trong chiến thuật cũng thông điệp ngoại giao : Chấp nhận cho Kadhafi ở lại Libya với điều kiện ông nhượng lại tất cả quyền hành. Thế nhưng, phe nổi dậy vẫn tuyên bố hoàn toàn bác bỏ điều trên.

Hôm nay, thứ trưởng Ngoại giao chính quyền Tripoli cho biết là họ đã có tiếp xúc với lãnh đạo phe đối lập, trong Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp NTC. Nội dung không được nêu lên.

Tối qua, ông Kadhafi vẫn cứng giọng tuyên bố là không bỏ giở cuộc chiến đấu. Thông điệp được truyền trên đài truyền hình Tripoli, mặc dù trước đó trụ sở đài truyền thanh truyền hình bị máy bay NATO oanh kích.

Theo AFP, trích dẫn nguồn tin từ Tripoli, có 3 người chết và 15 người bị thương trong cuộc oanh kích nói trên vào hôm qua. 3 người chết là 3 nhà báo. NATO giải thích mục tiêu là muốn bịt miệng ông Kadhafi.

Còn tại Benghazi, thủ phủ quân nổi dậy, một cuộc chạm súng đã diễn ra tối qua với một nhóm vũ trang trung thành với ông Kadhafi, 31 trong nhóm này đã bị bắt, phe nổi dậy có 4 người chết.

Theo phát ngôn viên chính quyền ở Benghazi, cuộc đọ sức đã kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Vụ xung đột này diễn ra sau khi viên tướng đi theo phe nổi dậy, Abdel Fatah Yunis bị ám sát một cách mờ ám.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.