Vào nội dung chính
SERBIA - KOSOVO

Serbia cảnh cáo Kosovo không nên dùng vũ lực và kêu gọi đối thoại

Tối thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật 31/7, Nghị viện Serbia đã thông qua một tuyên bố lên án chính quyền Kosovo đã sử dụng vũ lực để cấm vận thương mại các sản phẩm của Serbia, và kêu gọi đối thoại để tránh căng thẳng.

Lực lượng Liên Hiệp Quốc KFOR canh giữ con đường gần vùng biên giới Serbia và Kosovo, 30/07/2011
Lực lượng Liên Hiệp Quốc KFOR canh giữ con đường gần vùng biên giới Serbia và Kosovo, 30/07/2011 REUTERS
Quảng cáo

Bản tuyên bố đưa ra trong phiên họp bất thường do chính phủ Serbia yêu cầu, đã kết tội chính quyền Pristina là đã «cố gắng thay đổi tình hình tại chỗ bằng cách dùng đến vũ lực». Nghị viện Serbia cũng kêu gọi chính phủ «bảo vệ lợi ích của Serbia và người dân ở Kosovo cho đến khi tìm được một giải pháp», và giải pháp này phải «bằng con đường thương lượng giữa Belgrade và Pristina».

Tình hình căng thẳng hiện nay bắt đầu từ hôm thứ Hai, sau quyết định của chính quyền Pristina triển khai các đơn vị cảnh sát đặc biệt tại hai trạm kiểm soát biên giới ở miền bắc Kosovo. Động thái này nhằm bố trí các nhân viên hải quan và cảnh sát tại vùng biên, để kiểm tra việc áp dụng lệnh cấm vận thương mại các sản phẩm của Serbia, được ban hành kể từ ngày 20/07.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Kosovo muốn chứng tỏ quyết tâm siết chặt kiểm soát vùng này kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 2008, khiến cho người dân gốc Serbia tại Kosovo bất bình. Dân chúng ở miền bắc Kosovo giáp ranh với miền nam Serbia hầu hết là người gốc Serbia, trong khi người Albania chiếm đa số trên toàn lãnh thổ Kosovo. Chính quyền Serbia chưa bao giờ công nhận độc lập của Kosovo, vốn là một tỉnh tự trị của Serbia từ sau Đệ nhị Thế chiến, và được đặt dưới quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 1999.

Trong các vụ xung đột trước đó, một cảnh sát Kosovo đã bị thiệt mạng và một trong hai đồn kiểm soát ở biên giới đã bị hàng trăm thanh niên phóng hỏa. Lực lượng NATO ở Kosovo (Kfor) hôm thứ Năm đã nắm quyền kiểm soát hai đồn này để ngăn ngừa bạo động gia tăng, và tạm thời cấm qua lại.

Tại cuộc thảo luận kéo dài mười tiếng đồng hồ ở Nghị viện, nhà thương thuyết của Serbia về vấn đề Kosovo, ông Borko Stefanovic, đã khẳng định tình hình là rất «bi kịch», mang tầm cỡ tình trạng khẩn cấp và gần như là một cuộc xung đột vũ trang. Tổng thống Serbia, ông Boris Tadic, đã lên án chính phủ Kosovo muốn «thay đổi cơ cấu dân tộc về lâu về dài» ở miền Bắc Kosovo. Tuy vậy tổng thống Serbia cũng nhấn mạnh là «không muốn tiến hành chiến tranh», vì cuộc chiến Nam Tư cũ đã từng làm cho hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.