Vào nội dung chính
HOA KỲ

Mỹ phải chuyển từ "kiểm soát ngân sách" đến "quân bình ngân sách"

Sau nhiều tháng đấu tranh đến nghẹt thở làm các thị trường tài chính thế giới bị rúng động, Hạ viện Cộng Hoà và Thượng viện Dân Chủ của Hoa Kỳ đã đạt thỏa thuận về ngân sách vào giờ cuối. Mỹ như vậy đã kịp thời quyết định về ngân sách, bên trong có điểm gai góc là cho phép chính quyền liên bang được đi vay, trước khi bị "vỡ nợ" về mặt kỹ thuật.

Chủ tịch Hạ viện J. Boehner lạc quan về thoả thuận giờ cuối (Reuters)
Chủ tịch Hạ viện J. Boehner lạc quan về thoả thuận giờ cuối (Reuters)
Quảng cáo

10:48

Phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Diễn biến tình hình rất dồn dập. Tối 31/072011, Tổng thống Barack Obama đích thân thông báo điều ấy cho báo chí. Chiều 01/08, Hạ viện đã thông qua đạo luật có tên là "Kiểm soát ngân sách" với một tỷ số áp đảo là 269-161. Qua ngày 02/08, đến lượt Thượng viện biểu quyết trước khi chuyển qua cho Tổng thống ban hành trước nửa đêm. 

Không chỉ có dư luận Mỹ mà cả thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi Quốc hội Hoa Kỳ đã đạt thoả thuận về ngân sách và cho phép chính quyền liên bang nâng định mức vay mượn ngay trước khi công quỹ bị cạn tiền và rơi vào hoàn cảnh gọi là "vỡ nợ". 

Là người theo dõi cuộc đọ sức chính trị này từ nhiều tháng nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ đã phân tích rõ hơn về nội dung và hậu quả của thoả thuận nói trên. 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau cuộc biểu quyết của Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà vào ngày Thứ Hai và của Thượng viện trong tay đảng Dân Chủ vào ngày Thứ Ba, Tổng thống Barack Obama sẽ kịp thời ban hành đạo luật gọi là "Kiểm Soát Ngân Sách" trước kỳ hạn để tránh cho nước Mỹ một hoàn cảnh ảo, tức là không thật, là bị "vỡ nợ". 

- Đạo luật "Kiểm Soát Ngân Sách" này là bước một trong bản luân vũ ba nhịp. Bước hai là một đạo luật gọi là "Quân Bình Ngân Sách" sẽ được hai đảng soạn thảo và ký kết trước cuối năm nay. Bước thứ ba là cuộc bầu cử vào tháng 11 năm tới. Tức là ta mới chỉ nhìn thấy một màn thôi. 

- Về nội dung, đạo luật nâng mức vay nợ thêm hai ngàn 100 tỷ Mỹ kim qua ba đợt, và ngay trước mắt thì mua được 18 tháng yên bình cho chính quyền liên bang khỏi phải xin phép Quốc hội nếu có phải đi vay thêm tiền. Và đấy là một thắng lợi cho Tổng thống Obama trước khi ông ra tái tranh cử vào tháng 11 năm tới. Thứ hai, vì muốn nâng mức vay thêm 2.100 tỷ, ngân sách phải giảm chi một ngạch số tương ứng trong 10 năm tới, và đấy là một điều kiện của đảng Cộng Hoà. Nhưng thứ ba, và đây là thắng lợi đáng kể cho đảng này, việc tăng mức đi vay và giảm chi để kiểm soát việc công chi thu lại không có điều khoản tăng thuế, y như đảng này đòi hỏi. 

RFI: Như anh vừa tóm lược thì đảng Cộng Hoà coi như vừa thắng một keo đáng kể, nhưng sao anh còn nói đến đạo luật gọi là "Quân bình ngân sách" sau đạo luật "Kiểm soát ngân sách" sắp được Tổng thống Obama ban hành ? Cái bước luân vũ thứ hai như anh ví von đó là gì ? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hình như ông Otto Bismarck có ví von là người ta làm luật như nhồi lập xưởng, nhiều khi rất bẩn mà mình không nên ngó vào! Thực tế thì Quốc hội Mỹ vừa biểu diễn tài nghệ ấy mà mình vẫn phải ngó vào vì nó vô cùng nhiêu khê rắc rối. 

- Hoa Kỳ hiện bị bội chi ngân sách ở mức kỷ lục và vì bội chi nên mới vay tích lũy đến hơn 14 ngàn tỷ và bây giờ cần cấp thời nâng định mức đi vay. Nhưng chuyện chính là phải giảm bội chi để tiến tới quân bình ngân sách, mà giảm chi 2.100 tỷ như vừa quyết định thì chưa đủ. 

- Vì vậy, thoả thuận tuần qua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ còn tiến xa hơn, đó là đưa ra một tu chính án là Quân Bình Ngân Sách. Một ủy ban hỗn hợp giữa hai đảng gồm 12 đại biểu theo tỷ lệ 6-6, gọi là Ủy ban Quân Bình Ngân Sách, sẽ nghiên cứu và đề nghị Tu chính án này cho Quốc hội biểu quyết trong thời hạn từ đầu Tháng 10 đến cuối Tháng 12. Đó là đạo luật "Quân Bình Ngân Sách" mà tiêu chí là giảm thêm mức bội chi khoảng 1.500 tỷ nữa trong 10 năm tới, ngoài 2.100 tỷ đã được biểu quyết. 

- Như vậy, ta còn phải theo xem Ủy ban Quân bình Ngân sách gồm những ai, sẽ nghiên cứu và tranh luận thế nào để nội trong hai tháng tới đề nghị giảm chi thêm 1.500 tỷ. Mà đạo luật vừa biểu quyết cho phép Tổng thống Obama có ngay 900 tỷ đi vay qua hai đợt, nhưng sẽ chỉ có thêm 1.200 tỷ nữa trong định mức đi vay 2.100 tỷ nếu đạo luật "Quân Bình Ngân Sách" giảm chi thêm ít nhất là 1.200 tỷ trong tiêu chí 1.500 tỷ! Nói cho dễ hiểu thì hai bên gài nhau từng bước khá rắc rối cho đến cuộc tổng tuyển cử năm tới, chứ chưa hẳn là đã hoàn toàn đồng thuận đâu. 

RFI: Thế còn chuyện tăng thuế. Như anh trình bày tuần trước thì nguồn thu thuế khóa của ngân sách Mỹ chưa bằng 15% Tổng sản lượng nội địa trong khi số tổng chi lại lên tới gần 25%, nên Mỹ mới bị bội chi hàng năm khoảng 10% Tổng sản lượng. Nếu các đạo luật này không dự trù tăng thuế mà chỉ giảm chi thôi thì liệu có đạt mục tiêu quân bình ngân sách hay không? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là một phần lý thú khác của trận đánh về công chi thu. 

- Quốc hội Mỹ chỉ có thể tăng thuế trong ba điều kiện là Ủy ban Hỗn hợp này đề nghị, tức là phải có ít nhất một dân biểu hay nghị sĩ Cộng Hoà đồng ý cho tăng thuế với sáu vị đồng việnbên Dân Chủ và nếu Hạ viện rồi Thượng viện biểu quyết chấp thuận đề nghị ấy trước khi đưa qua cho Tổng thống ban hành. Vì vậy mà việc chọn sáu người vào ủy ban hỗn hợp này cũng là một trận đánh nữa! 

- Thứ hai, tiêu chí của Ủy ban Quân bình Nhân sách là giảm mức bội chi thêm 1.500 tỷ không có tính việc tăng thuế khi các đạo luật giảm miễn của các chính quyền Bush và Obama đáo hạn vào năm 2013 này. Vì vậy, muốn giảm bội chi thì ủy ban chỉ có thể tăng thuế khi ban hành một sắc thuế mới, thí dụ như áp dụng một chế độ chiết cựu khác cho phi cơ riêng của các doanh gia tỷ phú chẳng hạn. 

- Nhưng chuyện còn phức tạp hơn trong giả thuyết là Ủy ban hỗn hợp này không đạt đồng thuận về mức giảm chi ít ra là 1.200 tỷ trong tiêu chí 1.500 tỷ thì lập tức sẽ có mức giảm chi tự động, như một cái lò xo sẽ bật ra để cắt thêm một khoản thiếu hụt nữa. Phần giảm chi tự động ấy sẽ phân phối đồng đều cho hai mục là quốc phòng và phi quân sự, gồm cả các khoản chi bắt buộc về xã hội như Medicare, nhưng không được quá 2%. 

RFI: Câu hỏi cuối thưa anh. Nếu vậy thì hình như là đảng Cộng Hoà thắng lớn trong trận này ? hay là tình hình lại còn phức tạp hơn cái thắng lợi biểu kiến ấy ? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Như trong mọi trận đánh, người ta cần so sánh với mục tiêu ban đầu hay ưu tiên thì mới tính được thế nào là thắng hay là bại. 

- Tổng thống Obama đạt thắng lợi vì cởi được cái ách treo lên cổ cho tới ngay dân Mỹ đi bầu là định mức đi vay. Đó là ưu tiên. Ngoài ra, ông còn chứng tỏ thiện chí giảm chi để quân bình ngân sách và nhờ vậy có thể thuyết phục được cử tri ôn hoà. Nhưng ông thất bại khi giờ chót vào ngày Thứ Hai còn nói đến chu cầu tăng thuế mà không đạt kết quả và cũng vì thiện chí giảm chi mà làm phe cực tả trong đảng Dân Chủ thất vọng. 

- Đảng Cộng Hoà thắng lớn khi đề ra nguyên tắc đã trở thành quy luật nếu chưa là luật lệ, đó là giảm chi được bao nhiêu thì được đi vay bấy nhiêu. So với mục tiêu ban đầu là phải giảm chi bốn ngàn tỷ trong 10 năm tới thì vụ cắt 2.100 tỷ này còn ít, nhưng cũng được bù lại là không thế hoặc rất khó tăng thuế. Nhưng có khi đảng này sẽ chuyển thắng thành bại nếu không giải thích được cho rõ việc giảm chi một số chương trình xã hội vì sẽ bị đả kích là bắt dân nghèo hy sinh để bảo vệ quyền lợi của nhà giàu! Và trong cả vụ này phong trào Tea Party thật ra đã thắng, nhưng nếu còn đòi hơn nữa thì sẽ lại chuyển thắng thành bại là điều tôi đoán ra rất dễ xảy ra ! 

- Nhưng thật ra đại bại trong trận này là đảng Dân Chủ, nhất là tại Thượng viện vì trong hai năm qua không thể thông qua một đạo luật về ngân sách và còn để vụ khủng hoảng dây dưa mãi khi biểu quyết chống lại ba, bốn đề nghị của Hạ viện Cộng Hoà. Bây giờ họ đành chấp thuận một giải pháp hai bước cực kỳ rắc rối và chuyển trận đánh vào ủy ban hỗn hợp. Từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu về trận đánh này, và về đấu pháp của đôi bên trước kỳ bầu cử năm tới. 

RFI : Xin cảm ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.