Vào nội dung chính
Ý - BÊ BỐI KINH TẾ

Thủ tướng Berlusconi không trấn an được thị trường về tình trạng kinh tế của Ý

Sau gần 1 tuần lễ khốn đốn với thị trường chứng khoán ngày càng suy sụp, sau gần cả tháng trời các lực lượng chính trị đối lập lên án tình trạng bất động của chính phủ, và nhất là sau khi Chủ tịch hiệp hội doanh nhân Ý lên tiếng báo động tình trạng cực kỳ nguy khốn của nền kinh tế Ý, thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải chấp nhận ra tường trình trước Quốc hội ngày 03/08/2001 vừa qua. Thông tín viên Huê Đăng tường trình từ Roma. 

Búp bê nhại hình thủ tướng Ý Berlusconi (thứ 2 trái qua) được bày bán tại một cửa hàng đồ lưu niệm với giá 10€, Roma, 3/8/2011
Búp bê nhại hình thủ tướng Ý Berlusconi (thứ 2 trái qua) được bày bán tại một cửa hàng đồ lưu niệm với giá 10€, Roma, 3/8/2011 REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

06:45

Thông tín viên Huê Đăng (Roma)

TTV Huê Đăng : Để tránh những “rủi ro” có thế xảy ra trên sàn chứng khoán, thủ tướng Berlusconi đã quyết định dời giây phút bắt đầu buổi tường trình trước Quốc hội sau khi thị trường chứng khoán Ý đã đóng cửa. Bởi vì “kinh nghiệm” trước đây cho thấy là mỗi khi thủ tướng Bersluconi tuyên bố điều gì về tình trạng kinh tế tài chánh nước Ý là y như lập tức thị trường tài chánh có phản ứng xấu.

Nội dung phát biểu trên dưới gần 30 phút của thủ tướng Berlusconi trước Quốc hội đã không hề đưa ra một sáng kiến nào để giải quyết 3 trọng điểm của tình trạng kinh tế tài chính nguy khốn hiện nay của nước Ý. Đó là: nợ Nhà nước, suy thoái kinh tế, và sự bất ổn định của thị trường tài chánh. Ngược lại bài phát biểu của thủ tướng Berlusconi chỉ lập đi lập lại những “chiến công” không tưởng của Hội đồng chính phủ, về một nền kinh tế “vững chắc” của nước Ý, về khả năng tích lũy tài chánh lớn lao của dân Ý, về một hệ thống ngân hàng Ý cực kỳ ổn định. Về những khó khăn kinh tế tài chánh mà báo chí vẫn hay nói tới trong thời gian gần đây thì thủ tướng Berlusconi nhận xét rằng đó là do “tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu”, thậm chí đến Mỹ cũng có vấn đề, chứ không phải chỉ là cá biệt của nước Ý.

Nói chung là tường trình của thủ tướng Berlusconi trước Quốc hội không có gì mới lạ như công luận mong đợi, họa chăng “mới lạ” duy nhất là thủ tướng Berlusconi “sẵn sàng” đón nhận những “ý kiến đóng góp tích cực” nếu có từ phe đối lập, điều mà từ trước đến nay Berlusconi không hề làm.

Phản ứng của phe đối lập là bác bỏ những luận điệu “chữa cháy” của Berlusconi, và tất cả các lực lượng chính trị đối lập đều đề nghị là cần phải có một “thay đổi nhân sự” quan trọng từ phía chính phủ để có thể có khả năng đối đầu với tình trạng khẩn trương của nước Ý. Nói thẳng ra là cần phải có một chính phủ mới, trong đó thủ tướng sẽ không còn là Berlusconi.

Với cung cách ăn nói kiểu “bình dân” của mình, Thủ tướng Berlusconi đã tìm cách trấn an thị trường tài chánh bằng cách cho thấy rằng chính ông ta cũng là một doanh nhân có trong tay 3 tập đoàn kinh tế đều có mặt trên sàn chứng khoán, do đó ông ta rất lưu ý đến vấn đề kinh tế tài chính. Nhưng Berlusconi quên rằng chính vì có trong tay 3 tập đoàn kinh tế, nên vị trí vừa là “đại gia”, lại vừa là thủ tướng, khiến Berlusconi từ nhiều năm nay luôn luôn nằm trong tư thế mâu thuẫn quyền lợi, kiểu vừa đánh trống vừa thổi kèn.

RFI: Phản ứng của giới doanh nghiệp và các thị trường tài chính sau phát biểu của thủ tướng Berlusconi?

TTV Huê Đăng: Điều đáng nói là ngay sau khi thủ tướng Berlusconi vừa chấm dứt bài phát biểu trước Quốc hội thì các hãng thông tấn đã cho phát tán ngay lời tuyên bố của giám đốc điều hành của tập đoàn xe ô-tô Fiat, ông Sergio Marchionne, theo đó thì nước Ý cần phải có một “nhóm lãnh đạo mới” có khả năng đưa ra những phương hướng giải quyết tình trạng bế tắt của nước Ý. Điều này chứng tỏ rằng các lực lượng kinh tế tài chánh của Ý cũng đang manh nha áp lực tìm cách thay ngựa.

Tuy nhiên, rất tiếc là ngay ngày hôm sau buổi tường trình của Berlusconi trước Quốc hội, thị trường chứng khoán ở Ý đã rơi sâu thêm vào tình trạng suy thoái, mất đi hơn 5 điểm, và các trái phiếu Nhà nước Ý lại càng thêm mất giá trị do tình trạng bất ổn định chính trị của Ý gây ra.

RFI : Như vậy thì liệu nước Ý có thể rơi vào tình trạng như Hy Lạp hay không?

TTV Huê Đăng: Đây là một nghi vấn lớn, không phải chỉ cho nước Ý, mà cho toàn khối Châu Âu, bởi vì so với Hy Lạp thì vị trí của Ý trong Cộng đồng Châu Âu rất khác biệt. Ý là nước có tổng sản phẩm nội địa GDP đứng hàng thứ ba trong Châu Âu, chỉ sau Đức và Pháp, đồng thời Ý lại là một trong 10 nước công nghệ tiên tiến nhất thế giới, con số đầu tư nước ngoài vào Ý cũng rất lớn. Thêm vào đó, Ý lại là một trong những nước sáng lập Cộng đồng Châu Âu, do đó nếu Ý vỡ nợ thì hệ lụy chính trị kinh tế tài chính lên Châu Âu khó mà lường được, thậm chí còn có những ý kiến cho rằng, nếu Ý vỡ nợ thì rất có thể cả hệ thống đồng Euro có thể bị phá sản. Chính vì thế mà hiện nay Ủy Ban Kinh tế tài chánh Châu Âu cùng với ngân hàng trung ương BCE đang nỗ lực tìm cách cứu vãn tình hình nguy kịch của nước Ý.

Nhưng vấn đề trọng điểm của Ý, mà châu Âu không thể nào trực tiếp can thiệp, đó là vấn đề bất ổn chính trị của Ý. Mà vấn đề chính trị này chỉ giải quyết được với sự ra đi của Berlusconi, bởi vì chính Berlusconi, với những mâu thuẫn quyền lợi của ông ta, với những vấn đề pháp lý gây căng thẳng với ngành tư pháp, đã không cho phép chính phủ Ý có thể có một hoạt động bình thường để có thể đối đầu với tình trạng bế tắc của Ý.

Nhưng nếu Bersluconi là vấn đề của nước Ý, thì chính việc tìm người ra thay thế Berlusconi hiện nay là cốt lõi của vấn đề. Ngoài những xào xáo nội bộ giữa các lực lượng chính trị của phe đối lập, vấn đề là hiện nay chẳng có lực lượng nào có đủ can đảm và khả năng đứng ra lập chính phủ, bởi vì trước tình trạng kinh tế tài chánh khủng hoảng do chính Berlusconi gây ra trong mấy năm nay, bất cứ một chính phủ mới nào lên cũng sẽ phải đương đầu với những quyết định khó khăn và rất có thể là không hạp lòng cử tri, và chẳng lực lượng chính trị nào muốn đứng ra hứng đạn cho Berlusconi.

Có thể nói là Berlusconi vẫn còn giữ được ghế thủ tướng không phải vì ông ta có thực lực trong tay, mà vì phe đối lập không có thực lực. Nhưng tình trạng này, cứ như đi trên hố cát, càng đi tới thì càng lún sâu. Ngày nào Berlusconi còn tại chức, thì nền kinh tế tài chánh của Ý còn bế tắc, và tình trạng càng trở nên thêm khó khăn cho bất cứ một chính phủ mới nào khác lên cầm quyền.

RFI: Xin cám ơn TTV Huê Đăng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.