Vào nội dung chính
SYRIA

Các nước láng giềng lần lượt chỉ trích chiến dịch đàn áp của Syria

Chế độ Syria ngày càng bị cô lập : Theo gương Ả Rập Xê Út, các láng giềng của Syria nối tiếp nhau lên án chiến dịch đàn áp tàn đẫm máu của chế độ Damas nhắm vào phong trào đối lập. Vào hôm qua, 08/08/2011, đến lượt Koweit và Barhein đã triệu hồi đại sứ của họ tại Syria về nước.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ A. Davutoglu đích thân đến Damas (Reuters)
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ A. Davutoglu đích thân đến Damas (Reuters)
Quảng cáo

Công luận các quốc gia lân bang của Syria cũng đã phản đối các cuộc đàn áp tàn bạo diễn ra hầu như mỗi ngày. Ví dụ như tại Liban, nếu chính quyền cho đến giờ này vẫn đứng ngoài, thì dân chúng đã xuống đường.

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ đã cử ngoại trưởng Ahmet Davutoglu đến Damas vào hôm nay hầu thuyết phục chính quyền al-Assad đình chỉ chiến dịch trấn áp. Chính quyền Ankara từng thông báo là họ đã hết kiên nhẫn, không thể tiếp tục chứng kiến cảnh thường dân bị giết chết.

Hoa Kỳ hôm qua, đã lên tiếng ủng hộ thái độ mới này của các nước láng giềng Syria, vì cho đến cuối tuần qua, họ vẫn giữ im lặng. Xin nhắc lại Liên Đoàn Ả Rập, tập hợp 22 thành viên, đã lên tiếng đầu tiên, kêu gọi Syria chấm dứt các vụ giết người.

Liên hiệp châu Âu hiện đang xem xét những biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Damas, bên cạnh các biện pháp đã được thực hiện như phong tỏa tài sản hay cấm chiếu khán nhập cảnh. Thông tín viên Grégoire Lorry tại Bruxelles cho biết thêm chi tiết :

‘‘Vụ Ngoại giao Châu Âu chuẩn bị một danh sách những biện pháp mới để trừng phạt chế độ Syria. Liên Hiệp Châu Âu muốn nghiên cứu những khả năng có thể đi xa hơn những biện pháp đang được áp dụng.

Đức đề nghị những biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có cả cấm vận nhập khẩu dầu hỏa. Gần 90% dầu hỏa Libya xuất sang Châu Âu. Anh Quốc cũng tán đồng biện pháp này. Những quốc gia khác thì thiên về cấm vận đối với những sản phẩm mà chế độ Syria có thể sử dụng trong các cuộc đàn áp.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu chỉ mới ở giai đoạn thảo luận. Bộ phận ngoại giao sẽ đưa báo cáo của mình vào tháng 9, nhưng trước mắt, không thấy nước nào công khai chống lại những biện trừng phạt mới.  

Hiện nay, Châu Âu đang áp dụng những biện pháp trừng phạt thông thường như phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với 38 nhân vật và công ty Syria thân cận với chính quyền. Cấm vận trên vũ khí cũng đang được thực hiện.

Tuy nhiên, trên phương diện ngoại giao, Châu Âu không triệu hồi đại diện của mình tại Syria. Lý do là để có thể theo dõi sát tình hình tại chỗ.’’

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.