Vào nội dung chính
SYRIA

Hai gương mặt phụ nữ điển hình thách thức chế độ Syria

Trong khi các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại Syria, ít ai biết rằng phía sau hậu trường, vẫn luôn hiện hữu hai bóng người phụ nữ can đảm, những người đã dám lên tiếng chỉ trích chế độ và đang bị chế độ al-Assad truy lùng. Nhật báo Libération hôm nay có bài trích lược quá trình hoạt động của hai nhà đấu tranh nổi tiếng Suheir Atassi và Razan Zaitouneth.

Phụ nữ tham gia biểu tình phản đối sự đàn áp (Reuters)
Phụ nữ tham gia biểu tình phản đối sự đàn áp (Reuters)
Quảng cáo

Suheir Atassi, 40 tuổi, là nhà hoạt động chính trị tích cực và cũng là thành viên của « Liên minh phối hợp cách mạng Syria ». Chính bà là người đã sáng lập ra diễn đàn đối thoại dân chủ Jamal Atassi vào năm 2001. Bà đã chọn tên của cha bà, một nhà phân tâm học, nhà văn và là một người theo chủ nghĩa dân tộc cho diễn đàn này. Cũng vào năm này tổng thống Bachar Al-Assad lên nắm quyền, đã ra lệnh bắt bà và nhiều nhà đối lập khác thường xuyên tham gia trên diễn đàn. Đây cũng chính là dịp để cho bà Razan Zaitouneth và Suheir Atassi gặp gỡ nhau. 

Vào thời điểm đó, Razan Zaitouneth, là một nữ luật gia 24 tuổi, đã đứng ra bào chữa cho bà Suheir Atassi và các tù nhân chính trị khác. Một mặt, bà Razan Zaitouneth cùng với một số luật gia thành lập Hội Nhân quyền Syria để vận động bào chữa cho những người này trên khắp lãnh thổ. Mặt khác, bà đã đăng nhiều bài viết can đảm chống lại chế độ trên các báo Ả Rập. Từ năm 2002, chính quyền Syria cấm bà rời lãnh thổ. Nhưng với nghề luật sư, bà vẫn có một cuộc sống khá tốt và bà chuyên tâm vào việc bào chữa cho các tù nhân chính trị.

Từ đó, hai bà trở thành một biểu tượng của phong trào phản kháng tại Syria, và bị chính quyền Al-Assad truy lùng ráo riết. Cả hai bà không dám tiết lộ nơi ẩn náu cho gia đình biết, do lo sợ sẽ bị theo dõi. Cũng vì lý do này, chồng và em rể của bà Razan Zaitouneth đã bị chính quyền Al-Assad bắt vào tháng 5 rồi.

Nếu như Razan Zaitouneth được các nhà đấu tranh biết đến như là « một người truyền cảm hứng » cho các ý tưởng chung của các Ủy ban điều phối địa phương, thì Suheir Atassi lại nổi tiếng là một trong những nhà đấu tranh chính trị ôn hòa, chống lại bộ máy đàn áp của chính quyền Damas.

Đối với chính quyền al-Assad, hai bà là cái gai cần phải nhổ. Nhưng đối với người dân Syria, hai bà chính là những phụ nữ tự do, có học thức và hiện đại, dám nói những điều mà cánh đàn ông luôn giữ im lặng. 

Trung Quốc, giấc mơ các đường tàu cao tốc bị đình trệ 

Hôm qua, Trung Quốc tuyên bố thu hồi 54 tàu cao tốc để kiểm tra an toàn và đóng băng toàn bộ các dự án xây dựng các đường tàu cao tốc mới. Sự kiện hai tàu cao tốc đụng nhau tại Quý Châu ngày 23/7 rồi đã dấy lên nhiều mối nghi ngờ về mức độ an toàn của ngành đường sắt Trung Quốc. Nhật báo kinh tế Les Echos số ra hôm nay có bài nhận định tựa đề « Tàu : Trung Quốc đóng băng các dự án đường tàu cao tốc của mình ». 

Trong dự án của mình, Trung Quốc dự định sẽ cho xây dựng tổng cộng 16.000 km đường tàu từ đây cho đến năm 2020. Giờ đây, sau tai nạn xảy ra tại Quý Châu, tai nạn thảm khốc nhất kể từ năm 2008, làm thiệt mạng 40 người và hơn 200 người bị thương, chính quyền Trung Quốc buộc phải đình chỉ các dự án mới và xem xét lại hệ thống an toàn của ngành này.

Theo Les Echos, không phải chính quyền Trung Quốc không biết là có vấn đề về kỹ thuật và an toàn. Nhưng do muốn chạy theo thành tích, Trung Quốc đã nhắm mắt làm ngơ.

Sau tai nạn, người dân Trung Quốc lên án chính quyền đã hy sinh tính mạng của người dân cho sự phát triển kinh tế đất nước. Lời cảnh báo này cũng được nhật báo Le Monde hôm nay trích lại từ tờ nhật báo Nhân dân của Trung Quốc «Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc không thể nào bị vấy máu ».

Les Echos cho biết, trước đó, đường tàu cao tốc nối Bắc Kinh – Thượng Hải, được khánh thành trước một năm để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gặp một loạt sự cố kỹ thuật và bị trễ chuyến. Vào thời điểm này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo như : có nhiều lỗ hổng về hệ thống báo động trên các tàu do tập đoàn China CSR sản xuất và được chuyển giao công nghệ từ Đức và Nhật Bản, chất lượng các đường ray không đảm bảo và đào tạo nhân lực chưa đầy đủ.

Tất cả những lời chỉ trích trên đều bị chính quyền Bắc Kinh gạt qua một bên. Họ còn khẳng khái tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ « qua mặt » chiếc Shinkansen của Nhật Bản.

Nếu như chính phủ phạm tội do sự kiêu hãnh, thì họ cũng không tỏa sáng về tính minh bạch của mình. Ngoài mặt, các báo chí chỉ được bày tỏ « lòng từ bi của chính quyền trước thảm họa », mặt khác, các toa tàu gặp nạn đã bị chôn vùi ngay ngày hôm sau. Dĩ nhiên là ngoài lý do để cho phép tiếp tục lưu thông, chính quyền đang cố che dấu các bằng chứng đáng ngại.

Les Echos kết luận, ngay chính người Trung Quốc còn không tin tưởng vào hệ thống đường cao tốc của mình thì nói chi đến tham vọng trở thành nhà xuất khẩu khổng lồ tàu cao tốc. 

Tình hình cứu đói tại Somalie

Nhìn sang Châu Phi, nhật báo Le Monde hôm nay quan tâm đến tình hình cứu đói tại Somalie qua bài tựa « Tại Somalie, các tổ chức ONG Hồi giáo tự do hành động ». 

Một cái bàn thô sơ, một quyển sổ cũ kỹ, tường màu xanh đã lở vữa là không gian khám bệnh của bác sĩ nhi Luul Mohamed, tại bệnh viện Banadir của thành phố Mogadishu, Somalia. Tại đây, mỗi ngày ông tiếp nhận hơn 100 trẻ em. Ông cho biết, tháng rồi có đến 90 em chết, bình quân mỗi ngày có 3 trẻ qua đời.

20 năm nội chiến đã làm suy yếu một dân tộc, và làm cho nạn đói trở nên trầm trọng hơn. Trong các trại tỵ nạn, bệnh dịch nở rộ. Và vì hoạt động kinh tế giảm, việc làm không có nên hậu quả là không có tiền để chữa bệnh.

Le Monde cho biết, bác sĩ Luul, người Sudan, nằm trong chương trình hoạt động nhân đạo thuộc « Tổ chức hợp tác Hồi giáo » (Organisation de coopération islamique – OCI). Ông là một trong số 21 bác sĩ và chuyên gia đến từ nhiều nước Hồi giáo khác nhau, cùng với 40 tấn dụng cụ y tế.

Ông Luul cho Le Monde biết, điều kiện làm việc ở đây thật là nghèo nàn, thiếu thốn mọi bề. Các trang bị y tế của bệnh viện thuộc diện « thất thập cổ lai hy ». Cả bệnh viện chỉ sở hữu có một vòi bơm nước. Và hiện tại, các y tá chủ yếu là những tình nguyện viên.

Đồng ý kiến với ông Luul, bác sĩ Mohamed Ifftikar thuộc tổ chức Cứu trợ Hồi giáo (Islamic relief – IR) cho biết điều kiện làm việc « 3 không » tại Somalia : « không lương, không trang thiết bị, không quản lý ». Cả bệnh viện chỉ có 3 xe cứu thương, chạy vòng quanh thành phố và chở về khoảng 20 trẻ mỗi ngày.

Theo Le Monde, OCI tập trung chủ yếu vào vùng nóng bỏng này với một chương trình khôi phục trị giá 5 triệu đô-la. Theo đó, tổ chức này sẽ đào tạo nhân lực, cải thiện điều kiện vệ sinh và thiết lập các phương thức hành động cho từng địa bàn. Hiện tại, OCI bảo trợ cho khoảng 20 cơ quan nhân đạo đến từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar hay Kuwet.

Le Monde còn cho biết, không có tình trạng dẫm chân lên nhau giữa các tổ chức ONG phương Tây và OCI. Giữa hai tổ chức này, có sự phối hợp rất nhịp nhàng. Chẳng hạn một tổ chức ONG của Pháp phụ trách về lương thực, còn OCI lo về việc cung cấp các dịch vụ y tế và phân phối lương thực. Mặt khác, trong khi các đồng nhiệm của phương Tây gặp khó khăn trong việc di chuyển, thậm chí bị đuổi ra khỏi nước, hay bị bắt cóc đòi tiền chuộc, thì các nhân viên của OCI đi lại rất dễ dàng, vì lý do rất đơn giản « có cùng màu da ». Thế nhưng, OCI không dễ dàng có được sự tự do này mà không thông qua thương lượng với đại diện của Chabab để được phép hoạt động trên vùng lãnh thổ do họ kiểm soát. Nhưng OCI cũng khẳng định rằng, thương lượng không có nghĩa là trả tiền cho họ, « trả một xu, đồng nghĩa với việc tài trợ cho khủng bố ». 

Tại Tokyo, tiếng ve sầu đã vang trở lại 

Thảm họa hạt nhân Fukushima để lại cho người Nhật bao nhiêu nỗi lo. Nhưng có lẽ tiếng hát của con ve sầu trong những ngày hè sẽ giúp họ quên đi phần nào những buồn phiền. Hy vọng cho một cuộc sống tươi đẹp hơn vẫn chưa hẳn là tắt đi khi mà những con ve sầu mùa hè vẫn còn vang lên tiếng hát. Từ Tokyo, thông tín viên nhật báo Le Monde, Philippe Pons có bài cảm nhận mang đậm chất thơ qua bài viết « Tại Tokyo, ve sầu đã quay trở lại ». 

Cuối cùng thì người Nhật cũng nghe được tiếng hát của con ve sầu. Bình thường mỗi năm, sau mùa mưa, là ve sầu xuất hiện, cất tiếng gáy từ sáng đến tối báo hiệu mùa hè đang đến. Lần này, sau mà im ắng thế, người Nhật lo ngại : « Hay là ve sầu cũng bị ảnh hưởng thảm họa hạt nhân Fukushima ? ». Bây giờ thì họ có thể thở phào, chẳng qua là chúng nó đến trễ vì lý do khí hậu.

Ngày nay, tuy trẻ con trong thành phố không còn chú ý đến ve sầu nhiều như thuở xưa nữa, nhưng tiếng gáy của nó cũng góp phần vào « các hiện tượng của mùa do gió mang lại ». Đó là thành phần « không thể nào thiếu được » đối với người Nhật, « dân tộc luôn thể hiện sự gắn bó với côn trùng ». Tiếng hát của ve sầu như nhắc họ rằng mùa hè đấy, cũng như là « mùa hoa anh đào nở, tượng trưng cho mùa xuân ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.