Vào nội dung chính
ANH QUỐC

Nước Anh rút bài học 2 tuần sau bạo loạn

Hai tuần lễ đã qua từ đêm bạo loạn bùng nổ ở Tottenham, cả nước Anh đang phải nhanh chóng rút tỉa kinh nghiệm cho chính mình để xem sẽ tiếp tục làm gì trong những ngày tới. Trước hết, biện pháp mạnh tay của chính phủ từ sau ngày thủ tướng David Cameron đi nghỉ trở về đã nhanh chóng dập tắt bạo loạn tiếp diễn và lan rộng ra các vùng khác.

Cảnh sát Anh trên đường phố Tottenham (Reuters)
Cảnh sát Anh trên đường phố Tottenham (Reuters)
Quảng cáo

07:57

Thông tín viên Lê Hải, Luân Đôn

Trong vòng nhiều ngày liền, tòa án đã làm việc không ngơi nghỉ để kết án tù những ai tham gia hôi của. Chỉ vì lấy một chai nước thôi mà một cô gái có nguy cơ ngồi tù vài tháng và hiện vẫn đang bị tạm giam chờ ngày ra tòa. Hơn 1.500 người bị bắt giữ và cảnh sát được huy động tối đa để giữ trật tự. Thế nhưng cô gái nọ chưa hề có tiền án tiền sự gì, con cái của một gia đình trung lưu trí thức bố là bác sĩ, mẹ là y tá.

Phản ứng của dư luận trước những bản án khắt khe

Rất nhiều người hôi của cũng tương tự như vậy, hành động trong cơn kích động của đám đông hơn là thực sự có động cơ cướp phá có tổ chức. Bản án quá mạnh tay khiến dư luận xã hội hoang mang, và nhiều ý kiến phản đối. Một người phụ nữ hôi của vài món đồ, sau đã đem trả lại, nhưng vẫn bị kết án vài tháng tù. Hôm nay cô đã kịp ra tòa phúc thẩm và nhận được phán quyết tha bổng. Giới chuyên gia ngành tư pháp kêu gọi các quan tòa đưa ra khung hình phạt chung để có bản án thống nhất, không quá khác biệt cho cùng một loại tội danh.

Vấn đề không đơn thuần chỉ là ý kiến tranh cãi, mà còn ảnh hưởng sâu rộng vào hệ thống nhà nước đang lung lay và thiếu ngân sách của nước Anh. Từ góc độ của chính phủ, bạo loạn thì cần cảnh sát để dập tắt, tòa án để răn đe, và nhà tù để giam giữ những người phạm tội. Thế nhưng bây giờ hệ thống nhà tù của nước Anh chỉ còn chỗ để nhận chừng 1.500 phạm nhân nữa thôi. Con số đó để thấy mức độ sắp quá tải của trại giam, cũng như nguy cơ xảy ra bạo động trong trại khi tù nhân quá đông, mà ngân sách vận hành và nhân viên bị cắt giảm.

Những khó khăn của chính phủ Anh Quốc

Tòa làm việc sau giờ hành chính cũng phải tiêu tốn thêm tiền điện và trả lương ngoài giờ cho bộ máy công chức. Cảnh sát được tăng cường cũng tiêu tốn thêm nhiều tiền từ ngân sách dự trữ, vốn bản thân cũng không còn lại bao nhiêu. Ngay cả London thời gian qua đã phải cắt giảm 900 cảnh sát trong đợt thắt lưng buộc bụng của tất cả các cơ quan nhà nước. Giải pháp bằng bộ máy nghe rất hợp tai trên diễn đàn chính trị nhưng có nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào vì thiếu tiền.

Đó là chưa kể biện pháp hành chính và pháp quyền do một hệ thống yếu kém và thiếu trách nhiệm thực hiện còn để lại nhiều vết thương nguy hiểm cho xã hội, như một số ý kiến trên diễn đàn nước Anh trong những ngày qua. Truyền hình chiếu cảnh một đôi vợ chồng da đen cùng hai con nhỏ bị sốc sau đêm bị cảnh sát phá cửa xông vào lúc nửa đêm vì nghi là tàng trữ vũ khí và đồ ăn cắp. Trong khi đó các băng đảng thanh thiếu niên lại tiếp tục đánh nhau ở vùng Enfield và làm chết thêm một vị thành niên.

Bạo động làm nổi bật các vấn đề xã hội tiềm tàng

Người dân thủ đô London giật mình khi đếm lại thấy con số thiếu niên chết trong các vụ thanh toán băng đảng tử đầu năm đến giờ lên đến con số báo động. Và người ta bắt đầu nói nhiều hơn về giải pháp cộng đồng, giải pháp văn hóa, bên cạnh hoặc thậm chí thay thế giải pháp nhà nước. Có những lãnh đạo cộng đồng không ngần ngại nói sẽ mạnh tay bắt chính quyền địa phương và trung ương phải có trách nhiệm hơn trong các việc làm của mình.

Truyền thông báo chí cũng vừa phát hiện ra là buổi sáng trước ngày nổ ra bạo loạn ở Tottenham, các nhà hoạt động cộng đồng đã cảnh báo tình hình với cảnh sát và đề nghị giải pháp, còn sở cảnh sát thì lại chuyển trách nhiệm cho đơn vị khác và một lãnh đạo cảnh sát kịp bay sang Mỹ nghỉ hè vài giờ trước khi Tottenham chìm vào biển lửa và bạo loạn.

Trong bối cảnh đó, dễ hiểu tại sao các nhóm sắc tộc có thiên hướng tự tổ chức lại, như 20.000 người Hồi giáo Nam Á tổ chức tang lễ cho ba thanh niên bị chết trong vụ bạo loạn ở Birmingham, hay nhóm người Sikh ở London tập trung bảo vệ thánh đường, và cả các nhóm quá khích cực hữu mang tư tưởng bài ngoại nữa.

Tinh thần đoàn kết của dân Anh sau bạo động

Những người ủng hộ giải pháp cộng đồng đã nhanh chóng có những hoạt động đoàn kết và tái thiết, hẹn nhau dọn dẹp đường phố và giúp mua hàng từ các cửa tiệm bị phá hoại. Gia đình hoàng gia cũng bất ngờ xuất hiện trong các giải pháp xã hội cho nước Anh. Đầu tiên là thái tử Charles đi thăm các vùng bị hư hại ở London. Tiếp theo là hoàng tử Harry đi ủy lạo lực lượng cứu hỏa và cảnh sát cùng cửa hàng bị phá ở Manchester.

Hôm qua, đến lượt đôi uyên ương hoàng gia là William và Kate đến tận nhà gia đình có con chết ở Birmingham để chia sẻ, và vào thăm hỏi các cửa hàng bị đập phá, khiến dân chúng tại chỗ xúc động. Nhiều người lên truyền hình tâm sự là cảm thấy nỗi mất mát được chia sẻ và cuộc sống ở địa phương được chú ý, khiến họ cảm thấy vững vàng hơn trước các khó khăn sắp tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.