Vào nội dung chính
MỸ-THIÊN TAI

Bão Irène làm 2 triệu người sơ tán, đã đến New York vào tối qua

Trước khi đến New York, Irène đã đi qua New Jersey và Caroline ở phía Bắc và đã khiến gần 2 triệu người phải đi sơ tán và 9 người thiệt mạng. Tối qua bão đã đến New York. Thiệt hại do bão gây ra ước tính có thể lên đến từ 5 đến 10 tỷ đô la.

Mưa lớn trước khi bão về tại quảng trường Times Square- New York ngày 27/8/2011.
Mưa lớn trước khi bão về tại quảng trường Times Square- New York ngày 27/8/2011. REUTERS/Peter Jones
Quảng cáo

Tất cả các sân bay tại New York tạm ngừng hoạt động, trong đó có cả sân bay quốc tế J.F.Kennedy, kéo theo nhiều ngàn chuyến bay bị hủy. Dịch vụ đường sắt cũng bị giảm đáng kể, công ty Amtrack dự tính hôm nay sẽ cho tạm ngưng hoạt đông toàn bộ tuyến đường dọc bờ biển phía đông. Khách du lịch đã đổ xô đến các trung tâm tiếp nhận do chính quyền dựng nên để tránh bão.

Nhiều cửa hàng bảo vệ cửa kính bằng các tấm ván gỗ. Người dân thì không dám ra khỏi nhà. Thị trưởng thành phố đã ra lệnh sơ tán 370 000 người khỏi những vùng có nguy cơ ngập lụt. Thành phố New York vốn nhộn nhịp vào tối thứ bảy, thế mà hôm qua như một thành phố chết, một hiện tượng chưa từng có ở đây.

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình:

Hôm nay, ngày 28/8/2011, tại Washington có mưa nhiều nhưng gió tương đối nhẹ. Có vài cây bị ngã, có cúp điện, thế nhưng đến hiện tại chưa xảy ra hiện tượng đáng ngại. Còn phải nhiều giờ nữa Irène mới rời khỏi vùng này.

Lo ngại nhất ở đây là nguy cơ ngập lụt. Chính quyền thành phố đã cung cấp 5 000 bao cát ngăn nước, thế nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, vì thế nhiều người dân đã phải mất công đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ. Cơn bão đã đi qua vùng Caroline ở phía bắc vào sáng thứ bảy, sau đó đã di chuyển về hướng bang Virginia trước khi đến Maryland và Washington, rồi tiếp tục di chuyển về New York.

Irène, « cơn bão cuối tuần», cái tên mà người Mỹ đã đặt cho cơn bão này, đã ảnh hưởng nặng nền đến cuộc sống của 2 triệu người sống trong những vùng ngập lụt và buộc họ phải rời khỏi nơi cư trú, trong đó có 300 000 người New York, thật là một hiện tượng chưa từng có. Tuy vậy, ở New Jersey, thống đốc bang đã không thuyết phục được 600 người lớn tuổi di tản khỏi nhà dưỡng lão.

Tổng thống Obama đã đích thân đến trụ sở của Văn phòng liên bang đặc trách giải quyết các tình huống khẩn cấp để chứng tỏ rằng ông vẫn làm chủ được tình hình, khác hẳn với cựu tổng thống Bush trước kia có phản ứng chậm chạp trong công tác đối phó bão Katrina. Ông Obama cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 9 bang. Như vậy, 9 bang này sẽ được nhận sự trợ giúp của chính quyền liên bang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.