Vào nội dung chính
LIBYA

Liên hiệp quốc cho phép Anh giải tỏa tài sản của chế độ Kadhafi

Ngày hôm qua (30/8/2011), Đại sứ của Anh tại Liên hiệp quốc thông báo Hội đồng Bảo an đã cho phép Luân Đôn giải tỏa 1,6 tỷ đô la tài sản của chế độ Tripoli bị phong tỏa tại Anh để phục vụ cho việc cứu trợ nhân đạo người dân Libya. Từ đầu năm đến giờ, châu Âu và Mỹ đã cho phong tỏa hàng tỷ đô la tài sản của Tripoli. 

Hội đồng Bảo an thông qua lệnh trừng phạt chế độ Kadhafi 26/2/2011 (Reuters)
Hội đồng Bảo an thông qua lệnh trừng phạt chế độ Kadhafi 26/2/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Ủy ban phụ trách lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo An đã bật đèn xanh sau khi đã tham khảo ý kiến của Trung Quốc, nước vẫn phản đối trao tài sản của Libya cho chính quyền mới. Về phần mình, Tổng thư ký Liên hiệp Quốc đã gọi quốc tế hãy đáp ứng khẩn cấp yêu cầu được trợ giúp tài chính của chính quyền lâm thời Libya.

Theo lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với chế độ của Mouammar Kadhafi, từ đầu năm nay Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đã cho phong tỏa nhiều tỷ đô la tài sản của Tripoli. Tuần trước, Hội đồng Bảo an cũng đã cho phép giải tỏa 1,5 tỷ đô la của Libya đang bị phong tỏa trong các ngân hàng của Mỹ.

Trong khi đó Đức vẫn đang chờ được lệnh của Liên hiệp quốc cho giải tỏa khoảng gần 1 tỷ rưỡi đô la. Paris cũng mong muốn được giải tỏa khoảng trên 7 tỷ đô la tài sản của chế độ Kadhafi đang bị giữ tại Pháp.

Liên đoàn các nước Ả Rập, trong một thông cáo ra hôm cuối tuần trước cũng gọi Liên hiệp Quốc và những nước có liên quan cho mở lại những tài sản của Libya đang bị phong tỏa.

Trong một diễn biến ngoại giao khác, nước Pháp đang tích cực chuẩn bị cho hội nghị « những người bạn của Libya » mở ra ngày mai tại Paris để quá trình chuyển giao chính quyền tại Libya diễn ra thành công, tránh lặp lại những trục trặc như ở Irak trước đây.

Hội nghị này sẽ quy tụ hơn 60 nước tham gia, trong đó có cả những nước không tham dự vào chiến dịch quân sự tấn công Libya như Trung Quốc, Nga và Đức.

Một vấn đề khác cũng đang được đặt ra là vai trò của Liên hiệp quốc trong thời kỳ hậu Kadhafi. Hội đồng Quốc gia lâm thời của Libya hiện không chấp nhận sự có mặt của lực lượng giữ gìn hòa bình tại Libya, trong khi Liên hiệp quốc lại dự tính sẽ gửi khoảng 400 quan sát viên quân sự và cảnh sát đến Libya để theo dõi tình hình.

Có thể tổ chức quốc tế này sẽ giữ vai trò tổ chức các cuộc tuyển cử tới đây, điều mà người dân Libya đã mất thói quen từ hơn bốn chục năm nay dưới chế độ Kadhafi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.