Vào nội dung chính
Ý

Quan hệ với gái mại dâm : Thủ tướng Ý bị tống tiền

Theo tin báo chí Ý, ngày 1/9/2011 vừa qua, Tòa án thành phố Napoli, sau cuộc điều tra dựa theo những cuộc nghe lén điện thoại, đã bắt giam và khởi tố Giampaolo Tarantini một người bị coi là thuộc hạng “ma-cô” nổi tiếng. Cùng bị tống giam có vợ của ông là bà Angela Devenuto và nhà báo Valter Lavitola. Họ bị nghi là đã tống tiền thủ tướng Berlusconi.

Giampaolo Tarantini, người bị quy tội đã tống tiền ông Berlusconi (AFP)
Giampaolo Tarantini, người bị quy tội đã tống tiền ông Berlusconi (AFP)
Quảng cáo

07:12

Thông tín viên Huê Đăng, Roma

Chuyện xẩy ra vào mùa hè năm 2009. Giampaolo Tarantini này vốn là “dân áp-phe”, trong tay có một tuyến đường dây chuyên cung cấp các công cụ cho các bệnh viện của nhà nước ở trong vùng Puglia ở miền Nam nước Ý. Và để có thể có được các hợp đồng béo bở với các nhà thương, vốn là của nhà nước, ông Tarantini này phải “biết điều” với các quan chức trong cách nghành, bộ, cơ sở y tế ... Và mạng hối lộ tham nhũng này hai năm trước đã bị tòa án Bari (thủ phủ của vùng Puglia) khám phá và Tarantini bị khởi tố.

Nhưng đặc biệt là trong quá trình điều tra tuyến đường hối lộ nói trên, xuyên qua các cuộc nghe lén điện thoại của ông Tarantini, tòa án lại sửng sốt khám phá ra thêm một đường dây mãi dâm của y chuyên cung cấp các cố “gái gọi cao cấp” (bên Tây Âu dùng từ “escort girl”) cho các nhân vật VIP ở Ý, và đặc biệt cho một “thượng đế” đó là đương kim Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi.

Vụ tuyến đường mãi dâm cao cấp này đã một thời nở rộ trên các mạng truyền thông của khắp hoàng cầu với tên tuổi của Berlusconi đi kèm với cô Patrizia D’Addario, một trong những “cô gái gọi cao cấp” có quan hệ với Thủ tướng, và chính cô này đã thu âm các cuộc nói chuyện “thầm kín tính dục” với Thủ tướng và cho phát tán lên các mạng truyền thông. Ông Tarantini từ đấy có thêm nghề “ma-cô”, và lại là ma-cô nổi tiếng. Đó là chuyện của hai năm về trước, và chuyện này đến bây giờ cũng chưa kết thúc về mặt pháp lý.

Hồi đầu tháng 9 năm 2011, tòa án Napoli lại ra lệnh tống giam truy tố Giampaolo Tarantini. Số là trong các cuộc nghe lén điện thoại gần đây, tòa án Napoli đã phát hiện ra những áp lực mà Tarantini cùng với vợ và cùng một đồng lỏa thứ ba là Valter Lavitola, chủ nhiệm tờ báo “l’Avanti”, để “trấn lột” Berlusconi. Số tiền mà Berlusconi đã phải chi ra là 500 ngàn euros. Lý do là để Tarantini tuyên bố trước tòa án trong vụ xét xử tuyến đường mãi dâm rằng “Berlusconi không hề biết rằng những cô gái trẻ đẹp mà y dâng hiến cho Berlusconi ... chỉ là những cô ... điếm cao cấp”. Như thế thì Berlusconi có thể tháo được vết tì về việc có quan hệ với mạng lưới mãi dâm.

Theo bản cáo trạng khởi tố của Tòa án Napoli, Taratini bị buộc tội là “tống tiền”, và “nạn nhân” là Thủ tướng Berlusconi. Đó là ngôn ngữ của ngành tư pháp. Có điều lạ là “nạn nhân” bị “tống tiền” nhưng nạn nhân không hề tố cáo ai cả, dù đấy là một viên chức cao cấp của nhà nước (Thủ tướng).

Nhưng trên thực tế, câu chuyện có một nội dung khác biệt và trong đó Berlusconi không phải là nạn nhân, hay nói cho đúng hơn, Berlusconi là nạn nhân của chính ông ta bởi những thói ăn chơi trác táng của ông ta, bởi những lề lối mua chuộc quen thuộc của ông ta.

Công luận có thể dễ dãi quan niệm rằng đời sống tính dục là chuyện riêng tư của mỗi người, quan hệ với ai đấy là chuyện của người ta. Chẳng có gì đáng phải nói, và tự nó cũng chẳng là một tội trạng nào cả. Nên nhớ là theo luật pháp hiện hành ở Ý, người có quan hệ với gái mãi dâm không có tội trạng chi cả, luật pháp chỉ kết tội những ai tổ chức các hoạt động mãi dâm. Nói trắng ra là khách hàng lẫn gái mãi dâm đều không bị truy tố, chỉ có các “ma-cô” hay các “tú-bà” là những người tổ chức hoạt động mãi dâm là bị truy tố. Do đó, trong trường hợp của vụ “gái gọi cao cấp”, một người như Berlusconi đã có quan hệ với các cô điếm ... thì cũng chẳng có gì để có thể bị truy tố cả. Nhưng đó là giả sử như Berlusconi là một công dân bình thường như bao công dân khác.

Nhưng trên thực tế, Bersluconi không phải là một công dân bình thường: ông ta đương kim là Thủ tướng của Hội đồng chính phủ, điều này có nghĩa là ông có trong tay nhiều thông tin mật của nhà nước và ông có quyền lực kiểm soát và chi phối nhà nước. Một nhân vật cao cấp như thế, mà lại phải chịu bị “tống tiền” bởi một anh chàng “ma-cô” ? Điều này có nghĩa là Berlusconi có thể bị áp lực đến bất cừ từ một người hay một tổ chức nào đó .... và, về nội dung chính trị mà nói, dưới những áp lực đó có thể Berlusconi không phải chỉ chi tiền ... mà còn có thể gây tổn hại đến quyền lợi quốc gia ... Đấy chính là mấu chốt của câu chuyện “ma-cô” và “gái gọi” vây quanh nhân vật Berlusconi.

Cũng trong câu chuyện “ma-cô gái-gọi” này, công luận Ý lại còn phải chứng kiến một bi kịch khác: trong khi cả nước Ý đang xôn xao bàn tán về chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính Chính phủ Berlusconi đã phải bắt người dân gánh chịu để tìm ra 45,5 tỉ Euro trong vòng từ đây đến năm 2013 với mục tiêu lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước như Hội đồng Châu Âu “mong muốn”, trong khi thị trường chứng khoáng “trồi sục” bất thường mỗi giờ gây ra bất ổn kinh tế tài chánh, trong khi cả bộ máy kinh tế nhà nước trì thoái, thất nghiệp gia tăng, phúc lợi xã hội bị cắt giảm nghiêm trọng ... thì chính phủ lại thêm một lần nữa ... phải lo chuẩn bị “thánh chiến” với ngành tư pháp để “đở đạn” cho chính ông Thủ tướng ... vốn chỉ biết lo cho quyền lợi riêng tư của mình ... dù rằng ông ta đang nắm giữ vận mạng của cả nước Ý trong tay.

Tồi tệ hơn nữa là sau hơn một thập niên nắm quyền hành pháp (3 lần làm Thủ tướng kể từ năm 2001) ông đã đưa nước Ý vào một tình thế tồi tệ nhất kể từ sau Đệ II thế chiến, với một cơ chế nhà nước gần như bị “rút ruột” toàn bộ bởi tham nhũng hối lộ tràn lan, với một giai cấp lãnh đạo chính trị vừa không có khả năng chuyên môn lại chỉ biết nịnh hót và chạy theo thời cơ, sau hơn một thập niên hô hào khẩu hiệu “vì dân vì nước” ... nhưng trên thực tế chỉ là những đạo luật được chính phủ đề ra nhằm che chắn cho chính Thủ tướng trong những món “nợ nần pháp lý” .... Bây giờ thì Bersluconi lại còn muối mặt tuyên bố rằng “ông ta đã quá chán chê cái xứ thổ tả này ... và ông chỉ muốn đi thật xa .. thật xa”. Đấy là một trong những câu nói mà các tòa án đã thu được trong các cuộc nghe lén điện thoại của đám ma-cô khi chúng nói chuyện với Thủ tướng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.