Vào nội dung chính
SYRIA

Hội đồng Bảo an không ra được nghị quyết về Syria

Ngày 28/09/2011, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thất bại trong việc đưa ra một nghị quyết trừng phạt Syria. Matxcơva và Bắc Kinh đe dọa bỏ phiếu chống đối mọi đề xuất trừng phạt Damas tại Hồi đồng Bảo an.

Quốc tế vẫn chưa có chung tiếng nói về Syria
Quốc tế vẫn chưa có chung tiếng nói về Syria REUTERS/Handout
Quảng cáo

Đại sứ Đức Peter Wittig tuyên bố, sau nửa ngày tranh luận, 15 thành viên Hội đồng Bảo an đã không nhất trí được với bản dự thảo nghị quyết về Syria, do các nước Phương Tây đề xuất vào ngày thứ Ba 27/9, đe dọa trừng phạt tổng thống Syria Bachar Al-Assad. Tuy nhiên, đại sứ Đức cũng cho biết, các thành viên Hội đồng Bảo an đã có một cuộc « trao đổi tích cực » và ông vẫn tỏ hy vọng rằng, Hội đồng sẽ thông qua một « nghị quyết mạnh » để buộc chính quyền Damas phải chấm dứt các đàn áp và đối thoại với đối lập. Theo đại sứ Đức Peter Wittig, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục vào ngày hôm nay ở cấp chuyên gia.

Còn đại sứ Nga Vitali Tchourkine thì cho biết, các thành viên Hội đồng Bảo an không tranh luận về các đe dọa « trừng phạt ». Theo các nhà ngoại giao, Nga đã đưa ra một dự thảo nghị quyết riêng về Syria. Lập trường của Nga là chỉ lên án bạo lực tại Syria, cổ vũ cho quá trình thay đổi chính trị tại nước này. Matxcơva và Bắc Kinh - hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an - đe dọa bỏ phiếu chống đối mọi đề xuất trừng phạt Damas tại Hội đồng Bảo an.

Kể từ khi cuộc phản kháng tại Syria bùng nổ với các đàn áp đẫm máu khiến hơn 2.700 người chết kể từ tháng Ba, Hội đồng Bảo an mới ra một tuyên bố vào ngày 3/8/2011 lên án các đàn áp của chính quyền Damas. Tuyên bố này chỉ mang tính cảnh cáo, chứ không bó buộc như một nghị quyết trừng phạt.

Damas phản đối việc Hoa Kỳ ủng hộ đối lập Syria nổi dậy vũ trang

Ngày hôm nay thứ Năm 29/9, Bộ Ngoại giao Syria lên án việc Washington cổ vũ các nhóm vũ trang chống lại quân đội nước này, với phát biểu của ông Mark Toner, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây.

Vào ngày thứ Hai 26/9, đầu tuần này, ông Mark Toner khẳng định, Hoa Kỳ ca ngợi thái độ « vô cùng kiềm chế » của đối lập Syria trước làn sóng đàn áp đẫm máu của chính quyền, đồng thời cho rằng sự xuất hiện của các hành động phản kháng vũ trang chống lại Damas mới đây là một điều « không có gì đáng ngạc nhiên ».

Syria : Các nhân sĩ bị ám sát, quân đội tiếp tục tấn công binh sĩ đào ngũ

Ngày hôm qua 28/9, chính quyền và đối lập Syria kết tội nhau về bốn vụ sát hại các nhân sĩ thân chính quyền tại thành phố Homs. Đó là một bác sĩ phẫu thuật, một lãnh đạo khoa Kiến trúc, một kỹ sư hạt nhân và một giám đốc trường quân sự hóa dầu. Chính quyền cho rằng thủ phạm vụ sát hại là những kẻ khủng bố, trong khi đó al-Ghad – một liên minh của những người phản kháng vừa được thành lập vào ngày 18/9 – thì lên án chính quyền đã thực hiện việc này để lấy lý do gia tăng đàn áp. Trả lời AFP, Đài Quan sát Nhân quyền Syria lên án việc sát hại các nhân sĩ thân chính quyền và ra thông cáo kêu gọi các phía tố cáo hành động giết người, ngăn không cho những kẻ cực đoan gieo rắc bạo lực.

Cũng theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria, ba binh lính và một sĩ quan đào ngũ đã bị quân đội bắn chết tại Rastan, thị trấn 40.000 dân, cách Damas 180 km về phía bắc. Từ ba ngày nay, tại thị trấn Rastan, quân đội dùng vũ khí tấn công vào nhóm các binh sĩ đào ngũ, tập hợp từ khắp mọi miền Syria về đây. Được biết, Rastan là quê hương của một trong các trụ cột của chế độ Damas, ông Mustapha Tlass, từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Syria trong 30 năm liền.

Theo đánh giá của một cựu sĩ quan Syria hiện sống lưu vong, cuộc kháng cự của các binh sĩ đào ngũ tập hợp về Rastan, với số lượng ít hơn và trang bị kém hơn, chắc chắn sẽ bị đè bẹp nay mai, tuy nhiên những nguyên nhân khiến họ đào ngũ vẫn còn đấy. Những vụ giết người bừa bãi, tra tấn và đàn áp từ phía chính quyền sẽ khuyến khích thêm nhiều binh sĩ đào ngũ.

Ngày thứ Ba 27/9, hàng nghìn người biểu tình tập hợp tại thị trấn Houla để ủng hộ cuộc phản kháng tại Rastan. Có tin một đơn vị lính đào ngũ mới đã được thành lập. Cuộc phản kháng vũ trang tại Rastan cho thấy xung đột tại Syria đang có chiều hướng ngả sang đối đầu vũ trang.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.