Vào nội dung chính
BELARUS - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Bị chỉ trích về nhân quyền, Belarus tẩy chay «Đối tác phương Đông»

Hôm nay, 30/9/2011, Belarus đã quyết định không tham gia hội nghị thượng đỉnh « Đối tác phương Đông », tập hợp các quốc gia Liên hiệp châu Âu và sáu nước thuộc Liên Xô cũ. Trước đó, Belarus đã bị chỉ trích dữ dội do tổng thống Alexandre Loukachenko đàn áp đối lập.

Thủ tướng Merkel gặp các lãnh đạo đối lập Belarus bên lề Diễn đàn Đối tác phương Đông ngày 29/9/2011.
Thủ tướng Merkel gặp các lãnh đạo đối lập Belarus bên lề Diễn đàn Đối tác phương Đông ngày 29/9/2011. REUTERS/Bundesregierung/Jesco Denzel/Pool
Quảng cáo

Quyết định tẩy chay này được xem là phản ứng của chế độ Belarus trước các phê phán của châu Âu, do Minsk đã liên tục trấn áp phe đối lập kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 2010.

Hôm nay, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố bên lề hội nghị:  “Thái độ của chế độ Belarus đối với những người đối lập hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đối lập bị đàn áp, và chúng tôi sẽ cân nhắc xem làm cách nào để hỗ trợ họ ».

Tối qua, Liên hiệp châu Âu cũng đã ngưng mọi hình thức hợp tác với Belarus, nếu chính phủ nước này không trả tự do cho các nhà đối lập chính trị. Châu Âu cũng đe dọa có những biện pháp trừng phạt mới lên chế độ của tổng thống Alexandre Loukachenko, được mệnh danh là « nhà độc tài cuối cùng của châu Âu ».

Để chứng tỏ quyết tâm, nhiều lãnh đạo châu Âu như thủ tướng Đức, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu, thủ tướng Ba Lan đã gặp gỡ các nhà đối lập Belarus bên lề hội nghị. Đây là sự kiện xưa nay chưa có tiền lệ.

Bộ Ngoại giao Belarus thì tố cáo « các biện pháp phân biệt đối xử chưa từng thấy », « một sự vi phạm hiển nhiên các nguyên tắc cơ bản của Diễn đàn Đối tác phương Đông, vốn đã được đề ra tại Praha vào năm 2009 ». Thông cáo của bộ này cho rằng: « Không có Belarus, Diễn đàn Đối tác phương Đông đã mất đi rất nhiều ý nghĩa ».

Tổng thống Belarus đã bị cấm nhập cảnh vào Liên hiệp châu Âu, nên Ngoại trưởng Belarus đã được mời tham dự diễn đàn thay cho ông Alexandre Loukachenko. Bất mãn vì việc này, Minsk chỉ dự định gởi một đại sứ đến, nhưng cuối cùng đã quyết định tẩy chay hội nghị.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan, nước đang là chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu, tuyên bố : « Chúng tôi rất tiếc là chế độ Belarus đã làm cô lập một đất nước có 10 triệu dân, thay vì hợp tác có lợi với châu Âu ».

Diễn đàn Đối tác phương Đông tập hợp 27 quốc gia Liên hiệp châu Âu và sáu nước thuộc Liên Xô cũ là Belarus, Ukraina, Moldavia, Gruzia, Azerbaijan và Armenia. Đây là sáng kiến của Ba Lan và Thụy Điển, nhằm hỗ trợ cho dân chủ và ổn định tại các nước láng giềng Đông Âu, thoát ra khỏi ảnh hưởng của Matxcơva. Nhưng sau hai năm thành lập, kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.