Vào nội dung chính
HOA KỲ-BẮC TRIỀU TIÊN

Mỹ - Bắc Triều Tiên có thể lại đàm phán song phương về hạt nhân

Theo một quan chức Hàn Quốc,  Mỹ và Bắc Triều Tiên chuẩn bị nối lại đàm phán trên hồ sơ hạt nhân trong tháng 10. Đây là cuộc tiếp xúc song phương thứ nhì giữa đại diện hai nước. Nhiều khả năng cuộc đàm phán này diễn ra sau thượng đỉnh Hoa Kỳ - Hàn Quốc được dự trù vào ngày 13/10/11.

Đặc phái viên của Bình Nhưỡng  Ri Yong-ho (giữa) đang liên tục các cuộc tiếp xúc song phương về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Đặc phái viên của Bình Nhưỡng Ri Yong-ho (giữa) đang liên tục các cuộc tiếp xúc song phương về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. REUTERS/Kim Hyun-tae/Yonhap
Quảng cáo

Hãng thông tấn Hàn QuốcYonhap hôm nay (02/10/11) trích dẫn lời một quan chức cao cấp của Seoul, theo đó, nhiều khả năng Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên  gặp lại nhau lần thứ nhì trong tháng này để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cuộc tiếp xúc sông phương lần thứ hai này được dự trù diễn ra sau khi tổng thống Mỹ, Barack Obama tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc, Lee Myung Bak tại Washington vào ngày 13/10/11. Báo giới Hàn Quốc coi đây là nỗ lực của cả hai phía để thúc đẩy trở lại các vòng đàm phán sáu bên.

Vẫn theo lời quan chức của Seoul được Yonhap trích dẫn, chương trình làm giàu chất uranium -gọi tắt là UEP- của Bắc Triều Tiên hiện là mối quan tâm hàng đầu của quốc tế. Trong trường hợp vòng đàm phán sáu bên được nối lại, thì đây sẽ là đề tài hàng đầu  mà các bên sẽ thảo luận, vì quốc tế lo ngại Bắc Triều Tiên có thể chế tạo vũ khí nguyên tử với chương trình UEP.

Từ tháng 7 tới nay, cả Hàn Quốc lẫn Hoa Kỳ đều đã tiến hành một số các cuộc đàm phán song phương với Bắc Triều Tiên để thảo luận về các điều kiện tiền đề cho các cuộc thương lượng đa phương, với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ và hai nước Triều Tiên.

Seoul và Washington đòi Bình Nhưỡng chấm dứt tất cả các hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử, kể cả việc làm giàu chất uranium, ngưng thử nghiệm tên lửa và cho phép thanh tra viên quốc tế trở lại giám sát các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên để đổi lấy viện trợ kinh tế.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.