Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Châu Âu kêu gọi thế giới thông qua kế hoạch chung chống biến đổi khí hậu

Kể từ hôm qua, 02/10/2011, các nhà thương thuyết từ mọi nơi trên thế giới đã tề tựu về thành phố Panama, vùng Trung Mỹ, để tham gia đại hội trù bị, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc chống biến đổi khí hậu, sẽ khai mạc tại Durban, Nam Phi từ ngày 28/11 tới đây.

Đại hội chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Panama về khí hậu (DR)
Đại hội chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Panama về khí hậu (DR)
Quảng cáo

Trong bối cảnh bất đồng giữa các nước lớn làm cho thế giới khó đạt được một hiệp ước chung, Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp thảo ra một lộ trình hành động chung cho tương lai ngay trong năm nay. 

Phát biểu với báo chí vào hôm qua tại Panama, ông Artur Runge-Metzger, trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Liên Hiệp Châu Âu đã tỉnh táo nhận định rằng : « Chúng tôi dư biết là Hội nghị Durban sẽ không đạt được một kết quả pháp lý mới nào, sẽ không thông qua được một hiệp ước nào ». 

Tuy nhiên, tình thế đang bức bách, do đó nhà thương thuyết châu Âu cho rằng : « Điều mà chúng ta cần phải đúc kết ở Durban là một lộ trình hướng tới một khuôn khổ pháp lý toàn cầu ». Đối với ông Artur Runge-Metzger, tất cả các nước đều phải đưa ra những cam kết giảm khí thải cụ thể, rõ ràng, nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Cũng nên nhắc lại là vào năm 2012 tới đây, Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải carbon, sẽ hết hiệu lực, và cần phải được thay thế bằng một văn kiện mới. Tuy nhiên, các mối bất đồng nghiêm trọng giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước đang vươn lên đã làm cho hai hội nghị gần đây tại Copenhagen (2009) và Cancun (2010) thất bại trong việc thảo ra một dự thảo hiệp ước mới. 

Trong tình hình đó, Liên Hiệp Châu Âu đã đề nghị một vòng đàm phán mới trên cơ sở Nghị định thư Kyoto, nhằm thúc đẩy các quốc gia tiếp tục cam kết giảm thải khí carbon để cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu không bị gián đoạn. 

Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đang vươn lên, được Nghị định thư Kyoto ưu đãi, đã hoan nghênh đề nghị của Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời thúc giục các nước giàu giữ lời hứa giúp các nước nghèo nhất để đối phó với biến đổi khí hậu. 

Vấn đề đặt ra là từ năm 1997 khi Nghị định thư Kyoto được thông qua đến nay, nhiều nước mới nổi đã trở thành những nguồn thải khí CO2 đáng kể, điển hình là Trung Quốc đã vươn lên thành nước thải khí carbon thuộc loại nhiều nhất hành tinh, chỉ sau Hoa Kỳ. Các nước này vẫn không muốn bị ràng buộc bằng những chỉ tiêu giảm khí thải cụ thể. 

Chính vì vậy mà các nước công nghiệp phát triển như Canada, Nga và Nhật Bản, dù là thành viên Nghị định thư Kyoto, nhưng cho biết là họ sẽ không tham gia vòng đàm phán mới nếu sự kiện này không bao gồm các nền kinh tế mới trổi dậy. 

Riêng Úc và Na Uy thì đề nghị kéo dài đàm phán cho tới năm 2015 là hạn chót để hình thành ra một hiệp định mới, và nhất là với sự tham gia của tất cả các nước giàu cũng như các nước đang phát triển. 

Hội nghị tại Panama sẽ kéo dài cho đến ngày 07/10/2011.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.