Vào nội dung chính
SYRIA

Bị cô lập, chính quyền Syria ám sát đối lập để trả thù

Từng bước, đối lập Syria gây sức ép ngoại giao cô lập chính quyền Damas. Hôm nay, 08/10/2011 tại Cairo, Hội Đồng Quốc Gia Syria bầu ban chấp hành và chủ tịch. Để trả đũa, chính quyền Damas hạ sát thủ lãnh đối lập người Kurdistan thành viên của Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời.

Dân Syria biểu tình nhân ngày thứ sáu cầu nguyện 7/10/2011 (Reuters)
Dân Syria biểu tình nhân ngày thứ sáu cầu nguyện 7/10/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Các nước Tây phương ngay lập tức lên án hành động leo thang bạo lực của chế độ Syria trong lúc Maxtcơva lần đầu tiên nói đến giải pháp tổng thống Bachar al-Assad phải từ chức. 

Phải chăng chế độ Syria đang rơi vào kịch bản của Libya ? Thái độ cản trở của Nga và Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An cũng như lập trường của đối lập Syria không chủ trương kêu gọi nước ngoài can thiệp là hai yếu tố chính cho phép loại trừ khả năng NATO hỗ trợ quân sự lật đổ chế độ Damas.

Tuy nhiên, nhiều sự kiện đang xảy ra tại Syria và phản ứng của quốc tế cho thấy là chính quyền của tổng thống Bachar al-Assad đang từng bước rơi vào bánh xe đổ của đại tá Kadhafi.

Trước hết, ngày cầu nguyện thứ sáu hôm qua (7/10/2011) một lần nữa là một ngày đẫm máu. Công an quân đội đã hạ sát 16 thường dân tại nhiều thành phố lớn khi dân chúng biểu tình xé chân dung tổng thống al-Assad, xé cờ Trung Quốc và Nga.

Nhưng thái độ nghiêm trọng hơn cả là sự kiện hai lãnh đạo đối lập, một người bị giết tại tư gia ở Qamichli còn người thứ hai bị đánh đập trước cổng nhà thờ Hồi giáo tại Damas.

Người bị bốn kẻ bịt mặt xông vào nhà bắn chết là ông Mechaal Tamo, 53 tuổi, thủ lãnh sắc tộc Kurdistan, vừa mãn án 3 năm rưỡi tù giam. Con trai ông và một đồng nghiệp bị thương trong vụ khủng bố này.

Cùng lúc đó tại Damas, cựu dân biểu Riad Seif bị công an sắc phục tấn công trước cổng nhà thờ Hồi giáo al-Hassan phải nhập viện điều trị thương tích.

Đối lập Syria tố cáo chính quyền Damas từ trấn áp đã bước sang giai đoạn « trả thù » và đây là dấu hiệu cho thấy chế độ càng ngày càng mất bình tĩnh.

Lãnh đạo sắc tộc Kurdistan là một nhà đối lập có uy tín trong nước, thành viên của Hội Đồng Quốc Gia Syria. Chính ông Mechaal Tamo đã góp phần vào việc thành lập Hội Đồng Quốc Gia Syria, một hình thức chính quyền lâm thời để điều hợp một chiến lược tranh đấu chung trong và ngoài nước. Gần đây, ông đã bác bỏ một đề nghị của chính phủ kêu gọi phong trào người Kurdistan đối thoại.

Medvedev : "Tổng thống Syria phải ra đi nếu không cải cách"

Tại Tây phương, Paris tố cáo « hành động thô bạo » trong khi Hoa Kỳ lên án Damas « leo thang » đàn áp và kêu gọi ông al-Assad « từ chức tức khắc ». Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nhận định là ông Assad phải ra đi trước khi Syria đi sâu vào con đường leo thang bạo lực rất nguy hiểm.

Thế nhưng phản ứng gây ngạc nhiên lại đến từ Maxcơva. Lần đầu tiên, tổng thống Medvedev đề cập đến giải pháp bỏ rơi nhà độc tài đồng minh Syria. Ông nói rằng Nga « cùng làm việc tích cực với giới lãnh đạo Syria tiến hành cải cách thiết yếu nhưng nếu họ làm không xong thì phải ra đi, và đây là quyền tự quyết của dân Syria ».

Chính quyền Syria đã sử dụng đến hành động xâm hại đến các lãnh đạo đối lập ba ngày sau khi Nga và Trung Quốc ngăn chận một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về Syria. Phải nói rằng thái độ này đã làm cho người dân Syria bất bình. Ngay vào đêm hôm sau, một văn phòng dầu hỏa của Nga tại Homs đã bị bắn nhiều phát súng .

Đối với đối lập Syria, số phận của chế độ al-Assad đã được an bài vấn đề chỉ là thời gian. Từ nay, đối lập đã có một cơ quan lãnh đạo chung. Bước kế tiếp là sẽ hoặc định một chiến lược vận động xin được Liên Đoàn Ả Rập và quốc tế công nhận như là đại diện chính thức và hợp pháp của toàn dân Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.