Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NGÂN HÀNG

Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi khẩn cấp tăng vốn cho các ngân hàng

Theo AFP, hôm qua (12/10), chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đẽ kêu gọi các nước châu Âu “khẩn cấp” tăng vốn cho các ngân hàng của mình để ngăn chặn khủng hoảng nợ công lây lan, làm mất ổn định kinh tế thế giới.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso (phải) và Ủy viên Kinh tế và Tài chính Olli Rehn trước phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu tại Brussels, 12/10/2011.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso (phải) và Ủy viên Kinh tế và Tài chính Olli Rehn trước phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu tại Brussels, 12/10/2011. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Trước Nghị viện châu Âu tại Bruxelles, ông Barroso nói cần phải khẩn trương cấp thêm vốn cho các ngân hàng nhưng không đưa ra con số cụ thể. Chủ tịch Ủy ban châu Âu giải thích, để tăng nguồn tín dụng, các ngân hàng có thể kêu gọi các nguồn vốn tư nhân, nếu cần thiết thì các chính phủ liên quan phải trợ giúp. Trong trường hợp các quốc gia không đủ khả năng cứu giúp, thì các ngân hàng có thể vay của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu ( FESF).

Để kiểm soát các ngân hàng, ông Barroso yêu cầu cấm việc chia thưởng hay lợi tức cổ đông trước khi thực hiện tăng mức vốn. Mức vốn riêng tối thiểu của các ngân theo quy định cũng sẽ phải được tăng lên 9% so với lượng tín dụng cho vay. Mức cao hơn so với quy định hiện hành của châu Âu chỉ ở trong khoảng 6 đến 7%.

Một giải pháp khác cũng được châu Âu đưa ra là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tiền của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu đối với những nước đang gặp khó khăn trong đối phó với khủng hoảng nợ. Nhiều kịch bản đã được phác họa, như FESF có thể chuyển sang hoạt động như một ngân hàng và cấp tín dụng qua Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Quỹ bình ổn cũng có thể giữ vai trò bảo hiểm cho những chủ nợ và trả một phần thua lỗ của họ, nếu quốc gia đó vỡ nợ. Như vậy Quỹ bình ổn dùng để bảo đảm cho việc Ngân hàng Trung ương châu Âu mua lại nợ công.
Chủ tịch Barroso cũng ủng hộ việc đưa vào họat động sớm, khoảng giữa năm 2012, cơ chế tài chính mới thay thế cho Quỹ FESF, gọi là Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (MES) được trang bị nguồn vốn có khả năng cho vay tới 500 tỷ euro. Hiện tại, Quỹ FESF mới có khả năng cho vay 440 tỷ euro.

Quốc hội Slovakia bỏ phiếu lần 2 về Quỹ bình ổn tài chính

Từ nay đến ngày mai, Quốc hội Slovakia sẽ phải tiến hành bỏ phiếu lần hai để quyết định việc nâng vốn cho quỹ bình ổn tài chính châu Âu.

Theo AFP, Quốc hội Slovakia đã đạt được thỏa thuận với phe đối lập cánh tả Xã hội – Dân chủ (Smer-SD) để chuẩn bị bỏ phiếu thông qua việc tăng cường nguồn vốn cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu.

Lãnh đạo Smer-SD, ông Robert Fico hôm qua đã tuyên bố trước các nhà báo rằng dảng của ông đã nhất trí bỏ phiếu thông qua việc tăng vốn cho FESF. Ông cũng nói thêm là, việc bỏ phiếu sẽ tiến hành chậm nhất vào ngày thứ Sáu và cam đoan quốc hội sẽ phê chuẩn việc nâng quỹ FESF không có vấn đề gì. Đổi lại, trước đó phe đối lập Xã hội-Dân chủ đã đạt được cam kết tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn, dự tính vào tháng 3 năm 2012.

Slovakia là quốc gia cuối cùng trong khối euro phê chuẩn việc nâng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu lên mức 440 tỷ euro. Việc phê chuẩn đã rơi bế tắc, với việc Quốc hội Slovakia bỏ phiếu chống, trong lần bỏ phiếu thứ nhất hôm 11/ 10.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.