Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - KINH TẾ

G20: châu Âu cam kết tái ổn định khu vực đồng euro

Kết thúc hai ngày họp cấp bộ trưởng kinh tế và tài chính nhóm G20 tại Paris hôm nay 15/10/2011, Châu Âu cam kết nhanh chóng đưa ra một kế hoạch tái ổn định khu vực đồng euro. Pháp hiện giữ chức chủ tịch luân phiên 20 nền kinh tế có trọng lượng nhất thế giới.

Bộ trưởng tài chính Pháp F.Baroin tại cuộc họp G20 ở Paris (Reuters)
Bộ trưởng tài chính Pháp F.Baroin tại cuộc họp G20 ở Paris (Reuters)
Quảng cáo

Tuyên bố chung kết thúc cuộc họp Paris, nhóm G20 đề cao quyết tâm của khối euro nhanh chóng giải quyết khủng hoảng. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lo ngại khủng hoảng của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu đe dọa đến kinh tế toàn cầu, Bruxelles loan báo là trong những ngày tới sẽ đề xuất một loạt các biện pháp để đem lại ổn định cho khu vực.

Pháp và Đức cam kết nhân thượng đỉnh châu Âu vào ngày 23/10/11 sẽ trình bày kế hoạch tăng vốn cho các ngân hàng để đối phó với đe dọa một số thành viên mất khả năng thanh toán ; nâng vốn và khả năng can thiệp của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu – FESF.

Theo quan điểm của Bruxelles, củng cố mức vốn của ngân hàng là biện pháp hữu hiệu để giúp các cơ quan tài chính đối phó với khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Ngoài ra, châu Âu cũng đang nghiên cứu khả năng xóa một phần nợ công cho Hy Lạp, chủ yếu là khoản nợ do tư nhân nắm giữ.

Theo Reuters, kế hoạch chấn chỉnh kinh tế của khối euro sẽ được tiết lộ nhân thượng đỉnh G20 tổ chức tại thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp trong hai ngày 3 và 4 tháng 11.

Bên cạnh lo ngại về những khó khăn của khối euro, nhiều thành viên trong nhóm G20 như là Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ còn chú trọng đến khả nâng vốn cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để trong trường hợp cần thiết, IMF có thể can thiệp, ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng đến những thành viên khối euro có trọng lượng kinh tế quan trong hơn Hy Lạp, như là Ý hay Tây Ban Nha. Pháp ủng hộ lập trường của nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Riêng Đức, Nhật Bản và đặc biệt là Hoa Kỳ thì tỏ ra thận trọng hơn. Mỹ do phải đóng góp nhiều nhất cho IMF quan niệm rằng đó là một biện pháp chưa cần thiết. Chủ đề này sẽ được thảo luận tiếp tại thượng đỉnh G20 ở Cannes vào đầu tháng 11.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.