Vào nội dung chính
TÂY BAN NHA

Tài chánh Tây Ban Nha : Nỗi lo của vùng đồng euro

Trên bình diện kinh tế, Tây Ban Nha lại gây lo ngại. Nước này vừa bị cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm hôm qua 14/10/2011. Nếu Le Figaro nhận định là cường quốc kinh tế thứ tư châu Âu này chưa thoát khỏi vũng lầy, thì Le Monde quay sang tìm hiểu vì sao những nước "ích kỷ" của vùng đồng euro lại không muốn cứu giúp ‘những mắt xích yếu’ trong khối.

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha tại thủ đô Madrid (Getty Images)
Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha tại thủ đô Madrid (Getty Images)
Quảng cáo

Trước hết, cơ quan thẩm định tài chánh S&P đã vẽ ra một bức tranh đen tối về kinh tế Tây Ban Nha để hạ một nấc điểm tín nhiệm từ AA xuống AA- : Viễn ảnh tăng trưởng bấp bênh ; thất nghiệp cao ; môi trường tài chính khó khăn. Le Figaro phản ánh sự kiện này khi nhìn xét là Tây Ban Nha chưa ra khỏi vũng lầy. 

Tờ báo nhắc lại trước đây một tuần, cơ quan Fitch cũng đã hạ điểm Tây Ban Nha. Theo các cơ quan thẩm định tài chính, chính quyền Madrid khó thể vực dậy nền kinh tế Tây Ban Nha một cách nhanh chóng. Triển vọng tăng trưởng năm 2012, đối với S&P, chỉ sẽ là 1% thay vì 2,3% như chính phủ dự kiến. 

Trong kịch bản đen tối hơn, tức là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu giảm sụt thêm, GDP của Tây Ban Nha còn có nguy cơ tuột 0,5%. Chính quyền Madrid bị chỉ trích là không đưa ra được biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình thất nghiệp đang ở mức rất cao, khoảng 20%. Bên cạnh đó thì Tây Ban Nha, cho dù đã ban hành một loạt biện pháp khắc khổ, nhưng sẽ khó đạt chỉ tiêu giảm thâm thủng ngân sách xuống 6% năm nay và 4,4% cho năm 2012. 

Trong bài phân tích tựa đề « Khoảng cách ngày sâu rộng hơn giữa một phương Nam đi tìm tăng trưởng và một phương Bắc xuất khẩu, tờ báo nêu bật tình hình hầu như bế tắc hiện nay của các quốc gia miền Nam Âu, từ Hy Lạp, Tây Ban Nha cho đến Bồ Đào Nha. Le Figaro còn so sánh với Ireland, nước đã từng khốn đốn với khủng hoảng ngân hàng, phải chịu 3 năm suy thoái và thâm thủng ngân sách tăng vọt, lên đến 32% GDP vào năm ngoái, nhưng đã vực dậy được nền tài chính của mình và được cơ quan S&P vừa qua dự kiến tăng điểm tín nhiệm. 

Theo Le Figaro, hai sự kiện nói trên - hạ điểm Tây Ban Nha và đánh giá Ireland tốt hơn, phản ánh một châu Âu nhiều vận tốc, với những mô hình tăng trưởng khác biệt, giữ một phương Bắc xuất khẩu và một phương Nam thiếu sức cạnh tranh. Điều này nhìn thấy rõ qua các chỉ số GDP. 

Le Figaro ghi nhận là cho dù cùng được châu Âu hỗ trợ nhưng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chưa bao giờ có được nhịp độ phát triển như Ireland. Và điều mà các thị trường tài chính trưng phạt khi hạ điểm tín nhiệm, chính sự yếu kém tăng trưởng này trong trường hợp của Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. 

Họ biết rằng kinh tế các quốc gia này chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa, tức là nhu cầu của chính phủ cũng như tư nhân. Nhưng từ mấy tháng qua, các kế hoạch thắt lưng buộc bụng đã có tác động tiêu cực nặng nề. Chính phủ không còn tiền để chi tiêu, các hộ gia đình lại mang nợ nhiều phải dè xẻn tiết kiệm. Các công ty xí nghiệp khó tìm được tín dụng, không thấy viễn cảnh sáng sủa, và không đầu tư nữa. 

Giới kinh tế cũng nêu bật việc các quốc gia đó thiếu cải tổ cơ cấu, về giáo dục, thị trường lao động, y tế, những điều mà chính phủ các nước này đã không biết thực hiện trong những lúc còn hưng thịnh. 

Theo Le Figaro, bài toán hiện nay không dễ giải quyết. Làm sao các nước Nam Âu có thể vực dậy cỗ máy kinh tế khi mà họ bị ép buộc phải có những chính sách ngày càng khắc khổ hơn. Xu hướng này cũng lan rộng ở châu Âu, đến nỗi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE đã phải lên tiếng lo ngại. 

Cho dù Bồ Đào Nha muốn dựa trên xuất khẩu, nhưng những ngành xuất khẩu truyền thống như vải sợi của họ lại bị sự cạnh tranh của các quốc gia đang vươn lên. Nhìn lên phiá Bắc Âu, những nước giàu tài nguyên, giàu năng lượng như Hà Lan, Na Uy, hoặc giàu về công nghệ học như Ireland, Phần Lan, Thụy Điển, thì rõ ràng là đang bỏ xa các nước phưong Nam. 

Nếu muốn bắt kịp chậm trễ, những quốc gia phương Nam chỉ còn con đường cải tổ nhanh chóng. Nhưng không thể nào làm được việc này nếu không lấy lại được sự tin tưởng và có phương tiện tài chính cần thiết. Le Figaro nhìn thấy là châu Âu phải đoàn kết hơn nữa và phải phối hợp chặt chẽ hơn về kinh tế. Đấy là để bảo vệ quyền lợi chung của châu Âu. 

Vạch mặt chỉ tên các nước "ích kỷ" trong khu vực đồng euro 

Báo Le Monde trở lại việc nền kinh tế đứng hàng thứ tư của vùng đồng euro bị hạ điểm và còn nhắc thêm là S&P rất bi quan trước tình hình Tây Ban Nha, cho biết sẽ còn hạ điểm thấp thêm nếu như kinh tế nước này bị co thắt lại vào năm 2012, hay việc cải tổ thị trường lao động hoặc những biện pháp nhằm tạo công ăn việc làm không được thực hiện. 

Về tinh thần liên đới châu Âu như đồng nghiệp Le Figaro gợi lên, Le Monde dành một bài báo dài nói đến những nước ‘ích kỷ’ của vùng đồng euro, tìm hiểu lý do tại sao họ lại không muốn giúp đỡ ‘những mắt xích yếu’ - tít của bài báo – và nêu bật 4 kẻ ích kỷ. 

Trước tiên hết là Slovakia, không muốn phải chi trả cho những nước giàu hơn mình, một thái độ mà Le Monde cho là dễ hiểu của người dân Slovakia. Nước Đông Âu cũ này mới bước vào vùng sử dụng đồng euro vào năm 2009, nhưng vẫn là một quốc gia nghèo, còn nghèo hơn cả Hy Lạp, nghèo hơn những quốc gia đang khó khăn hiện nay mà Slovakia cho là phải cứu giúp. Lương hưu của một công chức Slovakia, tính trung bình chỉ là 600 euro, trong khi hưu bổng trung bình một vìên chức Hy Lạp là 850 euro. 

Quốc gia thứ hai là Hà Lan, nổi tiếng là chặt chẽ trong chi tiêu. Thâm thủng ngân sách Hà Lan là 3,8% GDP năm 2011 và xuống 2,8% năm 2012, còn thấp hơn ngưỡng quy ước 3%. Cho nên người Hà Lan không hiểu là tại sao họ cứ phải liên tục giúp một nước như Hy Lạp mà theo giới kinh tế Hà Lan, cả trong 50 năm qua không hề đưa ra được ra được một ngân sách cân đối. 

Kẻ ích kỷ khác là Phần Lan, quốc gia mà nền tài chính rất lành mạnh mặc dù có khủng hoảng. Trong năm 2012, ngân sách Phần Lan không thâm hụt mà thậm chí thặng dư. Cho nên nước này không thấy tại sao phải giúp Hy Lạp, vốn đã không tôn trọng luật chơi. Thật ra thì Phần Lan cũng đang co cụm và là quốc gia có thái độ thật sự hoài nghi châu Âu. 

Kẻ ích kỷ thứ 4 mà bài báo nêu bật là Đức, vẫn còn bị gánh nặng thống nhất ám ảnh. Vùng Tây Đức đã phải trả 1.300 tỷ euro trong vòng 20 năm cho việc gánh vác Đông Đức sau khi thống nhất. Người Đức cho là họ đã chịu khổ để vực dậy tài chính của họ. Thâm thủng ngân sách của nước Đức là 0,9% GDP trong năm nay. Giới kinh tế Đức lo ngại là những khoản tiền tung ra để trợ giúp các quốc gia khó khăn như Hy Lạp "sẽ không ngừng tăng lên". 

Le Monde cho là Đức không hẳn là ích kỷ, nhưng là quốc gia rất nghiêm khắc, rất có kỷ luật trong chi tiêu. Họ chỉ muốn đồng tiền trợ giúp bỏ ra, phải đi kèm với những bảo đảm chắc chắn. 

Pháp : Đảng Xã hội tạm chiếm lĩnh sân khấu chính trị 

Cuộc bỏ phiếu sơ bộ vòng hai vào ngày mai của Đảng Xã Hội, đề cử ứng viên tổng thống của đảng vào năm 2012, tiếp tục là chủ đề thời sự quan trọng của các nhật báo Pháp. 

Libération đưa cả hai chân dung hai ứng viên, ông Hollande và bà Aubry trên trang nhất với hai câu hỏi : « Bà hay ông ? », duới bức chân dung của ông Hollande và « Ông hay bà ? » dưới bức hình của bà Aubry. Tuy đặt câu hỏi nhưng Libération nghĩ là ông Hollande nhiều triển vọng thắng hơn là bà Aubry, vì tờ báo nhắc lại rằng ông Hollande được hậu thuẫn của các ứng viên khác đã thua cuộc trong vòng đầu như bà Royal và các ông Baylet, Valls, Montebourg. 

Báo Le Figaro thì chú ý đến « Cuộc phản công của đảng UMPcánh hữu vào các dự án của đảng Xã hội », bị họ chỉ trích là không thực tế. Tờ báo thiên hữu tỏ ra bực mình trước việc đảng Xã hội đã chiếm lĩnh sân khấu chính trị Pháp với cuộc bầu cử sơ bộ. 

Trong bài xã luận tựa đề « Bong bóng (đảng) Xã Hội, le Figaro cho là từ cả tháng qua, nước Pháp sống theo nhịp cuộc bầu sơ bộ này. Nó chiếm lĩnh các làn sóng truyền thanh cũng như màn ảnh truyền hình đến nỗi mà người ta đã quên đi đời sống thực tế hàng ngày. Người Pháp như sống trong quả bong bóng của đảng Xã hội. Thứ Hai ngày mai, người ta sẽ biết tên người thắng cuộc, và sẽ trở lại cuộc sống thực. 

Trung Quốc : Cuộc chiến giữa các lãnh đạo khai diễn 

Về châu Á hôm nay, Le Figaro nhìn sang Trung Quốc với sự kiện Hội nghị toàn thề Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khai mạc vào hôm nay. Đối với Le Figaro, Đảng Cộng sản Trung Quốc mở cuộc chiến giữa các lãnh đạo. Tờ báo giải thích là Hội nghị này nhằm chuẩn bị công cuộc chuyển tiếp chính trị. 

Đây là cuộc họp kín của các lãnh đạo tối cao, kéo dài trong 4 ngày. Hội nghị lần này là hội nghị cuối cùng trước Đại hội Đảng năm 2012 mà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc cho cả thập kỷ tới sẽ được chỉ định. 

Theo tờ báo, với tầm quan trọng của Hội nghị này, chủ đề chính đưa ra - ‘cải tổ văn hóa’ - quả thật đáng ngạc nhiên. Nhưng tờ báo cũng miả mai cho là phải đưa ra một chủ đề gì đấy để họp lại và bàn chuyện... khác. 

Theo tờ báo ở hậu trường, số 370 thành viên Ban Chấp hành sẽ bàn thảo về kinh tế, về các vấn đề xã hội, và dĩ nhiên là có đấu đá giữa các phe cánh, tranh giành nhâu để đưa người vào những chỗ quyền hành mà họ muốn giành cho năm tới đây, nhất là ghế trong ban thường vụ Bộ Chính trị. 

Le Figaro trở lại chủ đề văn hoá được chọn thành chủ đề Hội nghị. Tờ báo cho là thật ra nó không phải không có ẩn ý, và nó là cơ hội một cuộc đối đầu gay gắt giữa hai gương mặt nặng ký, đều nhòm ngó ghế Ủy viên Thường vụ : Ông Bạc Hy Lai, lãnh đạo Trùng Khánh, tôn sùng chủ nghiã Mao, và bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương, cởi mở, chủ trương nhiều tự do hơn, muốn hạn chế sự can thiệp của đảng trong lãnh vực kinh tế. 

Theo Le Figaro nói một cách đại khái, hai nhân vật này là biểu tượng hai trào lưu lớn đối chọi nhau ở Trung Quốc. 

Văn hóa Á Đông phức hợp hơn là phức tạp 

Cũng về Châu Á, nhật báo Công giáo La Croix hai ngày cuối tuần 15 và 16/10 đã dành hồ sơ chính với 4 trang báo đầu tiên cho văn hóa Á Đông. Dưới tựa đề chung nổi bật trên trang nhất : « Những câu chuyện về phương Đông », tờ báo Pháp tìm cách giải mã điều thường được xem là bí hiểm của các nền văn hóa Á Đông và khẳng định rằng các nền văn hóa xa xôi đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho cả phương Đông lẫn phương Tây. 

Nhân đợt sinh hoạt văn hóa mang tên Les Rendez-vous de l’Histoire (Cuộc hẹn với Lịch sử) tại thành phố Blois (miền Trung nước Pháp) mà ấn bản lần thứ 14 vừa khai mạc hôm 13/10, với chủ đề « Phương Đông », báo La Croix đã nhờ một số nhà nghiên cứu Pháp giải thích thêm về các nền văn hóa như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản thường được người Pháp cho là không tài nào hiểu được. 

Theo các chuyên gia như giáo sư chính trị quốc tế Jean Pierre Cabestan tại trường Đại học Hồng Kông, hay bà Stéphanie Balme thuộc viện khoa học chính trị Sciences Po tại Paris, nhưng đang thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, thì Á Đông nói chung mang nhiều tính chất phức hợp hơn là phức tạp.

Sở dĩ người phương Tây gặp khó khăn trong việc hiểu được Á Đông, đó là vì tính chất đa dạng của các nền văn hóa và dân tộc chung sống cạnh nhau, cũng như sự tồn tại của vô số các tôn giáo, triết lý trong khu vực. Trước sự đa dạng và phức hợp đó, thay vì cố gắng tìm hiểu, đa số người phương Tây lại nhìn Á Đông qua lăng kính riêng mình, dẫn đến kết luận là phương Đông quá phức tạp. 

Lấy ví dụ về trường hợp Trung Quốc, hai nhà nghiên cứu kể trên cho rằng chính vì không hiểu được đến nơi đến chốn về các nền văn hóa đó, mà trong lịch sử, phương Tây thoạt đầu đã huyền thoại hóa vùng Viễn Đông xa lạ, trước khi quỷ quái hóa khu vực này từ giữa thế kỷ thứ 19 cho đến giữa thế kỷ 20. Tột đỉnh của tâm lý hằn học này là khái niệm « hiểm họa da vàng ». 

Tuy nhiên, với tiến trình toàn cầu hóa tăng tốc trong hơn nửa thế kỷ nay, phương Đông đang ngày càng trở nên gần gụi hơn với người phương Tây. Thế nhưng, theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, « Điều đó không có nghĩa là Đông - Tây đã hiểu nhau tốt hơn bởi vì công cuộc toàn cầu hóa lại các tác động ngược là làm gia tăng tâm lý co cụm, bảo hộ mậu dịch, và cả mối lo về hiểm họa Trung Quốc… ». 

Do đà vươn lên nhanh chóng của Trung Quốc hiện nay, phải chăng quả lắc của lịch sử đang lại quay trở lại với khái niệm « hiểm họa da vàng » như trước đây ? Bà Stéphanie Balme, trong tập khảo luận về Trung Quốc của mình đã kêu gọi mọi người « Sáng tạo ra một phương pháp tiếp cận mới về Trung Quốc phù hợp hơn với những thay đổi đầy ấn tượng của nước này ».

Theo La Croix, lời khuyên đầy khôn ngoan này hoàn toàn có thể được áp dụng cho toàn bộ châu Á nói chung. 

Đặc biệt trong tập hồ sơ về văn hóa Á Đông của mình, báo La Croix đã ghi nhận cảm nghĩ của ba văn nghệ sĩ trí thức Châu Á về nhịp cầu Á Âu. Bên cạnh một triết gia và một nữ nghệ sĩ dương cầm Trung Quốc, La Croix đã phỏng vấn chị Kim Thúy, một nữ văn sĩ Canada, sinh trưởng tại Việt Nam mà tác phẩm viết bằng tiếng Pháp có tựa đề Việt ngữ là Ru đã được xuất bản tại Pháp. 

Trả lời báo La Croix, nhà văn Kim Thúy đã rất rõ ràng : Trong các xã hội phương Đông, « Các mối quan hệ giữa con người với nhau có vẻ ấm cúng hơn. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.