Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN - IAEA

Hoa Kỳ đòi hỏi IAEA công bố dữ liệu nguyên tử của Iran

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang gây áp lực lên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA để cơ quan này tiết lộ các dữ liệu cho thấy Iran đang tích cực triển khai kế hoạch vũ khí nguyên tử.Tờ New York Times hôm nay (16/10) đã cho biết như trên.

Người đứng đầu cơ quan nguyên tử Iran Fereyoun Abbasi-Davani phát biểu trong hội nghị quốc tế lần thứ 55 của IAEA tại Vienna ngày 19/09/2011.
Người đứng đầu cơ quan nguyên tử Iran Fereyoun Abbasi-Davani phát biểu trong hội nghị quốc tế lần thứ 55 của IAEA tại Vienna ngày 19/09/2011. REUTERS/Herwig Prammer
Quảng cáo

New York Times trích lời một viên chức cao cấp giấu tên cho biết, các dữ liệu về nguyên tử nêu trên tuy “không phải là yếu tố quyết định”, nhưng qua đó có thể buộc chính quyền Iran phải trả lời các câu hỏi về chương trình hạt nhân của nước này. Cụ thể là các kỹ thuật chuyển đổi uranium thành nhiên liệu chế tạo bom. Nhưng theo Iran thì các tài liệu này là ngụy tạo.

Hôm thứ Sáu, các nguồn tin ngoại giao ở Vienna cho hay, IAEA dự định công bố một bản báo cáo mới về Iran vào tháng tới, trong đó cơ quan này nghi ngờ là là chương trình hạt nhân của Teheran mang tính chất quân sự. Tuy nhiên Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano cũng lo ngại nếu tiết lộ sẽ có nguy cơ Iran trục xuất các thanh tra viên nguyên tử sau đó.

Hoa Kỳ và các đồng minh trong đó có Israel lâu nay vẫn lên án Teheran triển khai vũ khí nguyên tử, nhưng quốc gia Hồi giáo này khăng khăng cho rằng chương trình hạt nhân tại đây là nhằm mục đích hòa bình, để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Chính quyền Obama cho báo Times biết, sẽ cân nhắc các biện pháp khác để cô lập thêm Iran, chẳng hạn cấm tất cả các giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Iran.

Theo AFP, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu có ảnh hưởng đến Teheran. Tuy dầu hỏa tiếp tục mang lại cho Iran trên 100 tỉ đô la trong năm 2011, nhưng nước này đang thiếu hụt tiền mặt. Teheran đang bán ngày càng nhiều dầu cho châu Á, theo phương thức hàng đổi hàng để tránh né các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng. Đồng tiền quốc gia rial trong những tháng gần đây nhiều phen bị chao đảo, nhà nước đang phải khất nợ nhiều nhà cung cấp, kể cả trong lãnh vực ưu tiên là dầu khí. Nhưng khó khăn chủ yếu vẫn là đầu tư của phương Tây đã bị ngưng lại, trong khi đầu tư từ các đối tác mới là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga chưa đủ để thay thế.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.