Vào nội dung chính
THẾ GIỚI - XÃ HỘI

Gần 1 triệu người "phẫn nộ" biểu tình trên thế giới

Hôm qua, thứ Bảy 15/10/2011 - ngày hành động toàn cầu đầu tiên của phong trào « Những người phẫn nộ » - các cuộc biểu tình đã diễn ra tại hàng trăm thành phố ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nơi quan trọng mang tính biểu tượng của nền kinh tế toàn cầu, như Wall Street New York, City Luân Đôn hay Ngân hàng Trung ương Châu Âu ở Francfort, ….

Những người trong phong trào "Chiếm phố Wall" biểu tình tại Times Square New York, 15/10/2011
Những người trong phong trào "Chiếm phố Wall" biểu tình tại Times Square New York, 15/10/2011 REUTERS
Quảng cáo

Theo báo latinreporters, ước tính có gần một triệu người xuống đường trên khắp thế giới.

Tại New York, tối hôm qua, hàng nghìn người theo phong trào « Occupy Wall Street » (Chiếm lấy phố Wall), đã tràn ngập quảng trường Times Square, giương cao các khẩu hiệu « Chúng ta là 99% nhân dân », « Hãy chiếm lấy phố Wall »,…. Quảng trường nổi tiếng của New York ở trong tình trạng căng thẳng, máy bay trực thăng bay trên trời, hàng rào được giăng ra để ngăn chặn đoàn biểu tình, hàng trăm cảnh sát, trong đó có kỵ binh, túc trực cùng với hàng chục xe chuyên dụng. Cảnh sát đã câu lưu hàng chục người vì không chấp nhận giải tán. Trước đó, đoàn tuần hành đã tập hợp trước một số trung tâm tài chính của thành phố.

Thông tín viên Lebhour Karim tường trình từ New York :

« Các thành viên của phong trào những người phẫn nộ bắt đầu cuộc biểu tình, với việc tập hợp trước ngân hàng Chase (thuộc Manhattan). Đây là ngân hàng được chính quyền Mỹ hỗ trợ 94 tỷ đô la để chống khủng hoảng. Ngân hàng này đã sa thải 14.000 nhân viên. Tiếp theo đó, đoàn tuần hành đã kéo về phố Wall.

Lydia, một người về hưu 63 tuổi, bày tỏ hy vọng tổng thống Obama cũng tham gia vào phong trào. Bà nhận xét : Tổng thống Obama nói rằng phong trào này thể hiện sự bất bình, nhưng điều này là không đủ. Tổng thống Mỹ phải đến với phong trào và ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi cần sự có mặt của tổng thống tại đây, tại New York này.

Tại New York, trên quảng trường Zuccotti, nơi phong trào phản kháng đã chiếm lĩnh từ ngày 17/9 đến nay, có một màn hình đấu nối với internet cho biết con số những người ủng hộ phong trào qua mạng. Theo một người phụ trách, đã có 748 551 người ủng hộ. Ông nói, phong trào của chúng tôi huy động rất đông người. Những người này không phải là những người sống bên lề xã hội. Đây là những người bình thường. Họ chia sẻ với chúng tôi sự giận dữ đối với cách thức mà hệ thống tài chính hiện nay kiểm soát đất nước này.

Hàng nghìn người biểu tình sau đó tiếp tục đổ về quảng trường Times Square, ở trung tâm của Manhattan, nơi họ gặp phải sự ngăn cản của một lực lượng cảnh sát đông đảo. Vào cuối ngày, có tới hàng chục người bị câu lưu ».

Còn tại Washington, khoảng 300 người biểu tình tập hợp trước Nhà Trắng và bộ Tài chính, với các khẩu hiệu chống lại giới « Mafia tài chính ».

Cũng tại khu vực Bắc Mỹ, ở Canada, hàng nghìn người đã xuống đường, noi theo phong trào chống phố Wall ở Mỹ. Người biểu tình đặc biệt đông tại Toronto, với khoảng 5.000 người. Các cuộc biểu tình diễn ra không có đụng độ.

Tại châu Âu, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là các nước có đông người tham gia vào phong trào những người phẫn nộ nhất.

Hàng chục nghìn người biểu tình tại Roma. Vào lúc khởi đầu cuộc tuần hành, có đụng độ khiến khoảng 70 người bị thương, trong số đó có ba bị thương nặng. Cuối ngày, hàng trăm thanh niên đã dùng bom xăng tấn công cảnh sát.

Ở Madrid, thủ đô Tây  Ban Nha, nơi phong trào phản kháng của những người phẫn nộ xuất hiện cách đây 5 tháng, hàng chục nghìn người đã trở lại quảng trường Puerta del Sol, giương các khẩu hiệu đòi dân chủ. Khoảng 60 thành phố Tây Ban Nha tham gia vào ngày hành động hôm qua, riêng ở Barcelona, khoảng 60.000 người tham gia, theo số liệu của chính quyền địa phương.

Tại Bồ Đào Nha, hàng chục nghìn người đã xuống đường. Riêng ở thủ đô Lisboa, có khoảng 50.000 người tham gia. Khẩu hiệu nổi bật ở đây là chống sự can thiệp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tại thủ đô Anh Quốc Luân Đôn, khoảng 800 người biểu tình của phong trào Occupy London Stock Exchange (Chiếm lấy thị trường chứng khoán Luân Đôn) tập hợp tại trung tâm tài chính City. Hàng trăm người biểu tình đã qua đêm trong lều trên quảng trường thánh đường Saint-Paul, bất chấp kêu gọi giải tán của cảnh sát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.