Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Tăng vốn ngân hàng, giải pháp cứu khối euro thoát khỏi khủng hoảng ?

Đăng ngày:

Ngày 12/10/11, chủ tịch Ủy ban Châu Âu kêu gọi các ngân hàng trong khối euro khẩn cấp huy động thêm vốn để đối phó với khủng hoảng nợ công. Viễn cảnh Hy Lạp tuyên bố phá sản ngày càng rõ nét. Tăng vốn ngân hàng phải chăng là biện pháp thỏa đáng để khối euro thoát khỏi khủng hoảng ?

Thủ tướng Hy Lạp G. Papandreou (trái), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu H. Van Rompuy (giữa) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu J.-M. Barroso (phải) tại hội nghị đặc biệt về khu vực euro,  Bruxelles, 21/7/2011.
Thủ tướng Hy Lạp G. Papandreou (trái), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu H. Van Rompuy (giữa) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu J.-M. Barroso (phải) tại hội nghị đặc biệt về khu vực euro, Bruxelles, 21/7/2011. REUTERS/Thierry Roge
Quảng cáo

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso chủ trương là trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, giới ngân hàng cần « cấp tốc » nâng vốn. Đồng thời lãnh đạo châu Âu kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng tháo khoán khoản tiền 8 tỷ euro của chương trình hỗ trợ tài chính 110 tỷ cho Hy Lạp. Kế hoạch này đã được thông qua vào tháng 5/2010. Theo thẩm định của Bruxelles, mỗi ngân hàng đã cho chính phủ Athènes vay, có thể mất đứt tới 21 % khoản tiền đã chi ra. Nhưng trong mắt các cơ quan thẩm định tài chính, mất mát đó trên thực tế dao động từ 50 đến 60 %. Nói cách khác, nếu đã cho Hy Lạp mượn 100 đồng, thì chủ nợ chỉ có thể hy vọng lấy lại từ 40 đến 50 đồng mà thôi.

Trong lô-gic đó, Bruxelles đòi các cơ quan tài chính phải « củng cố phần vốn lõi », đang từ mức tối thiểu là 5 % lên thành 9 % vào giữa năm 2012 – tức làm sớm hơn so với quy định ngân hàng của công ước Bâle 3. Để làm được việc này, ngân hàng buộc phải huy động thêm vốn.

Trắc nghiệm về tính vững chắc của các ngân hàng châu Âu hồi tháng 7/2011cho thấy hầu hết các ngân hàng trong khu vực đều « thừa sức » đối phó với khủng hoảng. Tại sao chỉ bốn tháng sau, khối euro và các nhà lãnh đạo cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu cùng kêu gọi tăng vốn cho ngân hàng ? Theo giải thích của Bruxelles thì stress test vừa qua căn cứ trên tỷ lệ vốn lõi 5 %, nhưng nếu tăng tỷ lệ đó lên thành 9 % thì sẽ có nhiều ngân hàng bị coi là nằm trong danh sách đen.

Câu hỏi đặt ra là : Các ngân hàng châu Âu phải huy động thêm bao nhiêu vốn ? từ 100 đến 200 tỷ euro như ước tính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay 275 tỷ như thẩm định của ngân hàng Morgan Stanley ?

Trước mắt Bruxelles không thể trả lời câu hỏi này. Bởi, lý do khiến châu Âu đòi các ngân hàng tăng vốn không hoàn toàn thuyết phục. Nghiên cứu của ngân hàng Pháp Natixis cho thấy : vốn lõi của các ngân hàng trong khối euro hiện nay là 766 tỷ, cao hơn rất nhiều so với tháng 12/2006. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng châu Âu đã củng cố tỷ lệ vốn trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, xét về mức độ rủi ro Hy Lạp tuyên bố phá sản, không trả được nợ, thì khoản nợ công của Hy Lạp mà các ngân hàng châu Âu đang nắm trong tay là 87 tỷ euro. Khoản tiền này không thấm là bao so với mức nợ công của một quốc gia có trọng lượng thứ 3 trong khu vực đồng euro là Ý. Các ngân hàng châu Âu đã cấp cho chính phủ Ý vay tới 298 tỷ euro. Do vậy, lo ngại thực sự phải được coi là « đến từ nước Ý ».

Nhưng ngay cả trong trường hợp của Ý, tổng nợ công của quốc gia này chủ yếu do các ngân hàng Ý nắm giữ (55 %) vậy thì, đâu là lý do để Bruxelles đòi các ngân hàng của Pháp, Đức hay Anh Quốc tăng vốn ?

Mục tiêu sau cùng của việc nâng vốn ngân hàng nhằm tránh để các cơ quan tài chính châu Âu bị suy yếu khi các « con nợ » - mà ở đây là các nhà nước - mất khả năng thanh toán. Có thực là tất cả các ngân hàng trong khối euro đều đang bị sa lầy về vấn đề nợ công của những « mắt xích yếu kém nhất » trong khu vực như là Hy Lạp, Ai Len hay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay không ? Qua đó là câu hỏi : « nâng vốn » ngân hàng có thể là giải pháp đưa khối euro thoát khỏi khủng hoảng hay không ?

Trước hết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ giải thích thế nào là « nâng vốn » cho ngân hàng :

Cuối Tháng Chín, khi khóa thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới kết thúc tại thủ đô Hoa Kỳ, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ là bà Christine Lagarde đã nói đến yêu cầu cấp thêm vốn cho các ngân hàng Âu châu và lập tức bị đả kích, nhất là từ hệ thống ngân hàng và chính quyền Đức, là tăng cường cho vai trò của Quỹ này. Bây giờ thì nhu cầu ấy đã rõ, nhất là sau thỏa thuận nguyên tắc hôm 13 vừa qua giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức là phải cấp thêm vốn cho các ngân hàng. Ai sẽ cấp cho ai thì chưa biết.

Giả dụ như một ngân hàng có 10 tỷ vốn, huy động ký thác được 100 tỷ, và cho vay ra 100 tỷ, tức là gấp 10 số vốn. Nếu trong lượng tín dụng cấp phát mà ngân hàng mất nợ, ví dụ như 15% là 15 tỷ của số tín dụng tồn đọng, thì dư luận có thể hốt hoảng rút tiền vì sợ ngân hàng thiếu vốn thanh toán và vỡ nợ. Vì vậy, ngân hàng cần tăng vốn để thêm khả năng trả nợ và cũng để trấn an thị trường, các trương chủ khách nợ của họ.

Ba phương tiện để nâng vốn ngân hàng

Các chủ đầu tư của ngân hàng có thể châm thêm tiền, ngân hàng có thể phát hành cổ phiếu để huy động thêm tiền, hoặc chính quyền có thể cấp thêm vốn và mặc nhiên trở thành một chủ đầu tư mới.

Giải pháp châm vốn riêng khiến các chủ đầu tư phải tìm ra tiền. Giải pháp phát hành trái phiếu khiến ngân hàng mắc nợ nhiều hơn và trả phân lời cao hơn. Giải pháp xin chính quyền cấp cứu và trả nợ đậy, và thậm chí quốc hữu hóa ngân hàng lâm nạn, với công quỹ và nhân sự điều hành do chính quyền đưa xuống, là điều dân chúng lại không muốn vì ngân hàng làm ăn bất cẩn, mà lại xin công quỹ cứu trợ.

Khi nói đến việc cấp thêm vốn, người ta muốn trấn an thị trường nhưng không khéo lại làm thị trường hoảng sợ vì kết luận rằng các ngân hàng bị thiếu vốn. Đã từng là bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp trước khi lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Lagarde nhìn thấu sự thể từ đầu và nói ra điều nhạy cảm ấy nhưng bị phê phán là có thể gây hốt hoảng. Thật ra, nhiều chính quyền Âu châu e ngại là phải lấy công quỹ ra đắp vốn cho ngân hàng và gặp sự phản đối của công chúng ở nhà.

Thời điểm để nâng vốn ngân hàng ?

Khi khủng hoảng tài chính bùng nổ từ năm 2008, các cơ quan hữu trách về ngân hàng của Âu châu đã làm ba đợt "trắc nghiệm ứng suất" hay "stress test", vào các năm 2009, 2010 và 2011. "Ứng suất" là khả năng ứng phó với áp suất của thị trường khi tình hình tài chính suy sụp khiến ngân hàng có thể mất nợ và lâm vào tình trạng thiếu vốn. Lần trắc nghiệm cuối, công bố hôm 15/07/11 lại dựa trên các giả thuyết quá lạc quan nên chỉ thấy có tám trong 91 ngân hàng được trắc nghiệm sổ sách là bị rủi ro thiếu vốn trong vòng hai năm tới.

Một thí dụ là ngân hàng Dexia, liên doanh của Pháp và Bỉ, đã qua cuộc thi với điểm an toàn còn cao hơn ba ngân hàng lớn nhất của Pháp. Ngay sau đó là đầu tháng 10 này, Dexia lại vỡ nợ và chính quyền phải châm bốn tỷ Euro cấp cứu, thực tế là bị quốc hữu hóa. Bây giờ, người ta đang lo là các nước phải cấp thêm bao nhiêu vốn, 120 hay 150 hay 250 tỷ euro, thì mới tránh nổi khủng hoảng ngân hàng của các ngân hàng. Trong số đó, quốc gia có ngân hàng lâm nạn phải chi ra bao nhiêu? Câu hỏi ấy dẫn đến tranh luận chính trị về trách nhiệm và quyền lợi của từng nước trong vụ châm tiền cấp cứu, đứng đầu là Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nhà và cả nước Anh.

Liên hệ ngân hàng và khủng hoảng khối euro

Các ngân hàng có thể bị tai họa khi bị mất vốn trong các quốc gia đang bị nguy cơ vỡ nợ, như Hy Lạp, Tây Ban Nha là Espagne hay Bồ Đào Nha là Portugal, v.v... Khi ấy việc tung tiền cấp cứu các nước lâm nạn này có hy vọng đẩy lui khó khăn của các ngân hàng không? Mà các quốc gia lâm nạn ấy đều nằm trong khối euro nên việc cấp cứu đồng Euro trực tiếp liên hệ đến số phận của hệ thống ngân hàng. Khi ấy, ai sẽ phải góp vốn? Là chủ đầu tư Âu châu, là chính quyền của các nước lâm nạn, hay là các quốc gia khác, như Đức, Pháp, hoặc các định chế quốc tế như Ngân hàng Trung ương Âu châu BCE hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế ? Vì thế, chuyện vốn liếng ngân hàng trở thành tranh luận về bạc tiền chung góp của các nước, khi số phận đồng euro cũng u ám như viễn ảnh kinh tế và nỗi bất mãn của dân chúng.

Âu châu gồm có 27 thành viên của Liên hiệp Âu châu với nhiều cơ chế phốp hợp nằm tại thủ đô hành chính là Bruxelles mà thật sự không có thẩm quyền quyết định về chính sách kinh tế tài chính hay ngân sách thuế khóa của từng quốc gia hội viên. Trong khối Liên Âu đó, có 17 nước lại thống nhất tiền tệ là dùng chung một đồng euro nên xứ này có thể tìm ra lợi riêng mà thực tế là dựa trên sức mạnh kinh tế của xứ khác, như Hy Lạp dựa trên Đức hay Pháp, Ý.

Mà khối euro thật ra không có cơ chế chính trị có khả năng chi phối chính sách của từng hội viên và không có định chế có khả năng cấp cứu khi hữu sự, kể cả Ngân hàng Trung ương ECB. Chỉ vì xứ nào cũng có quyền phủ quyết giải pháp cấp cứu, thí dụ như việc chính phủ Slovakia vừa sụp đổ về chuyện bỏ phiếu chống hay thuận việc châm vốn cho Quỹ Ổn định Tài chính FESF.

Trong trường hợp của Hy Lạp : Athènes đã khai gian sổ sách kế toán quốc gia từ 10 năm trước để đạt tiêu chuẩn gia nhập khối euro, thậm chí còn chi ra mấy trăm triệu đô la vận động các ngân hàng trung gian, kể cả tập đoàn Goldman Sachs của Mỹ, để bán công khố phiếu và vay mượn quá đà đến mức báo động hiện nay. Rõ là chính phủ Hy Lạp phải chịu trách nhiệm nhưng tìm đâu ra tiền để giải quyết vấn đề khi thường xuyên bị nguy cơ vỡ nợ ?

Nhìn tiếp trên toàn cảnh thì chính là các ngân hàng cũng phải thẩm xét được mức an toàn khi đem tiền mua công khố phiếu Hy Lạp. Họ không thẩm định rủi ro cho đúng chức năng trước khi quyết định tài trợ và nay bị mất vốn thì lại cần chính quyền cấp cứu để khủng hoảng khỏi lan rộng. Họ cũng phải chịu trách nhiệm về sự bất cẩn này.

Khi nhìn vậy thì ta lại thấy ra một thực tế khác. Liên Âu hay khối euro không là quốc gia thống nhất, nên không có cơ chế kiểm soát và can thiệp thống nhất để tránh khủng hoảng. Do thực tế đó và khác hẳn hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vốn chỉ theo đuổi lợi nhuận ở 50 tiểu bang và trên toàn cầu, các ngân hàng Âu châu lại thi hành chiến lược của quốc gia mình trong các nghiệp vụ đầu tư hay tín dụng. "Ý thức quốc gia" trong sinh hoạt quốc tế của các ngân hàng Âu châu khiến chính phủ từng nước đã khuyến khích các ngân hàng bành trướng và nay phải nhảy vào cứu!

Sau cùng và đây là chi tiết quan trọng nhất : khác với hệ thống ngân hàng tại Mỹ và gần như các ngân hàng Nhật, hệ thống ngân hàng Âu châu giữ vị trí trọng yếu trong việc tài trợ doanh nghiệp. Tại Mỹ, doanh nghiệp chủ động tìm vốn trên thị trường chứng khoán, tại Âu châu, họ trông cậy vào ngân hàng. Khi ngân hàng thiếu vốn thì doanh nghiệp Âu châu khốn đốn! Vì vậy Bruxelles mới tìm cách khoanh vùng cho tai họa ngân hàng khỏi lan.

Nâng vốn ngân hàng, con giao hai lưỡi ?

Có thể lắm. Không chỉ mỗi ngân hàng mà mỗi nước cũng mỗi khác. Như tại Ai Len ở miền Bắc thì các ngân hàng lạc quan tung tiền vào thị trường gia cư với sự yểm trợ của chính quyền, nay trái bóng gia cư bị vỡ với tỷ lệ nghiêm trọng hơn tại Mỹ hay các nước Âu châu khác. Vì vậy, ngân hàng xứ này bị khủng hoảng và đòi chính quyền giăng lưới đỡ. Ngược lại, các ngân hàng Hy Lạp thì vay tiền nước ngoài về cho nhà nước vay lại để trang trải phúc lợi xã hội và nay cả nước dính chùm trong khủng hoảng, kéo theo cả đồng euro và khối Liên Âu.

Cho nên người ta phải rà lại nguồn vốn và đối tượng cho vay của từng ngân hàng xem là bị rủi ro đến cỡ nào. Mà đồng thời phải kiểm xem tình hình công nợ của chính quyền ra sao, có khả năng tung tiền cấp cứu không. Đấy là khuôn khổ thẩm xét và tranh luận của các nước tại thượng đỉnh Âu châu vào hai ngày 17-18 tới đây và trong hội nghị của khối G-20 vào đầu tháng tới.

Kết luận ở đây là một vụ khủng hoảng về công trái sẽ gieo họa cho ngân hàng và khủng hoảng ngân hàng lại càng khiến nhiều nước mắc nghẹn về công trái có thể vỡ nợ! Hai chuyện kỹ thuật và chính trị này thật ra chỉ là một và nếu muốn thoát cơn hoạn nạn thì lần này cả chính quyền lẫn các ngân hàng đều có thể bị « gọt tóc » và mất tiền.

Kêu gọi tăng vốn cho ngân hàng của chủ tịch Ủy ban châu Âu, Barroso chưa hoàn toàn thuyết phục được giới ngân hàng và nhiều chuyên gia tài chính do một số tiếng nói cho rằng, Bruxelles đã « vơ đũa cả nắm », tạo thêm hoảng loạn trên thị trường thay vì trấn an dự luận và các nhà đầu tư. Một thực tế khác nữa là nhiều ngân hàng hiện không thiếu vốn để phải huy động thêm vốn. Các cơ quan tài chính đó chỉ tạm đóng van tín dụng để chờ các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra một thông điệp rõ ràng trong chính sách giải quyết khủng hoảng.

Theo quan sát của cơ quan nghiên cứu kinh tế Pháp, OFCE đâu đó như thể đang bất lực trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công, tránh để vết dầu loang rộng thêm sang các thành viên khác của khu vực đồng tiền chung châu Âu, Bruxelles đã phần nào tập trung chú ý của dư luận về phía các ngân hàng. Một chiến lược mà nhiều chuyên gia coi là đầy mạo hiểm !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.