Vào nội dung chính
LIBYA

Quốc tế chào mừng sự cáo chung của một chế độ bạo ngược

Nhìn chung hầu như mọi chính quyền trên thế giới đều thở phào khi được tin lãnh đạo Libya thiệt mạng. Đa số các nước, từ Hoa Kỳ, Canada, cho đến Úc hay Nam Phi đều chào mừng sự kết thúc của thời đại độc tài ở Lybia.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu trước báo chí tại Nhà Trắng ngày 20/10/11 về cái chết của nhà cựu độc tài Libya, Mouammar Kadhafi.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu trước báo chí tại Nhà Trắng ngày 20/10/11 về cái chết của nhà cựu độc tài Libya, Mouammar Kadhafi. REUTERS/Jim Bourg
Quảng cáo

Tổng thống Mỹ Obama đã khẳng định hôm qua là cái chết của Mouammar Kadhafi chứng tỏ là ‘‘những chế độ hà khắc’’ trong vùng tất nhiên phải thất bại. Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền mới ở Tripoli xây dựng một quốc gia ‘‘dân chủ’’ và ‘’khoan dung’’ : ‘Người dân Libya từ đây có cơ hội tự quyết định về số phận của mình trong một nước Libya mới và dân chủ’’.

Tổng thống Pháp, nước đi đầu trong chiến dịch can thiệp vào Libya, đã chào mừng một ‘‘giai đoạn then chốt’’ trong tiến trình giải phóng Lybia khỏi điều được ông Nicolas Sarkozy gọi là : « một chế độ độc tài và tàn bạo áp đặt trên người dân từ hơn 40 năm nay ».

Thủ tướng Anh, quốc gia cũng đi tiên phong trong cuộc chiến Libya, đã bày tỏ thái độ ‘‘hãnh diện về vai trò’’ của Luân Đôn trong việc hạ bệ "kẻ độc tài thô bạo".

Đối với Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, cái chết của Kadhafi đã kết thúc ‘’sự trị vì của nỗi sợ hãi’’ ở Libya. Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Herman van Rompuy và Chủ tịch ủy ban Châu Âu, José Manuel Barrosso, cũng cho rằng ‘’ngày nay, dân tộc Libya có thể lật qua trang sử và nuôi dưỡng một tương lai dân chủ’’.

Trong vùng Trung Cận Đông, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, ông Nadil al-Arabi hy vọng là cái chết của nhà độc tài Kadhafi đã ‘khép lại trang sử của bạo quyền’’. Tại Iran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã khen ngợi ‘’dân tộc Hồi giáo Libya và chính quyền chuyển tiếp CNT ‘’, nhưng không quên khẳng định là NATO không còn lý do để tiếp tục can thiệp.

Tại châu Á, Trung Quốc, qua lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hy vọng Libya thực hiện một tiến trình ‘’chuyển tiếp chính trị đoàn kết ‘’ và bảo toàn được sự thống nhất lãnh thổ và ổn định xã hội. Nhật Bản cũng kêu gọi xây dựng nhanh chóng một chính phủ chuyển tiếp đoàn kết. Tokyo cam kết giúp đỡ Libya, và cho biết đã được yêu cầu của Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp. Nhật Bản sẽ mở lại Đại sứ quán tại Libya.

Ở Châu Mỹ La Tinh, Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez ngược lại đã tỏ nỗi bất bình, lên án một vụ ‘ám sát’’ và đánh giá là ông Kadhafi đã "tử vì đạo". Cuba cũng đưa tin về cái chết nhưng không bình luận.

Còn tại châu Phi, người dân những nước chịu ảnh hưởng của phong trào Mùa xuân Ả Rập như Tunisia, Ai Cập coi đây là một chiến thắng mới, dân Maroc thở phào nhẹ nhõm. Liên hiệp châu Phi cho rằng một chương của lịch sử đã kết thúc. Nhưng tại một số nước khác thì phản ứng có dè dặt hơn. Algérie, quốc gia cho một số người thân của ông Kadhafi tị nạn hiện chưa có phản ứng chính thức. Tchad và Niger đau buồn trước cái chết của nhà cựu độc tài Libya, còn chính quyền Nam Phi lâu nay vốn phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài, thì lên tiếng kêu gọi hòa giải.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon công nhận rằng các sự kiện tại Libya đã thúc đẩy ‘‘một tiến trình chuyển tiếp lịch sử’’. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo là con đường trước mắt đối với đất nước và dân tộc Libya sẽ rất ‘’khó khăn và đầy thử thách’’.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.