Vào nội dung chính
TUNISIA - BẦU CỬ

Tunisia bầu Quốc hội lập hiến

Hơn 7 triệu cử tri Tunisia vào hôm nay 23/10/2011 được kêu gọi đến phòng phiếu tham gia một cuộc bầu cử được xem là lịch sử, vì đây là lần đầu tiên mà họ được quyền tự do lựa chọn người đại diện.

Tại một phòng bỏ phiếu ở thủ đô Tunis, 23/10/2011
Tại một phòng bỏ phiếu ở thủ đô Tunis, 23/10/2011 REUTERS
Quảng cáo

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Tunisia, kết quả bầu cử không được biết trước, trong lúc số người ra tranh cử rất lớn : 11.000 ứng cử viên và Quốc hội lập hiến Tunisia chỉ có 217 ghế.

Nhiệm vụ của Quốc hội này là soạn thảo bản hiến pháp mới cho Tunisia, nhằm củng cố nền dân chủ ở quốc gia đã khai sinh ra cuộc Cách mạng Hoa lài. Theo giới quan sát, số lượng đông đảo người ra tranh cử cho thấy mong muốn thay đổi của người dân Tunisia.

Từ thủ đô Tunis, đặc phái viên Laurent Chaffart phân tích mục tiêu và nhiệm vụ của Quốc hội lập hiến Tunisia :

« Quốc hội mới sẽ có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp. Các dân biểu sẽ phải trả lời cho một số câu hỏi : Chế độ mới sẽ là gì ? Chế độ tổng thống hay nghị viện ? Các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp sẽ phân lập đến mức độ nào ? Và điểm then chốt cuối cùng là vị trí của tôn giáo (tức Hồi giáo) trong đời sống chính trị sẽ ra sao.

Trong cuộc vận động tranh cử, phe Hồi giáo Ennardha bị đàn dưới áp thời tổng thống Ben Ali đã ra sức trấn an là họ không chủ trương áp dụng luật Hồi giáo, và sẽ tôn trọng quyền tự do của phụ nữ. Thế nhưng tổ chức này cũng bảo vệ những giá trị truyền thống của Hồi giáo, cho dù không đặt lại vấn đề dân chủ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi, cho đấy chỉ là thủ đoạn tranh cử.

Cuộc bỏ phiếu hôm nay cũng là bài trắc nghiệm đối với người thuộc đảng cầm quyền RCD trước đây của cựu tổng thống Ben Ali. Nhiều người đã thành lập đảng mới. Câu hỏi đặt ra là họ còn sức thu hút hay không, và có sẽ là bước cản tiến trình dân chủ hoá hay không ?

Những người được bầu ra hôm nay sẽ cho thấy ‘bản đồ chính trị’ tương lai của Tunisia, nhưng liệu họ có đáp ứng được nguyện vọng thay đổi của người dân hay không ?

 

Bên cạnh đó, sự tham gia của cử tri cũng là một yếu tố quan trọng của sự thay đổi. Lý do là vì hiện nay, thái độ hồ hởi ban đầu của cuộc cách mạng đã giảm nhiều, kinh tế ngày càng khó khăn thêm, du lịch chùng bước, các nhà đầu tư vẫn thận trọng, chờ đợi diễn tiến tình hinh. Do đó, Quốc hội mới có trọng trách tạo lại sự tin tưởng, không thể gây thất vọng.

 

Tuy nhiên, điều chắc chắn là người Tunisia sẽ không ‘luyến tiếc quá khứ’ thời Ben Ali. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.