Vào nội dung chính
Ý - KHỦNG HOẢNG KINH TẾ CHÂU ÂU

Chính phủ Ý không đủ uy tín để đưa ra được chính sách đối phó khủng hoảng

Cuối buổi chiều ngày hôm qua 24/10/2011, chính phủ Ý của thủ tướng Berlusconi đã phải nhóm họp khẩn cấp để bàn về các biện pháp khắc khổ mới, dưới áp lực của các nước Châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, nhằm đối phó với nguy cơ vỡ nợ.

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi trước các chất vấn của báo giới, cuối cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu 23/10/2011.
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi trước các chất vấn của báo giới, cuối cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu 23/10/2011. REUTERS/Sebastien Pirlet
Quảng cáo

Tuy nhiên, các đề xuất ông Berlusconi đã không nhận được sự ủng hộ của một bộ phận quan trọng trong liên minh cầm quyền. Cá nhân thủ tướng Ý không có đủ uy tín để tạo lập nên được một chính sách kinh tế đủ sức đưa nước Ý thoát ra khỏi khủng hoảng. Thông tín viên Huê Đăng tường trình từ Roma.

Ngày hôm qua 24/10, Chính phủ Ý, dưới áp lực của Châu Âu sau cuộc họp thượng đỉnh 27 nước hôm Chủ Nhật, đã phải nhóm họp để bàn các biện pháp. Xin anh cho biết cụ thể ?

Trong vòng 24 tiếng cuối cùng này cả nước Ý đang sôi nổi bàn tán về những nụ cười mỉa mai của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel giữa tiếng cười ròn rả trêu cợt của toàn thể những thông tín viên có mặt trong buổi họp báo ở Bruxelles khi có người hỏi rằng “Thủ tướng Ý có đảm bảo được về hiệu quả của các biện pháp kinh tế tài chánh của nước này ?”.

Thực chất của vấn đề là hiện nay chính phủ Ý, nhất là nhân vật Thủ tướng, ông Silvio Berlusconi đã không còn uy tín trước thế giới, để có thể bảo đảm cho các chính sách đường lối của nhà nước Ý trước khủng hoảng kinh tế tài chính với nguy cơ vỡ nợ.

Coi như là từ hồi tháng 8 đến nay, trước sự tê liệt của chính phủ Ý, Hội đồng Châu Âu và Ngân hàng trung ương Châu Âu (BCE) đã phải liên tục làm áp lực để chính phủ Ý “nặn” ra chính sách thắt lưng buột bụng với những biện pháp nhằm tìm cách giảm dần con số nợ nhà nước hiện nay đã lên đên 1.900 tỉ Euro, và đưa ngân sách chi thu nhà nước trở về mức cân bằng ổn định.

Vấn đề là từ tháng tám đến nay, dù rằng phải chịu áp lực của Châu Âu, chủ yếu là chịu áp lực đến từ phía chính phủ Pháp và Đức, chính phủ Ý vẫn chưa có được một chiến lược kinh tế tài chánh rõ rệt để đối đầu với khủng hoảng, tất cả những đề luật do chính phủ Ý đề ra một phần vẫn còn đang gây tranh cải sôi nổi trong giới chính trị Ý, thậm chí ngay trong phe đa số của Chính phủ, phần khác vẫn chưa cho thấy chính phủ Ý có những biện pháp kinh tế tài chánh mang tín hiệu đổi mới về thượng tầng cấu trúc của nền kinh tế tài chánh như Hội Đồng Châu Âu mong muốn, và nhất là chính phủ Ý vẫn chưa nặn ra được một đường lối nhằm mục đích tăng tổng sản lượng nhà nước (GDP). Vì, ai cũng biết rằng, nếu không tăng sản lượng nhà nước thì không thể nào Ý có thể giảm nợ, và tất cả các biện pháp thắt lưng buộc bụng hay cắt xén chi tiêu cũng chẳng giúp nước Ý thoát ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.

Do đó trong cuộc họp thượng đỉnh 27 nước Châu Âu hôm Chủ nhật 23/10 vừa qua, Châu Âu lại một lần nữa kêu gọi chính phủ Ý phải nhanh chóng thực thi ngay những biện pháp nhằm giảm nợ nhà nước và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Và trước áp lực của Châu Âu, hôm thứ hai 24/10, Hội đồng chính phủ Ý lại phải họp khẩn trương để tìm cách thông qua những biện pháp để đối phó với nguy cơ khủng hoảng kinh tế tài chánh. Nhưng cho đến tối hôm qua, cuộc họp của Hội đồng chính phủ Ý vẫn chưa đưa ra được một đường lối phát triển kinh tế nào cả và ngay trong phe đa số của chính phủ cũng đã có những chia rẽ trong khi bàn cải về những biện pháp kinh tế tài chánh, nhất là những biện pháp có nguy cơ làm mất lòng cử tri, thí dụ như những biện pháp nhằm nâng cao tuổi hưu trí, hay tăng thuế trên giá trị gia sản, bởi vì chính phủ Ý nói riêng, các lực lượng chính trị của phe đa số nói chung, vẫn còn đặt nặng vấn đề lấy lòng cử tri, thay vì phải nghiêm chỉnh nghiên cứu những biện pháp đứng đắn. Lý do là bởi vì, trên sân khấu chính trị Ý hiện nay, với một chính phủ hoàn toàn tê liệt và bất tài trước khủng hoảng, khả năng phải giải tán Quốc hội trước nhiệm kỳ và kêu gọi cử tri đi bầu lại là một khả năng rất có thể sẽ xẩy ra, và không lực lượng chính trị nào dám có can đảm làm mất lòng cử tri trước mùa tranh cử.

Để tiện theo dõi, xin anh cho một cái nhìn chung  về vấn đề nợ công của nước Ý  ?

Như ta đã biết là từ nhiều năm nay Ý là một trong những quốc gia Châu Âu có nền kinh tế trì trệ nhất, với mức độ phát triển hàng năm chưa lên đến 1%, và nợ nần nhà nước đã lên đến mức báo động với 1.900 tỉ Euro, tương đương với 119% trên tổng sản lượng nhà nước (GDP), thất nghiệp gia tăng (tỉ số thất nghiệp hiện nay là 8,9%), nhất là trong giới lao động trẻ tỉ số thất nghiệp tăng lên đến 27%.

Con số nợ khổng lồ của Ý đã khiến cho các công ty kiểm định tài chánh như Standard&Poor’s hoặc Moody đã hạ định mức độ tín nhiệm thanh toán của nhà nước Ý. Điều quan trọng đáng chú ý là các công ty kiểm định đều nhấn mạnh đến tình hình bất ổn chính trị Ý và khả năng yếu kém của chính phủ Ý trong quá trình đối phó với tình trạng kinh tế tài chánh khó khăn, và đã giải thích rằng các yếu tố trên đã dẫn đến quyết định hạ điểm nước Ý.

Vấn đề quan trọng đối với các chính phủ Châu Âu hiện nay là Ý là một nước có nền kinh tế lớn đứng hàng thư ba ở Châu Âu, sau Đức và Pháp, giá trị về tổng sản lượng GDP của Ý là 12% trên tổng sản lượng toàn bộ khối Liên hiệp Châu Âu, rất nhiều có sở sản xuất và kinh tế tài chánh Châu Âu đã đầu tư rất nhiều vào thị trường Ý, do đó nếu Ý bị vỡ nợ thì hệ lụy về kinh tế tài chánh cho Châu Âu cực kỳ to lớn và có thể dẫn đến phá sản toàn bộ đồng Euro. Theo một số chuyên gia kinh tế thế giới thì cái giá mà Châu Âu nói chung, Đức và Pháp nói riêng, phải trả, nếu Ý bị vỡ nợ còn cao hơn là những biện pháp cứu tế tài chánh mà Đức và Pháp đang cố gắng thông qua để hy vọng tiếp tay Ý vượt qua cơn khủng hoảng.

Tuy nhiên, Đức và Pháp, cũng giống như trong trường hợp của Hy Lạp, đều đưa ra điều kiện tiên quyết để Châu Âu có thể cứu giúp Ý là chính phủ Ý cần phải có những biện pháp chính sách kinh tế tài chánh có tính thuyết phục và có đủ khả năng giảm nợ nhà nước và tăng trưởng kinh tế của Ý.

Kể từ khủng hoảng cho đến nay, chính phủ Ý đã đưa ra các biện pháp khắc khổ nào và các tác động của chúng ?

Sau khi Hội Đồng Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu bắt đầu gây áp lực lên chính phủ Ý, cho đến nay, tức là sau hơn 40 ngày kể từ trung tuần tháng Tám, chính phủ Ý cũng chỉ mới đưa ra được một chính sách thắt lưng buột bụng với mệnh giá là 53,3 tỉ Euro trong vòng từ đây đến năm 2013.

Tuy nhiên, kể từ khi chính sách thắt lưng buộc bụng ra đời đến nay, chính phủ Ý vẫn còn tê liệt và không có khả năng chấp hình những đề luật của chính sách thắt lưng buộc bụng bởi có quá nhiều phản ứng gay gắt, không những chỉ trong giới lao động hay công đoàn, hoặc của một số lực lượng chính trị đối lập, mà thậm chí ngay trong phe liên minh chính phủ cũng không hoàn toàn nhất trí với đề luật của chính phủ.

Nhưng điều đáng nói là các gói luật thắt lưng buột bụng được chính phủ Ý đưa ra chủ yếu vẫn chỉ là những biện pháp tài chính đơn thuần, nói chung chỉ là cắt xén trong cán cân chi tiêu nhà nước với hệ lụy là cắt giảm các chi tiêu cho phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, an ninh ... trong khi đó chưa có một chính sách hay dự luật nào có khả năng vực dậy nền kinh tế nước Ý, vốn rất trì trệ từ nhiều năm nay.

Một trong những biện pháp nhằm làm tăng thu nhập ngân sách nhà nước mà chính phủ Berlusconi muốn đề ra là những chiến dịch “khoan hồng thuế má”, chủ yếu là khoan hồng những ai đã phạm tội trốn thuế xưa nay, bằng việc trả một số tiền phạt chắc chắn là thấp hơn con số thuế, mà họ đã trốn không đóng cho nhà nước. Chính những biện pháp này đã bị các lực lượng chính trị đối lập phê phán kịch liệt, ngay cả tổ chức Hiệp hội doanh nhân của Ý cũng phê phán điều luật khoan hồng, bởi vì các chiến dịch khoan hồng đã là động cơ thúc đẩy người dân tiếp tục trốn thuế, với hy vọng rằng số tiền phạt mà họ sẽ phải đóng trong một ngày nào đó vẫn còn thấp hơn số lượng tiền trốn thuế.

Phản ứng của công luận trước động thái mới này ?

Hồi thứ bảy 15/10 vừa qua, cùng lúc với dân cư của những thành phố khác trên thế giới trong phong trào “Những người phẫn nộ”, gần 200 ngàn người dân Ý đã xuống đường biểu tình phản đối “giới tư bản” và chống lại sự tê liệt của chính phủ. Trong cuộc biểu tình hôm đó đã có sự trà trộn của chỉ vài trăm thanh niên bạo động gây rối, đập phá và xô xát với lực lượng an ninh khiến cho cuộc biểu tình trở nên náo loạn với hàng trăm người bị thương và thiệt hại vật chất lên đến hơn một triệu Euro.

Trước mắt, với lý do bạo động vừa qua, Thị trưởng thành phố Roma, ông Gianni Alemanno - người thuộc đảng Tự do của Bersluconi -, đã quyết định ngăn cấm xuống đường biểu tình ở thủ đô trong vòng một tháng. Như thế là, coi như trước mắt trong vòng một tháng, công luận không thể nào tổ chức những buổi biểu tình chống chính phủ ngay trước các cơ quan của chính phủ.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là : dù rằng Chính phủ, nhất là riêng cá nhân của Thủ tướng Berlusconi, đã hoàn toàn không còn uy tín để có thể tiếp tục đưa ra đường lối chính sách đứng đắn để giúp nước Ý vượt qua cơn khủng hoảng, nhưng trong Quốc hội, dù rằng với sự chênh lệch chỉ một vài lá phiếu, chính phủ Berlusconi, trên mặt pháp lý, vẫn còn có đa số để tiếp tục cầm quyền. Trên thực tế, đối với công luận, chính phủ này đã không còn đa số trong cử tri.

Khác với ở Tây Ban Nha, trước nguy cơ khủng hoảng tài chánh và chính trị, Thủ tướng Zapatero đã nhanh chóng quyết định bầu cử lại Quốc hội trước mãn nhiệm kỳ để tìm ra một chính phủ mới, thì ở Ý, chính phủ Berlusconi vẫn tiếp tục cứng đầu nắm quyền, bất cần những nguy cơ mà nước Ý đang phải gánh chịu. Lý do duy nhất là bởi vì, nếu từ chức, lập tức đương kim Thủ tướng Berlusconi sẽ mất đi lá chắn chính trị để có thể tiếp tục lẩn trốn những cuộc săn đuổi của các quan án từ nhiều năm nay trong những vụ xét xử tham nhũng hối lộ, thường xuyên được gắn liền với tên tuổi của Thủ tướng Silvi Berlusconi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.