Vào nội dung chính
TUNISIA - LIBYA

Các đảng Hồi giáo tạm thời thắng thế tại các nước tiến hành « Mùa xuân Ả Rập »

Trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến vừa qua tại Tunisia, đảng Hồi giáo Ennahda đã về đầu ít nhất là tại 9 trong số 27 đơn vị bầu cử. Đảng này đang gây áp lực đòi đứng ra thành lập chính phủ. Giới quan sát không ngạc nhiên về sự kiện này và dự báo là tình hình cũng sẽ tương tự ở những nước đã tiến hành cuộc cách mạng « Mùa xuân Ả Rập », như Libya, Ai Cập.

Bầu cử Quốc hội lập hiến Tunisia: Đảng Hồi giáo chiếm ưu thế(Reuters)
Bầu cử Quốc hội lập hiến Tunisia: Đảng Hồi giáo chiếm ưu thế(Reuters)
Quảng cáo

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, một khi tham gia chính trường và lên cầm quyền, các đảng Hồi giáo sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì đà phát triển của mình. Giáo sư Khattar Abou Diab, chuyên gia về quan hệ quốc thuộc đại học Paris-Sud, được AFP trích dẫn, khẳng định là sự thắng thế của các đảng Hồi giáo trên chính trường dường như là một giai đoạn bắt buộc phải trải qua trong quá trình thay đổi dân chủ tại thế giới Ả Rập. « Đó là lực lượng chính trị mạnh nhất trong thế giới Ả Rập, có tổ chức tốt nhất và được tài trợ nhiều nhất ».

Dưới các thể chế « thế tục » nhưng độc tài, toàn trị, các phong trào Hồi giáo, như Huynh đệ Hồi giáo tại Ai Cập và Syria, đảng Ennahda ở Tunisia, các tổ chức Hồi giáo tại Libya đã bị trấn áp mạnh mẽ. Trong nhiều năm trời, họ đã âm thầm thực hiện một « cuộc cách mạng từ cơ sở », qua các hoạt động truyền giáo và mạng lưới các hiệp hội từ thiện.

Mặc dù không đi đầu trong các cuộc nổi dậy của quần chúng chống thể chế độc tài, các tổ chức Hồi giáo này vẫn gặt hái được kết quả mà chính họ đã gieo mầm trước đó. Bà Agnès Levallois, chuyên gia về thế giới Ả Rập giải thích, tại Tunisa, đảng Ennahda đã « biết kích hoạt các mạng lưới sẵn có trong lúc các đảng phái khác không có thời gian để đưa ra chương trình hành động ». « Các nhân vật Hồi giáo xuất hiện như những con người liêm chính và trung thực, bởi vì họ còn chưa quản lý đất nước và một bộ phận người dân Tunisia muốn thử giải pháp này. Việc các nhân vật Hồi giáo đã từng là nạn nhân (của chế độ độc tài) đã tạo ra cho họ một sự chính đáng nào đó ».

Thế nhưng, sự lên ngôi của các đảng Hồi giáo đã làm xuất hiện những lo lắng không chỉ trong thế giới Ả Rập mà còn ở các nước phương Tây. Một số người nói đến « Mùa thu Hồi giáo », thậm chí nguy cơ tái diễn kịch bản « Cách mạng Hồi giáo » Iran.

Sự thắng thế của đảng Ennahda gây lo ngại tại Tunisia, nơi mà phụ nữ có được một quy chế khá cởi mở so với các nước khác trong khu vực. Còn ở Libya, các tuyên bố của ông Mustafa Abdel Jalil, lãnh đạo Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp về việc lấy luật Hồi giáo Sharia làm nền tảng pháp luật quốc gia đã thu hút sự chú ý và cảnh giác của các nước phương Tây.

Mặt khác, theo nhận định của giới chuyên gia, cùng với thời gian, các đảng Hồi giáo sẽ bộc lộ những hạn chế của họ khi lên cầm quyền. Do không có được đa số tại Quốc hội, các đảng này buộc phải có những thỏa hiệp và liên minh để thành lập chính phủ.

Theo giáo sư Abou Diab, thì « sẽ có một giai đoạn quá độ cho đến khi các đảng phái khác được cơ cấu lại. Trong lúc đó, người dân có thể sẽ nhận thấy rằng khả năng của các tổ chức Hồi giáo sản sinh ra những giải pháp mầu nhiệm chỉ là một ảo tưởng lớn ».

Về phần mình, nhà nghiên cứu Nadim Shehadé, thuộc tổ chức tư vấn Chatham House ở Luân Đôn khẳng định, « trước đây, những người Hồi giáo tạo được tính chính đáng của họ qua cuộc đấu tranh chống các tổng thống độc tài Mubarak, Ben Ali. Giờ đây, họ phải tự đổi mới và sáng tạo ». « Chế độ lãnh đạo duy nhất, đảng độc nhất đã chấm dứt ». Sau khi thoát khỏi chế độ độc tài, xua tan được nỗi sợ hãi, người dân các nước Ả Rập không chấp nhận lại bị mất quyền tự do lựa chọn của mình.

Theo chuyên gia Levallois, các tổ chức chính trị « thế tục » cần phải cảnh giác nhưng bà tin tưởng là giới trẻ, lực lượng chính đã phát động cuộc cách mạng « Mùa xuân Ả Rập » sẽ không muốn thấy xã hội của họ lại khép kín. Họ sẽ phải hành động sao cho những phần tử Hồi giáo đừng nghĩ là có thể thay đổi hoàn toàn những quy định và thành quả xã hội đã đạt được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.