Vào nội dung chính
HY LẠP - CHÂU ÂU - KINH TẾ

Hy Lạp muốn trưng cầu dân ý về kế hoạch giúp đỡ của châu Âu

Thủ tướng Hy Lạp, tối qua 31/10/2011, đã gây bất ngờ khi thông báo ý định tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch của châu Âu trợ giúp giải quyết vấn đề nợ công của Hy Lạp. Theo thoả thuận này, một phần của món nợ hơn 350 tỷ euro sẽ được xoá, nhưng ngược lại, ngân sách của Hy Lạp sẽ bị kiểm soát rất gắt gao. Điều này đã bị dân Hy Lạp chỉ trích là vi phạm chủ quyền quốc gia.

Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandréou trước nhóm nghị sĩ đảng Xã hội, tối thứ hai, 31/10/2011, Athens.
Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandréou trước nhóm nghị sĩ đảng Xã hội, tối thứ hai, 31/10/2011, Athens. Reuters/John Kolesidis
Quảng cáo

Trước nhóm nghị sĩ thuộc đảng Xã hội, thủ tướng Georges Papandréou tuyên bố rằng :Hãy để cho người dân Hy Lạp quyết định xem có đồng ý thông qua gói cứu trợ của Châu Âu hay không. Nếu nhân dân không đồng ý, thì thỏa thuận đạt được hôm thứ năm tuần rồi sẽ không được áp dụng. Ông cũng cho biết ý định là cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào đầu năm 2012.

Theo AFP, 60% người dân Hy Lạp đánh giá rằng bản thỏa thuận bất lợi cho Hy Lạp. Họ e ngại rằng, việc tăng cường kiểm soát ngân sách nhà nước sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia.

Xin nhắc lại, theo nội dung buổi họp thượng đỉnh kết thúc hôm thứ năm tuần vừa qua, Châu Âu sẽ xóa một phần trong tổng số 350 tỷ euro tiền nợ cho Hy Lạp, bằng cách yêu cầu các ngân hàng tư nhân xóa bớt 100 tỷ euro tiền công phiếu mà họ đang nắm giữ. Như vậy, Hy Lạp sẽ được quốc tế cho vay một khoản mới trị giá 100 tỷ euro.

Đổi lại, Hy Lạp buộc phải chấp nhận tăng cường kiểm soát ngân sách. Cũng xin nói rõ là cho tới hiện nay, cứ mỗi ba tháng Hy Lạp vẫn bị 3 tổ chức Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến kiểm tra.

Sau nỗ lực của châu Âu chạy nước rút để cứu nguy Athens, thông báo của thủ tướng Papandreou gây bất bình không ít. Tổng thống Sarkozy cho biết sẽ gọi điện thoại cho thủ tướng Đức. Thị trường chứng khoán từ Âu sang Á đã tuột dốc, riêng thị trường Hy Lạp mất đến 6%.

Giới phân tích đánh giá quyết định của thủ tướng Papandreou là nguy hiểm, liều mạng, không khác gì tự vẫn chính trị. Điều này rất nguy hiểm đối với Hy Lạp, vào lúc mà nước này phải tiến hành các cuộc thương lượng để các chủ nợ tư của Hy Lạp xoá một phần nợ cho Athens.

Thông tín viên Amelie Poinsot phân tích từ Athens :

« Trưng cầu dân ý nhưng mang hình thức ủng hộ thủ tướng : đây là ván bài được ăn cả, ngã về không, của ông Papandreou. Nếu được đa số cử tri tán đồng, thì vị thế của ông sẽ được củng cố thêm, và chính sách kinh tế khắc khồ của ông càng có tính chính đáng để tiếp tục. Nhưng nếu bị đa số phản đối, thì thủ tướng Hy Lạp không còn giải pháp nào khác là tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Còn kế hoạch cho Hy Lạp mà châu Âu đã đạt được tại Bruxelles tuần qua có thể bị đặt lại hay không trong bối cảnh mà mà ông Papandreou đã nói có thể không được thông qua ? Câu trả lời sẽ là không, vì đó là quyết định của lãnh đạo và các ngân hàng lớn châu Âu.

Dù sao thì cuộc trưng cầu dân ý được dự trù vào đầu năm tới, từ nay đến đó, các ngân hàng có thể tiến hành các thủ tục chuyển đổi trái phiếu, theo thể thức quy định trong thoả thuận, dự kiến xóa bỏ 50% món nợ của Hy Lạp.

Cuối cùng thì, cho dù chính sách thắt lưng buộc bụng không được lòng dân, nhưng chưa có gì là chắc chắn cả, thông báo trưng cầu dân ý có thể là thủ đoạn chính trị khôn khéo của ông Papandreou.

Đưa ra mối đe dọa hỗn loạn chính trị, ông có thể giành được một đa số ủng hộ, cho dù có khít khao chăng nữa, vì hiện nay không phe nào tại Hy Lạp có đủ uy tín, trong lúc mà cử tri ngày càng ít tham gia bỏ phiếu, và lại cũng đang mất tinh thần trước tình hình khủng hoảng mà họ đang kinh qua. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.