Vào nội dung chính
NGA - DÂN SỐ

Tình trạng dân số sụt giảm : đe dọa lớn đối với Nga

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc công bố tháng 10 năm 2009, đến năm 2025 dân số của Nga sẽ giảm đi 11 triệu người. Có rất nhiều cách giải thích khác nhau về hiện tượng này. Thông tín viên Hoàng Dung tường trình từ Matxcơva.

UNFPA trao giấy chứng nhận cho bà Marina Nikolaeva, mẹ của bé sơ sinh được tính là người thứ 7 tỷ của hành tinh, Kaliningrad, 31/10/2011.
UNFPA trao giấy chứng nhận cho bà Marina Nikolaeva, mẹ của bé sơ sinh được tính là người thứ 7 tỷ của hành tinh, Kaliningrad, 31/10/2011. REUTERS/Pavel Shirokov
Quảng cáo

08:59

Thông tín viên Hoàng Dung (Matxcơva)

Ở Nga, đã nhiều năm nay người ta nói đến việc giảm dân số như một vấn đề nghiêm trọng, mang tính nguy hại cho an ninh quốc gia. Người ta bàn bạc vấn đề này ở mọi cấp khác nhau: từ dân chúng, đến các cơ quan truyền thông, đến chính quyền địa phương và cao nhất là đến chính quyền liên bang.

Theo con số thống kê dân số năm 2002, trong vòng 23 năm từ năm 1989 đến năm 2002 dân số Nga giảm đi 1,8 triệu người, còn trong giai đoạn từ 1992 đến 2010, dân số đã giảm đến 13,1 triệu người. Trong những năm 1990 mỗi năm dân số của Nga giảm đi trên 900 ngàn người mỗi năm. Từ năm 2001 dân số bắt đầu giảm chậm hơn. Nếu năm 2000 giảm 959 ngàn người thì đến năm 2009 chỉ còn giảm 249 ngàn người mà thôi, tuy nhiên như vậy là làn sóng sút giảm dân số vẫn chưa chấm dứt. Số lượng dân số thiếu hụt này được giảm bớt phần nào nhờ có làn sóng di dân từ các nước cộng hòa Trung Á đến nhập quốc tịch. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc công bố tháng 10 năm 2009, đến năm 2025 dân số của Nga sẽ giảm đi 11 triệu người.

Người ta bàn cãi rất nhiều để hiểu được vì sao ở Nga lại có tình trạng khủng hoảng thiếu dân số như vậy. Có rất nhiều nhóm ý kiến khác nhau. Nhưng có thể hình dung các nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, đây là một hiện tượng kinh tế - dân số. Việc dân số sút giảm ở Nga là một hiện tượng chung của tất cả các nước công nghiệp phát triển, chứ không phải là một hiện tượng đặc biệt riêng ở Nga thôi.

Thứ hai, đây là do các yếu tố kinh tế - xã hội. Do Liên Xô tan rã, mô hình xã hội với mức độ bảo đảm của nhà nước quá cao, nên dân chúng cảm thấy tương lai bất ổn nên không dám sinh con : đời sống đắt đỏ, mức sống đi xuống ….

Thứ ba, do các nguyên nhân y tế xã hội. Do đời sống đi xuống nên sức khỏe của dân chúng bị giảm sút. Bên cạnh đó, trong xã hội bùng phát các tệ nạn nghiện rượu, ma túy, bệnh xã hội …làm tỷ lệ tử vong tăng lên.
Theo kết quả thăm dò dư luận dân chúng năm 2008, 39% người dân cho rằng dân số giảm vì đời sống khó khăn và trợ cấp nuôi con quá thấp, 17% than phiền là do các cơ sở giáo dục trẻ con quá ít, 13% thì cho là do chất lượng y tế quá kém, 8% vì vấn đề chỗ ở quá khó khăn.

Cuộc khủng hoảng dân số của Nga từ cuối thế kỷ 20 có đặc điểm là cùng một lúc mức sinh đẻ sút giảm và mức độ tử vong tăng lên. Điều này được gọi là "cây thập tự Nga". Để cân bằng dân số, mức sinh đẻ phải đạt được tỷ lệ 2,11-2,13% mỗi năm, nhưng thực tế con số này ở Nga chỉ ở mức 1,5-1,6% hiện nay mà thôi và con số này xuống thấp nhất vào những năm 90, có năm tụt xuống chỉ còn 1,1-1,2%. Tỷ lệ tử vong ở Nga từ những năm 1980 đến nay có khuynh hướng tăng lên, nếu năm 1980 có 11 người chết trên 1.000 người dân thì đến những năm 2000 tỷ lệ này đã lên tới 14,2 người.

Việc khủng hoảng thiếu dân số làm cho nước Nga trong hiện tại và trong tương lai sẽ gặp phải nhiều vấn đề.
Đầu tiên là thiếu hụt sức lao động. Hiện nay mỗi năm Nga đã phải thu hút hàng triệu người từ các nước đến làm việc ở Nga và khuynh hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thập niên tới.

Việc giảm dân số làm cho nhiều trường lớp từ phổ thông đến đại học bị thiếu học sinh, nên người ta trở nên dễ dãi hơn với học sinh và sinh viên. Tình trạng này diễn ra trong 1 thời gian dài sẽ làm cho chất lượng giáo dục bị sút giảm.

Hậu quả quan trọng nhất là khả năng quốc phòng của Nga bị giảm. Nếu vào năm 2009 đội quân dự bị của Nga đạt mức 31 triệu người thì đến năm 2050 đội quân này sẽ chỉ còn 14 triệu mà thôi. Trong khi đó đội quân dự bị của Mỹ là 56 triệu và của Trung Quốc là 208 triệu người.

Với tốc độ giảm dân số như hiện nay, vùng Viễn Đông và Sibiri của Nga sẽ bị bỏ trống. Theo thống kê dân số năm 2010, trong vòng 8 năm, dân ở vùng này đã giảm đi hơn 4%.

Để giải quyết vấn đề dân số, ngay từ năm 2001 chính phủ Nga đã đưa ra cả một chương trình phát triển dân số đến năm 2015, và năm 2007 Tổng thống Putin đã đưa vấn đề dân số thành một đề mục quan trọng của bản thông điệp hàng năm gửi đến thượng viện. Người ta cho rằng để giải quyết vấn đề này cần củng cố khái niệm gia đình trong xã hội. Nâng cao vai trò của một gia đình với đầy đủ các thành viên của nó trong nhận thức của dân chúng. Trước đây trong nhiều thế kỷ ở Nga vẫn có truyền thống sinh nhiều con. Mới đầu thế kỷ 20 đây, trung bình ở các làng quê của Nga, mỗi gia đình có 6-7 đứa con, còn giờ đây phần đông gia đình Nga chỉ có 1 đứa con, nhiều phụ nữ cả đời không sinh con.

Ngoài ra, người ta cho cần giúp đỡ và khuyến khích các gia đình đông con. Năm 1944 ở Liên Xô đã thành lập huân chương “bà mẹ anh hùng” và “bà mẹ vẻ vang”. Gần đây ông Gryzlov-người phát ngôn của hạ viện cho rằng có lẽ nước Nga sẽ phải làm sống lại các danh hiệu này. Từ năm 2007 đến nay, người ta đã có nhiều khoản giúp đỡ về vật chất cho các gia đình đông con. Từ việc tặng một số tiền lớn cho các bà mẹ khi sinh đứa con thứ hai, đến các khoản phụ cấp cho các gia đình đông con hàng tháng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.