Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Hy Lạp : Áp dụng chính sách khắc khổ, nhiệm vụ khó của chính phủ mới

Đăng ngày:

Hy Lạp vừa trải qua một tuần lễ điên cuồng. Khủng hoảng tài chính, kinh tế và xã hội dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền của đảng Xã hội. Kịch bản Athènes rút lui khỏi khu vực đồng euro không còn là một điều cấm kỵ. Dư luận Hy Lạp bất mãn vì bị IMF và Châu Âu áp đặt các biện pháp khắc khổ quá khắt khe.

Athènes tâm điểm lo lắng của cả thế giới trong những ngày qua
Athènes tâm điểm lo lắng của cả thế giới trong những ngày qua REUTERS/John Kolesidis
Quảng cáo

Hy Lạp và cả khối euro vừa trải qua một tuần lễ « điên cuồng » : tại thượng đỉnh châu Âu trong hai ngày 26 và 27/10 Bruxelles đã chật vật lắm mới thuyết phục được giới ngân hàng xóa một phần nợ công cho Athènes và «vái tứ phương » để tăng nguồn tài trợ cho quỹ bình ổn tài chính châu Âu FESF. Thủ tướng Hy Lạp, Panpandreou tỏ ra hài lòng trước khi trở về nước nhưng chỉ bốn ngày sau đó, (31/10/11) ông đã bất ngờ tuyên bố ý định tỏ chức chưng cầu dân ý về kế hoạch thứ nhì cứu nguy Hy Lạp. Một ngày trước thượng đỉnh G20 tại Cannes, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp gia tăng áp lực với thủ tướng Hy Lạp đòi ông Papandreou giải thích và két quả chung cuộc là Hy Lạp từ bỏ ý định tổ chức chưng cầu dân ý. Thủ tướng Papandreou từ chức để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc với đảng đối lập cánh tả.

Bruxelles duy trì áp lực đối với Hy Lạp

Tối ngày 07/11/11 bộ trưởng Tài chính 17 nước tham gia đồng euro yêu cầu hai đảng Xã hội và Dân chủ Mới nhanh chóng hoàn tất thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Bước kết tiếp, Athènes sẽ phải viết một văn bản cam kết tuân thủ thỏa thuận mà Hy Lạp đã đạt được nhân thượng đỉnh châu Âu 26-27/10 vừa qua. Cụ thể hơn là chính quyền mới tại Athènes phải hứa thi hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu, giải quyết bội chi ngân sách nhà nước và nợ công của Hy Lạp. Văn bản chính thức này là điều kiện quyết định để khối euro và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nội trong tháng 11 này, giải ngân 8 tỷ euro trong khuôn khổ chương trình cứu nguy Hy Lạp 110 tỷ đã được thông qua từ tháng 5/2010. Hy Lạp cần có được 8 tỷ đó để thanh toán nợ đáo hạn trước ngày 30/11/2011.

Như vậy nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ là bằng mọi giá thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch thứ nhì cứu nguy Hy Lạp đã đạt được cuối tháng trước.

Kế hoạch đó dự trù :
- cấp thêm 130 tỷ tín dụng cho Athènes, tránh để thành viên này của khu vực euro mất khả năng thanh toán,
- xóa 100 tỷ euro nợ công của nhà nước Hy Lạp, tương đương với 50 % khoản tiền mà các cơ quan tài chính tư nhân - chủ yếu là các ngân hàng của Hy Lạp và châu Âu, các hãng bảo hiểm đã cho chính phủ Athènes vay.

Đổi lại, Hy Lạp phải thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng một cách triệt để, và Hy Lạp gần như là bị đặt dưới sự giám sát của các chủ nợ là Ngân hàng Trung ương Châu Âu BCE và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Thông tín viên RFI từ Athènes giải thích thêm về điểm này :

« Hành lang hoạt động của chính phủ mới sẽ rất hạn hẹp. Tân nội các sẽ khó có thể xét lại các biện pháp cắt giảm chi tiêu đã được áp dụng tại Hy Lạp từ hơn một năm rưỡi nay. Chính phủ mới sẽ bắt buộc phải áp dụng thỏa thuận vừa đạt được với Bruxelles và sẽ phải làm tất cả để khoản tín dụng 8 tỷ euro trong kế hoạch cứu nguy Hy Lạp đã được thông qua từ năm ngoái phải được giải ngân. Nếu như chính quyền mới tại Athènes muốn nhận được nốt khoản tiền 37 tỷ trên tổng số 110 tỷ đã được cộng đồng quốc tế đồng ý cho vay, thì thủ tướng mới của Hy Lạp sẽ phải tuân thủ luật chơi do Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề ra.

Dư luận Hy Lạp cho rằng quốc gia này đang bị đặt dưới sự kiểm soát của quốc tế. Trong quá khứ, vào cuối thế kỷ XIX, Hy Lạp đã từng bị vỡ nợ và khi đó thì cũng chính ha nước Pháp và Đức đã can thiệp sau khi đã giám sát kỹ càng sổ sách của Hy Lạp »

Athènes chưa tìm ra ngõ thoát

Câu hỏi đặt ra là gói hỗ trợ thứ nhì 130 tỷ mà quốc tế hứa hẹn cho Hy Lạp vay liệu có đủ sức đưa nền kinh tế này thoát khỏi bế tắc hay không ?

Hai yếu tố chính trị và kinh tế có thể trả lời cho câu hỏi này : về phương diện chính trị, các nhà quan sát cho rằng liên minh cầm quyền, bao gồm đảng Xã hội và đảng Dân chủ Mới thuộc cánh hữu sẽ không có chung một tiếng nói khi phải thương thuyết với các nhà tài trợ quốc tế để bảo vệ quyền lợi của bản thân Hy Lạp. Thêm vào đó, trong quá khứ, cả hai đảng Xã hội và Dân chủ Mới đều bị chỉ trích là đã « thiếu can đảm » khi phải đưa ra những quyết định không được lòng dân để bảo đảm cho Hy Lạp có được một sự tăng trưởng vững bền.

Nhìn đến các yếu tố thuần túy kinh tế, Hy Lạp là một quốc gia với 220 tỷ euro tổng sản phẩm nội địa. Hai kế hoạch cứu nguy Hy Lạp của năm ngoái và năm nay cộng lại là 240 tỷ euro trước mắt vẫn không đủ sức vực dậy một quốc gia có trọng lượng kinh tế chỉ băng 2 % của khối euro.
Dự báo năm nay chó thấy kinh tế Hy Lạp bị suy thoái ( - 5 % trong tài khóa 2011). Tỷ lệ thất nghiệp trung bình lên tới 16 – 17 % ; ¼ thanh niên trong độ tuổi từ 19 đến 25 không có việc làm. Thêm vào đó, theo thẩm định của các trung tâm nghiên cứu về Hy Lạp, kinh tế ngầm của quốc gia này chiếm trọng lượng từ 20 đến 30 %. Mỗi năm Hy Lạp bị thất thoát từ 10 đến 15 tỷ euro tiền thuế.

Các điểm son của kinh tế Hy Lạp thì không nhiều. Đây là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào hai lĩnh vực : du lịch và giao thông hàng hải. Khu vực sản xuất của Hy Lạp bị coi yếu kém nhất của châu Âu và kém cỏi về mặt cạnh tranh với quốc tế.

Tất cả các yếu tố trên khiến các nhà đầu tư không còn tin tưởng để cấp thêm tín dụng cho quốc gia này. Bản thân các nhà đầu tư Hy Lạp cũng không muốn cho chính quyền Athènes vay thêm vốn. Người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng. Hậu quả trực tiếp là các cơ quan tài chính Hy Lạp không còn khả năng tài trợ cho các công trình đầu tư của cả khu vực kinh tế tư nhân lẫn nhà nước. Hy Lạp đang đứng trước một cái vòng luẩn quẩn không tìm ra lối thoát. Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng đình đốn càng kéo dài thì chi phí ngân hàng mà Hy Lạp phải trả cho các chủ nợ lại càng cao.

Dân biểu châu Âu và cũng là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Pháp, Alain Lamassoure cho rằng đã đến lúc Athènes phải chấp nhận luật chơi chung nếu muốn còn được tồn tại trong khối euro và nhất là để tiếp tục được Ngân hàng Trung ương Châu Âu và quỹ IMF « vào nước biển » cho hàng trăm tỷ euro :

« Một quốc gia không thể đứng vững nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế, đương nhiên phải chấp nhận những điều kiện của các nhà tài trợ. Một cách tổng quát : hiện tại người dân Hy Lạp đóng thuế chỉ bằng 50 % so với mức trung bình trong khu vực đồng euro. Hiến pháp của Hy Lạp miễn thuế cho khoảng 1000 chủ tàu. Đây là thành phần rất giàu có, trong số đó có rất nhiều các nhà tỷ phú và phần còn lại hầu hết thì cũng là những nhà triệu phú. Vậy thì làm sao có thể giải thích cho việc người Pháp, hay Đức phải đóng thuế để hỗ trợ Hy Lạp trong khi đó bản thân người Hy Lạp lại được đóng thuế ít hơn hoặc được miễn đóng thuế ?

Châu Âu và IMF đồng ý hỗ trợ Hy Lạp, cụ thể là Ngân hàng BCE và IMF lấy uy tín của mình để đi vay, rồi dùng khoản tiền đó cho Athènes vay lại. Hiện tại giới đầu tư không còn tin cậy để cho Hy Lạp vay trực tiếp nữa. Đổi lại Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đòi Athènes phải bảo đảm »

Như dân biểu Lamassoure vừa nêu : vấn đề cơ bản của Hy Lạp hiện nay là quốc gia này đã đánh mất niềm tin để có thể tiếp tục đi vay tiền của các định chế tài chính. Vì vậy các đối tác châu Âu cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đem uy tín của họ ra để đi vay các ngân hàng rồi dùng khoản tiền đó cho Hy Lạp vay trở lại với lãi suất cao hơn.

Hy Lạp gia nhâp Liên Hiệp Châu Âu năm 1981. 20 năm sau quốc gia này được kết nạp vào khối euro. Nghĩa là Athènes tuân thủ các quy định của hiệp ước Maastricht về nợ công (tối đa là 60 % GDP) và thâm hụt ngân sách nhà nước (3 % GDP) để có thể thay thế đồng tiền quốc gia drachme bằng đồng euro.

Mãi cho đến năm 2009 đảng Xã hội lên cầm quyền mới phát hiện ra là kể từ 2004 trở đi, tỷ lệ nợ công và bội chi ngân sách nhà nước của Hy lạp cao hơn rất nhiều so với quy định của khối euro và cũng cao hơn rất nhiều so với các con số chính thức mà đến nay các chính quyền liên tiếp ở Athènes vẫn thuờng đưa ra để trấn an các đối tác châu Âu.

Đe dọa khối euro tan rã ?

Chính vì vậy mà một số các nhà phân tích cho rằng, Hy Lạp chỉ có một phần trách nhiệm trong các vụ bê bối liên tiếp để khủng hoảng âm ỷ kéo dài trong nhiều năm qua. Nhưng bên cạnh đó thì khối euro cũng đáng bị chê trách khi đã không theo dõi sát tình hình của một nước thành viên để Hy Lạp bị dồn vào chân tường với hậu quả là toàn khu vực đồng euro phải ra gánh vác bớt một phần nợ của Athènes.

Về điểm này nghị viên châu Âu người Pháp thuộc đảng UMP ông Alain Lamassour cho rằng Hy Lạp luôn là gánh nặng của châu Âu và trong trường hợp quốc gia này rút lui khỏi khối euro, sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu vẫn không sợ bị đe dọa

« Cho đến nay, kể từ khi Hy Lạp gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 1981, quốc gia này hàng năm nhận được nhiều tỷ euro trợ cấp của Bruxelles để nâng cấp hạ tầng cơ sở, để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế … nhằm giúp Hy Lạp bắt kịp nhịp độ phát triển của các thành viên khác trong Liên hiệp. Câu hỏi đặt ra là các chính quyền liên tiếp tại Athènes đã làm gì với các khoản viện trợ đó ? Giờ đây Hy Lạp đứng bên bờ vực thẳm cộng đồng quốc tế lại đưa lưng ra chia sẻ gánh nặng chung với Hy Lạp. Điều dễ hiểu là để tiếp tục nhận được hỗ trợ của quốc tế, bắt buộc Athènes phải trình bày sổ sách, phải thông báo về các khoản chi tiêu của mình.

Khu vực đồng euro không bị đe dọa kể cả trong trường hợp Hy Lạp ra khỏi khối euro. Hơn nữa tôi cam chắc rằng Hy Lạp sẽ không ra khỏi khối euro. Tôi cũng xin lưu ý là các hiệp ước châu Âu quy định rõ : một thành viên khối euro không thể nào rút lui khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Hiệp ước Lisboa tuy nhiên có quy định là mọi thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều có thể bước ra khỏi Liên hiệp bất kỳ lúc nào và vô điều kiện.

Trong trường hợp nguyện vọng của người dân Hy Lạp là ra khỏi khối euro thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải tìm ra một giải pháp và một khung pháp lý để giải quyết trường hợp của Hy Lạp. Đây sẽ là một điều vô cùng phức tạp nhưng sẽ không làm suy yếu bản thân Liên Hiệp Châu Âu hay khu vực đồng euro »

Lo ngại lớn nhất của khối euro là « con sâu làm rầu nồi canh » : khủng hoảng Hy Lạp lan rộng sang nhiều thành viên khac như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhất là nước Ý. Về điểm này dân biểu Lamassoure phân tích :
« Nguy cơ khủng hoảng lây lan đã trở thành một vấn đề ngay trước mắt chúng ta. Khủng hoảng Hy Lạp thực ra đã kéo dài từ gần hai năm nay. Cho tới nay các nhà tài trợ có uy tín, như là giới ngân hàng hay các công ty bảo hiểm đã cho nhà nước Hy Lạp vay vì họ nghĩ rằng công trái phiếu luôn là những sản phẩm tài chính an toàn và nợ công của nhà nước cũng là những nguồn đầu tư an toàn. Vấn đề đặt ra là một số quốc gia bê bối trong việc quản lý ngân sách. Trong số đó có Hy Lạp. Athènes thậm chí còn ngụy tạo sổ sách. Một khi châu Âu khám phá ra trường hợp của Hy Lạp thì Bruxelles cũng rà soát lại tình trạng ngân sách của các thành viên khác và họ khám phá ra là nợ công của Ý cũng rất cao và Roma cũng đã che đậy một số khó khăn của mình »

Nói cách khác, kết nạp Hy lạp vào khối euro cách nay 10 năm không phải là một sáng kiến tích cực, thế nhưng để cho quốc gia này bước ra khỏi khu vực euro cũng không phải là điều dễ làm. Trong những tuần lễ gần đây từ Berlin và Paris đều đề cập đến khả năng Hy lạp ra khỏi khu vực euro. Nhưng trước mắt giải pháp ấy cũng có cái giá phải trả không chỉ riêng đối với bản thân Hy lạp mà còn cả đối với khối euro.

Đối với Hy Lạp ra khỏi khối euro sẽ kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt các ngân hàng quốc gia, kèm theo đó là lạm phát gia tăng khi Athènes sử dụng lại đơn vị tiền tệ cũ là đồng drachme nhưng đó sẽ là một đồng drachme bị mất giá đến 50 %. Hậu quả trực tiếp là lạm phát ngựa phi. Còn đối với khu vực euro thì sau Hy Lạp, một vài thành viên đang gặp khó khăn khác cũng có thể nối gót theo chân Athènes để được làm chủ trở lại chính sách tiền tệ và ngân sách của mình mà không bị Bruxelles bó tay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.