Vào nội dung chính
IRAN - HẠT NHÂN

AIEA họp kín để bàn về hồ sơ nguyên tử Iran

Ngày 17/11/2011, Hội đồng quản trị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) bắt đầu họp kín tại Vienna trong hai ngày, để bàn luận về bản báo cáo liên quan đến chương trình hạt nhân quân sự bí mật của Iran. Các nước phương Tây bất đồng với Nga và Trung Quốc trước viễn cảnh một cường quốc nguyên tử mới trỗi dậy.

Đại diện Iran  (trái) tại AIEA và đồng sự Nga.
Đại diện Iran (trái) tại AIEA và đồng sự Nga. REUTERS/Herwig Prammer
Quảng cáo

Từ Vienna, thông tín viên RFI Blaise Gauquelin cho biết thêm chi tiết :

« Đó là một báo cáo đơn giản dài khoảng 50 phút, được trình bày tại một trong những phòng chiếu phim của Liên Hiệp Quốc không có gì đặc biệt. Nhưng dù sao đó cũng là một bản báo cáo mang tính lịch sử.

Ngày 11/11/11, các bản phim đã lần lượt được chiếu lên cho các đoàn đại biểu. Trưởng đoàn thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), trước một cử tọa đầy sững sờ, đã trình bày chi tiết tất cả các yếu tố kỹ thuật của chương trình nguyên tử quân sự, mà Iran vẫn tiếp tục kiên quyết chối bỏ.

Đoàn đại biểu Nga và Trung Quốc rời phòng họp với gương mặt tái mét và từ đó không còn một ai tại Vienna có thể nghi ngờ nữa : rõ ràng là Iran muốn chế tạo bom nguyên tử. Vấn đề hiện nay là phải phản ứng như thế nào trước tình hình mới này.

Các nước phương Tây cho rằng « Cần phải bỏ phiếu cho việc trừng phạt ngay lập tức », với hy vọng sẽ khơi lại các cuộc nổi dậy của dân chúng tại Iran và cuối cùng sẽ làm sụp đổ chế độ Hồi giáo.

« Không bao giờ ! », Nga và Trung Quốc đáp lại. Hai nước này muốn dời lại vào kỳ họp tháng Ba tới. Điều đó chẳng khác nào thú nhận ngay lập tức là Iran nay là một cường quốc nguyên tử và thế giới chưa chuẩn bị cho viễn cảnh này. »

Theo một nguồn tin ngoại giao, AIEA cố gắng đưa ra một nghị quyết có thể được tất cả các bên chấp nhận, yêu cầu Iran từ nay cho đến phiên họp tới vào tháng 3/2012 phải trả lời tất cả các vấn đề nêu ra trong bản báo cáo.

Đối với các nước phương Tây, báo cáo mới nhất của AIEA là một bước ngoặt của cuộc điều tra về chương trình hạt nhân của Teheran kéo dài đã 8 năm qua, và là cơ hội buộc quốc gia Hồi giáo này phải tỏ ra hợp tác. Còn Trung Quốc, mà Iran vốn là một trong những nguồn cung cấp dầu hỏa chủ yếu và Nga, vốn duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Teheran, thì chống đối lại mọi dự định trừng phạt Iran. Về phía Iran thì vẫn lên án AIEA bị áp lực chính trị của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.